Giải quyết tình trạng quá tải hệ thống trên HoSE: Khó có giải pháp hoàn hảo!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến tình trạng quá tải kéo dài trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), có ý kiến cho rằng chúng ta nên lựa chọn đấu thầu trong nước thay vì chờ đợi gói thầu KRX. Tuy nhiên, liệu đây có phải là “đáp án” hoàn hảo cho bài toán này?

Vì sao KRX trễ hẹn?

Sở dĩ xảy ra tình trạng quá tải, nghẽn lệnh kéo dài trên HoSE thời gian vừa qua là do đang sử dụng hệ thống phần mềm do đối tác Thái Lan hỗ trợ từ năm 2000, trong khi khối lượng lệnh và thanh khoản tăng đột biến, vượt sức chịu tải.

Việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống gặp nhiều khó khăn vì HoSE không có bản quyền, không được trao mã nguồn.

Trên thực tế, lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã sớm nhìn nhận những bất cập này.

Chính vì vậy, năm 2012, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai gói thầu về hạ tầng công nghệ thông tin cho thị trường chứng khoán (TTCK). Dự án do HoSE là chủ đầu tư với 2 đơn vị thụ hưởng là HNX và VSD.

Đây là một dự án được kỳ vọng khi đưa vào vận hành sẽ làm thay đổi toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin của TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, đáng tiếc là cho đến nay, tức là sau gần 10 năm, dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động.

Về lý do gói thầu này bị trễ hẹn, phía HoSE cho biết, nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa có kinh nghiệm đối với việc lựa chọn 1 hệ thống có quy mô và đặc tính phức tạp như các hệ thống thị trường chứng khoán vào thời điểm đó.

Vì vậy, với sự tư vấn quốc tế, bộ hồ sơ mời thầu có gần 1.000 câu hỏi về các phương diện khác nhau (mời thầu 2008). Câu trả lời của các nhà thầu sẽ được chấm điểm và đánh giá lựa chọn.

Thời điểm đó, có 3 nhà thầu quốc tế tham gia gồm: Sở GDCK Hàn Quốc, Sở GDCK Nasdaq-OMX, Sở GDCK New York (NYSE). Sau đó NYSE rút do không đủ nguồn lực triển khai. KRX được chọn vì đáp ứng tiêu chí và chi phí đầu tư thấp hơn.

Từ gần 1.000 câu hỏi và trả lời của Hồ sơ mời thầu, hai bên đã mất 3 năm (2009-2012) để cụ thể hóa thành đầu bài cụ thể, trên cơ sở đó mới ký Hợp đồng.

Một vướng mắc nữa là dự án được thực hiện theo hình thức tổng thầu (EPC) chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam thời điểm đó, nên quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc.

Phạm vi và quy mô dự án bao trùm toàn bộ TTCK Việt Nam là rất lớn và phức tạp, phải đặt ra nhiều yêu cầu cho tương lai phát triển trong khi đó thực tiễn Việt Nam chưa có, phải vừa nghiên cứu vừa triển khai.

Trong quá trình triển khai, quy mô và nghiệp vụ TTCK Việt Nam liên tục thay đổi, vượt xa các dự báo nên phải cập nhật các yêu cầu đối với hệ thống.

“Ngoài ra, phía nhà thầu có sự thay đổi nhà thầu phụ, phải tìm kiếm, thay thế nhà thầu phụ. Quá trình triển khai kéo dài dẫn đến một số thiết bị, công nghệ bị lạc hậu (hết vòng đời sản phẩm), phải cập nhật công nghệ. Cùng với đó, xảy ra tình trạng thiết bị sai nguồn gốc xuất xứ, phải thay đổi nên mất nhiều thời gian” – lãnh đạo HoSE cho biết.

Dự án KRX vận hành được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải, nghẽn lệnh trên HoSE

Dự án KRX vận hành được kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải, nghẽn lệnh trên HoSE

Dù vậy, đến nay, những vướng mắc đã dần được tháo gỡ và các bên đang trong quá trình thử nghiệm hệ hệ thống, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào cuối năm nay.

