Giải quyết quán ăn sau 24h: Chính quyền phải vào cuộc!

(ANTĐ) - Ăn đêm được coi là một nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội, nhưng nét văn hóa đó đang để lại nhiều vết gợn, khi khách hàng phần lớn là những “cậu ấm”, “cô chiêu” nhiều tiền nhưng thiếu văn hóa...

Giải quyết quán ăn sau 24h: Chính quyền phải vào cuộc!

(ANTĐ) - Ăn đêm được coi là một nét văn hóa ẩm thực của người Hà Nội, nhưng nét văn hóa đó đang để lại nhiều vết gợn, khi khách hàng phần lớn là những “cậu ấm”, “cô chiêu” nhiều tiền nhưng thiếu văn hóa...

Quán ăn sau 24h đang gây ra phức tạp về ANTT
Quán ăn sau 24h đang gây ra phức tạp về ANTT

Sành điệu phố ẩm thực đêm

Đã có thời gian quận Hoàn Kiếm và các ngành chức năng của Hà Nội mất nhiều công sức, tiền của để thực hiện dự án phố ẩm thực Tống Duy Tân. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, phố ẩm thực Tống Duy Tân đã bắt đầu thưa thớt khách, thì phố Phùng Hưng cách đó mấy chục mét lại trở thành địa chỉ “ẩm thực” đêm với đủ các loại, từ lẩu hải sản đến lẩu lòng và lẩu thập cẩm... 

Nhiều khi do “rượu vào, lời ra”, hoặc chỉ vì một cái nhìn bất thường, các “thượng đế” trong các quán ăn đêm đã vác ghế, hay dùng vũ khí thô sơ để “nói chuyện” với nhau, dẫn đến thương tích, thậm chí cả án mạng...

Sau phố “lẩu” Phùng Hưng, con phố nhỏ Cao Bá Quát vốn vắng lặng giờ đã trở nên nhộn nhịp bởi những quán lẩu thập cẩm và người ta đã đặt tên cho nó là “phố lẩu” 2... Khoảng 17h hàng ngày, hai phố “lẩu” Phùng Hưng, Cao Bá Quát rực sáng với các biển hiệu xanh, đỏ làm nổi bật tên của các loại lẩu bình dân. Nhưng phải từ 22h trở đi các hàng quán mới đông khách, có khi đến 2 hoặc 3h sáng các hàng quán mới hết khách.

Ngay cả khu vực làng Ngũ Xã (một làng nổi tiếng với nghề đúc đồng trước đây), sau khi hồ Trúc Bạch được kè và cải tạo lại thì tại đây lại được mọi người biết đến với những quán phở cuốn bán thâu đêm. Một số quán giải khát ven hồ Trúc Bạch (ngay đầu đường Thanh Niên) hoạt động khoảng 20/24h mỗi ngày. Giữa họ thường xuyên tranh giành khách hàng, nơi để xe, lối đi với nhau để rồi dẫn đến ẩu đả, gây mất  ANTT.

Nhiều chủ quán ăn đêm cho biết, hàng ngày họ chỉ bắt đầu bán hàng vào lúc 22h trở đi, bởi lúc đó mới thực sự là giờ ăn của các “thượng đế”.  Lúc đó bàn ghế được bày tràn lan trên hè đường phố, các “thượng đế” ngồi áp lưng vào nhau vừa ăn, vừa cười hết cỡ và nói với nhau bằng những lời thiếu văn hóa. Điều đáng buồn “thượng đế” của các quán ăn đêm phần lớn thuộc thế hệ 8X, 9X, họ cho rằng chỉ đi ăn đêm như vậy họ mới thực sự là... sành điệu.

Theo quy định, đúng 24h hàng ngày các quán ăn đêm phải ngừng hoạt động, nhưng từ thời điểm đó trở đi mới là lúc các quán bán hàng ăn đêm “hái ra tiền”, bởi khách vào ăn tại đây phần nhiều là những “cậu ấm”, “cô chiêu” ngủ ngày, chơi đêm, họ là con của những nhà giàu, cậy bố mẹ có chức quyền đến ăn rồi quậy phá, một số khách là các “gái bao”, “trai nhảy” sau khi “tan ca” từ các sàn nhảy, quán bar, quán karaoke, các nhà hàng, khách sạn... Chỉ có một phần rất nhỏ là công nhân vừa tan ca đêm...

