Giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng yêu sách phi lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiếp theo các nước trong khu vực cùng Mỹ và Australia, lại có thêm Anh đưa ra tuyên bố phản bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên “Đường lưỡi bò”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
ASEAN và Trung Quốc cần sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông

ASEAN và Trung Quốc cần sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế để giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông

Anh phản bác yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc

Đầu tháng 9 vừa rồi, Bộ Ngoại giao Anh đã công bố lập trường về các vấn đề pháp lý tại Biển Đông, phản đối các yêu sách biển của Trung Quốc tại vùng biển này dựa trên “quyền lịch sử” và khái niệm “quần đảo xa bờ”. Cho rằng Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ cơ sở các yêu sách này, Bộ Ngoại giao Anh khẳng định yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc trái với việc phân bổ vùng biển theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và không có hiệu lực pháp lý.

Đây là tuyên bố mới nhất sau một loạt các văn bản chính thức mà nhiều nước đưa ra trong thời gian gần đây liên quan đến yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Mọi việc bắt đầu từ cuối năm 2019, khi Trung Quốc gửi công hàm lên Liên hợp quốc (LHQ) phản đối bản đệ trình của Malaysia về ranh giới thềm lục địa mở rộng của nước này ra ngoài khu vực 200 hải lý. Trong công hàm của mình, Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh lại quan điểm về cái gọi là “quyền lịch sử” trên Biển Đông, đồng thời coi phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc là không công bằng và bất hợp pháp.

Phản bác quan điểm của Trung Quốc, một loạt các nước trong khu vực gồm Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia đều có công hàm gửi lên LHQ trình bày rõ quan điểm của mình về các vấn đề liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông. Điểm chung trong các công hàm này là việc khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên “Đường lưỡi bò” là không có cơ sở pháp lý và đã bị Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ. Thêm vào đó, quan điểm của Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia không phải được đưa ra trong các cuộc họp báo hay tuyên bố như trước, mà được chính thức đệ trình lên LHQ và được cơ quan này ghi nhận.

Không chỉ các nước trong khu vực, các nước ngoài khu vực nằm cách xa và không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nhưng có các lợi ích liên quan, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không, là Mỹ, Australia và bây giờ là Anh cũng đưa ra các tuyên bố khẳng định thái độ của mình trước các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền, Mỹ, Australia và Anh đều có quan điểm chung là bác bỏ các tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra liên quan đến Biển Đông dựa trên yêu sách “đường lưỡi bò” cũng như các khái niệm như “quyền lịch sử”, “Tứ Sa”…

Không chỉ bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc, Mỹ, Australia và Anh đều cho rằng việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải dựa trên luật pháp quốc tế như UNCLOS. Tuyên bố của Mỹ, Australia và Anh cũng nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ yêu sách phi lý “quyền lịch sử”, đồng thời cho rằng Trung Quốc cần làm rõ yêu sách biển của mình dựa trên UNCLOS. Sự phản đối này của các quốc gia khác nhau đối với tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc, đặc biệt khi nhắc tới phán quyết của Tòa trọng tài, đang làm suy yếu các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình

Có thể thấy đòi hỏi thượng tôn pháp luật, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình là quan điểm đang nổi lên trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông diễn biến phức tạp. Mới đây, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nhân chuyến thăm của ông này đến thăm Philippines, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã kêu gọi các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cho rằng luật pháp quốc tế phải được tuân thủ.

Biển Đông đang nóng lên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải duy trì hòa bình và ổn định ở vùng biển này vì điều đó đem lại lợi ích chung của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi các bên có thiện chí và hướng tới biện pháp hòa bình trong việc tìm giải pháp cho các tranh chấp.

Nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế không phải là điều gì mới bởi đây là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Nguyên tắc này đã hình thành từ lâu, đặc biệt từ năm 1945 khi Hiến chương LHQ ra đời, trong đó nhắc tới việc các quốc gia có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua các biện pháp phi vũ lực. Các biện pháp cụ thể để giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế rất đa dạng, từ đàm phán, trung gian, hòa giải, đến điều tra, sử dụng các dàn xếp khu vực, các biện pháp tòa án, trọng tài… Tất cả những nội dung này được liệt kê trong Điều 33 của Hiến chương LHQ và các các quốc gia có quyền tự do lựa chọn.

Liên quan đến Biển Đông, dù tình hình rất căng thẳng nhưng điều đó không có nghĩa là không thể hóa giải các tranh chấp một cách hòa bình. Thực tế thì nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp đã được ghi nhận và nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện song phương và khu vực. Năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trong tuyên bố này, các bên khẳng định cam kết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và “cam kết giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, thông qua tham vấn, đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia trực tiếp liên quan”. Dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc thông qua tháng 8-2017 cũng đề cập đến việc “Thúc đẩy lòng tin lẫn nhau, sự hợp tác và uy tín, ngăn ngừa các sự cố, giải quyết các sự cố nếu chúng xảy ra, và tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp”.

Trong các tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân các chuyến thăm viếng nhau của lãnh đạo hai nước, nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp cũng thường xuyên được nhắc tới, thể hiện ở cam kết sẽ giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp đàm phán. Điều đó cho thấy thực hiện đúng nguyên tắc này không chỉ là nghĩa vụ quốc tế mà các bên liên quan đến Biển Đông phải tuân thủ, mà đó cũng chính là cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn, đem lại hòa bình và ổn định cho vùng biển này.