Giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo: Đã có phương án nhưng chậm xử lý

ANTD.VN - Kết quả kiểm tra mới nhất cho biết, tại 11 quận, huyện của Hà Nội, còn tới 214 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo tồn đọng dai dẳng, chưa được giải quyết dứt điểm. Thành phố yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành phải vào cuộc quyết liệt hơn, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo: Đã có phương án nhưng chậm xử lý ảnh 1Đường vừa mở xong là lộ ra những nhà siêu mỏng kỳ dị

Quận, huyện kêu khó

Theo kết quả kiểm tra năm 2015 và tái kiểm tra năm 2016 tại các tuyến đường mới mở trên địa bàn 11 quận, huyện (Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm), số lượng nhà, đất siêu mỏng, siêu méo tồn đọng là 214 trường hợp. Đáng nói, đây đều là những trường hợp đã có phương án, giải pháp xử lý song chưa được giải quyết dứt điểm; chủ yếu tập trung tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tại các tuyến đường mới thuộc một số quận nội thành, sau giải phóng mặt bằng, không thể tránh khỏi việc xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo kỳ dị, gây mất mỹ quan đô thị. Tại quận Cầu Giấy, đại diện UBND quận cho biết, tại 3 tuyến đường mới gồm Nguyễn Văn Huyên kéo dài (từ Bảo tàng Dân tộc học đến đường 32), vành đai 2 (đoạn qua địa bàn phường Nghĩa Đô) và Trần Quý Kiên kéo dài (đoạn qua nhà thi đấu quận Cầu Giấy), có 64 thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. 

Tương tự, quận Hoàng Mai có 75 trường hợp đất, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện dọc tuyến đường vành đai 2 và tuyến đường ven sông thuộc dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II. Trong đó, có 48 trường hợp thuộc diện thu hồi, 23 trường hợp có thể hợp thửa và 2 trường hợp chỉnh trang cho tồn tại tạm thời. Tại quận Hai Bà Trưng, trên đường vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái) và đường Thanh Nhàn, có 70 trường hợp sau GPMB, diện tích còn lại không đủ xây dựng... 

Thừa nhận tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo rất khó xử lý, UBND một số quận nội thành cho biết, dù các cơ quan chức năng đã rất tích cực song nhiều hộ sử dụng đất không thực hiện thủ tục hợp thửa với hộ liền kề do chưa có sự thống nhất giữa hai bên. Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, quận đã thường xuyên rà soát, kiểm tra, quản lý nhằm tránh những nhà “siêu mỏng, siêu méo” xuất hiện nhưng thực tế sau GPMB, vẫn phát sinh những trường hợp mới.

“Cột” trách nhiệm người đứng đầu quận, huyện

Ghi nhận một số kết quả bước đầu nhưng UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong việc xử lý, ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố. Cụ thể, thời gian qua, công tác thông tin tuyên truyền, vận động hợp thửa, hợp khối hoặc thu hồi diện tích đất ngoài chỉ giới không đủ điều kiện xây dựng còn hạn chế. Sự phối hợp giữa UBND các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư xây dựng tuyến đường chưa đồng bộ. Một số quận, huyện, thị xã còn thiếu cương quyết trong việc thu hồi đất đối với các trường hợp thửa đất nằm ngoài chỉ giới không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng theo đúng quy định (diện tích dưới 15m2). Đáng chú ý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại một số tuyến đường còn yếu; chưa được phát hiện kịp thời và chưa xử lý nghiêm vi phạm. 

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; giám đốc các sở, ngành; chủ đầu tư xây dựng tuyến đường phải chấn chỉnh lại công tác xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo. Phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, phải giải quyết dứt điểm các trường hợp đất mỏng, méo còn tồn đọng và không để phát sinh các trường hợp mới; Cần lên phương án thu hồi đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được. “Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý” - ông Nguyễn Đức Chung nêu rõ.

UBND TP cũng yêu cầu Thanh tra xây dựng siết chặt thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh vi phạm trật tự xây dựng và phải đặc biệt quan tâm, có phương án xử lý các thửa đất, công trình không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (có diện tích dưới 15m2)...

Về lâu dài, để những tuyến đường của Hà Nội trong tương lai không xuất hiện tình trạng nhà siêu mỏng, méo, việc quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên đường cần phải tiến hành ngay. Bên cạnh đó, cần quy định rõ, với các thửa đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng và nằm ngoài chỉ giới đường đỏ, Nhà nước sẽ GPMB, thu hồi luôn trong quá trình GPMB, thu hồi đất của dự án xây tuyến đường.