 Lúc đó, vỉa hè của các phố bừa bãi bàn ghế và rác, dưới lòng đường đủ các loại xe cái quay ngang, cái để dọc như đường phố của riêng mình. Điều đáng nói là do “rượu vào, lời ra”, hoặc chỉ vì một cái nhìn bất thường, người này cho rằng người kia “ nhìn đểu” mình, nên các cô cậu choai choai trong các quán ăn đêm đã vác ghế, hoặc dùng cả vũ khí thô sơ để “nói chuyện” với nhau, dẫn đến thương tích, thậm chí cả án mạng...

Khó trong giải quyết

Do lợi nhuận hấp dẫn từ các quán ăn đêm rất cao nên nhiều đường phố của Hà Nội nói chung và của quận Hoàn Kiếm nói riêng đã hình thành các tụ điểm ăn đêm như “phố lẩu” Phùng Hưng, Cao Bá Quát, chợ mực nướng - chợ đêm Đồng Xuân và ngõ Tạm Thương, chân gà nướng ở phố Trịnh Hoài Đức, cơm rang Mã Mây, phở cuốn và các hàng giải khát xung quanh khu vực hồ Trúc Bạch, hoặc một số quán hàng ăn ở đầu ngã tư Giảng Võ - Láng Hạ - La Thành (đoạn từ số nhà 393 La Thành trở đi)... Những quán bán hàng ăn sau 24h như vậy đã làm cho tình hình ANTT và TTĐT của Hà Nội càng trở nên phức tạp.

Có thể nói sự lúng túng trong xử lý vi phạm và sự thờ ơ, thậm chí vô cảm của chính quyền cơ sở ở một số nơi, chính là nguyên nhân dẫn đến vi phạm ngày càng phức tạp của các quán ăn đêm này.

Lợi nhuận từ việc bán hàng ăn sau 24h cao hơn rất nhiều so với những quán ăn bình thường khác. Bởi các quán ăn đêm phần lớn bán trên vỉa hè không mất tiền thuê cửa hàng, không mất tiền thuế. Còn vệ sinh an toàn thực phẩm của các quán ăn đêm hoàn toàn bị thả nổi và thật đáng sợ... Giải quyết các quán bán hàng sau 24h ở các phường hiện tại chỉ có lực lượng công an và tự quản của phường. Vì lợi nhuận cao, nhiều chủ quán cố tình không nhận thức việc vi phạm của mình, mà còn có hành vi chống đối, cản trở lực lượng làm nhiệm vụ như quán cơm rang 38 Mã Mây, phường Hàng Buồm. Nhiều chủ cửa hàng đối phó bằng cách cử nhân viên canh gác khi thấy lực lượng làm nhiệm vụ đến thì tắt đèn tạm rút, đợi lực lượng đi rồi lại tiếp tục bán... và cái vòng luẩn quẩn đó cứ tiếp diễn ngày này qua ngày khác.

Chế tài xử phạt các hàng quán bán sau 24h được áp dụng theo NĐ152/CP, mức phạt rất thấp, mức trung bình chỉ xử phạt được từ 50.000 đến 75.000 đồng/1 hộ. Nếu hộ nào vi phạm nhiều lần và mức độ nghiêm trọng cũng chỉ đến 750.000 đồng/1 hộ. Mức phạt đó so với lợi nhuận của các hàng quán bán đêm chẳng đáng là bao, nên nhiều hộ “sẵn sàng” nộp phạt và tiếp tục bán... Đó là những điều gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Một thực tế khác là hiện nay, việc giải quyết hàng quán vi phạm sau 24h dồn hết cho lực lượng công an. Còn các ban, ngành chức năng khác như Thuế, QLTT, Y tế… vẫn đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy, xử lý hàng quán sau 24h mới chỉ dừng ở góc độ vi phạm về ANTT ; những vi phạm không kém phần quan trọng khác như trốn thuế, không đảm bảo an toàn VSTP… đang bị thả nổi.

Để giải quyết triệt để hàng quán ăn đêm sau 24h, rất cần sự vào cuộc thực sự của chính quyền cơ sở trong thực thi trách nhiệm quản lý Nhà nước. Và để tháo gỡ khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý vi phạm, UBNDTP Hà Nội sớm chỉ đạo các Sở, ban, ngành có quyết định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế đối với những quán ăn hoạt động sau 24h trên các đường phố, góp phần bảo đảm ANTT và TTĐT ở Hà Nội. Quy hoạch những quán ăn này thành phố ẩm thực vừa phục vụ phát triển du lịch Thủ đô, đáp ứng nhu cầu ăn uống của người dân, vừa có thể quản lý chặt chẽ là một hướng đi cần được thành phố quan tâm, nghiên cứu. 

        Quách Tuyến