Thực ra, nếu không liên tiếp bùng phát các đợt dịch Covid-19 phức tạp khiến các chuyên gia Hàn Quốc gặp khó khăn khi vào Việt Nam thì có thể hệ thống này đã được vận hành sớm hơn, tình trạng quá tải, nghẽn lệnh khiến nhà đầu tư bức xúc thời gian qua đã được giải quyết triệt để.

Khó đấu thầu trong nước

Việc gói thầu KRX kéo dài tới gần 10 năm chưa nghiệm thu khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao Việt Nam không đấu thầu trong nước. Vì thực tế trong 10 năm qua, các doanh nghiệp công nghệ trong nước đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc nghiên cứu, làm chủ các công nghệ liên quan đến TTCK.

Trong một chia sẻ mới đây trên báo chí, Chủ tịch Công ty chứng khoán VNDirect Phạm Minh Hương cho rằng, năm 2012, ngành chứng khoán chọn KRX là một quyết sách rất phù hợp và cần thiết tại thời điểm đó, bởi người Việt chúng ta chưa thể tự xây nên hệ thống đủ sức kết nối tất cả trên một nền tảng.

Tuy nhiên, với năng lực hiện tại, bà Minh Hương tin rằng các doanh nghiệp công nghệ như FPT có thể đứng ra hợp lực công nghệ cùng với kinh nghiệm chuyên môn quản lý của UBCKNN, HoSE, HNX, VSD và các chuyên gia đủ sức đặt ra đầu bài để cùng xây "căn nhà" công nghệ Việt, phù hợp với hiện trạng pháp lý, cấu trúc thị trường và các yếu tố khác của Việt Nam.

Tuy nhiên, lãnh đạo HoSE cho biết, trên thực tế, hệ thống phần mềm của FPT đang cùng HoSE triển khai chỉ là thay tạm cho phần khớp lệnh của HoSE. Trong khi dự án với Hàn Quốc bao trùm toàn bộ TTCK Việt Nam, thay thế toàn bộ nền tảng CNTT của HoSE, HNX và VSD. Tức là hai dự án với hai phạm vi hoàn toàn khác nhau.

Theo lãnh đạo HoSE, các hệ thống của thị trường chứng khoán là vô cùng phức tạp, vì vậy không phải tự nhiên trên thế giới chỉ có một số ít các nhà cung cấp giải pháp.

“Đối với các nước đi theo mục tiêu xây dựng, làm chủ hệ thống, họ phải có đội ngũ nhân sự IT vô cùng hùng hậu. Như Hàn Quốc, họ có công ty con về hệ thống IT (Koscom) với hàng nghìn kỹ sư IT. Liệu đây có phải là sự lựa chọn chiến lược phù hợp và hiệu quả đối với Việt Nam?” – lãnh đạo HoSE đặt câu hỏi.

Ở khía cạnh khác, câu chuyện về đầu tư cũng buộc cơ quan quản lý và HoSE phải cân nhắc.

“Nếu đấu thầu trong nước vào thời điểm này, chúng tôi bị “kẹt” ở câu chuyện về đầu tư công. Tức là gói thầu KRX đã sắp “đến đích” rồi, nếu tiếp tục đấu thầu trong nước rõ ràng là đầu tư trùng lặp, gây lãng phí ngân sách” – lãnh đạo HoSE trần tình.

Với những khó khăn trên, lãnh đạo HoSE cho rằng, việc giải quyết triệt để tình trạng quá tải của HoSE sẽ không thể “ngày một, ngày hai”.

Vì vậy, những giải pháp tình thế như thời gian vừa qua đơn vị này áp dụng, dù có thể gây một số phiền toái cho nhà đầu tư và các thành viên thị trường, nhưng đó thực sự là những giải pháp tối ưu nhất trong bối cảnh hiện tại...