Giải quyết mâu thuẫn ngày càng bạo lực

ANTĐ - Bố mẹ không cho tiền, cuộc sống bế tắc hoặc có khi chỉ là một vài ấm ức, vậy mà không ít người lại chọn cách hóa giải bằng bạo lực. Điều đớn đau trong các vụ này không chỉ là hành vi tội ác, kẻ gây án phải đền tội thích đáng mà còn thể hiện sự băng hoại về giá trị gia đình và đạo đức xã hội.

“Sát thủ” giết bố mẹ Lưu Văn Thắng bị dẫn giải về trại tạm giam chờ ngày thi hành án tử hình

Nỗi đau của người sống

Ngày 11-12-2012 vừa qua, Lưu Văn Thắng (SN 1986, trú ở phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tử hình về tội “Giết người”. Những người có mặt ở phiên tòa hôm ấy vẫn không khỏi ớn lạnh, xót xa khi nghe rõ từng lời khai của kẻ sát nhân máu lạnh và nhận thấy phía sau bị cáo còn là nỗi đau tột cùng của những người thân trong gia đình bị hại.

Tại tòa, Thắng khai động cơ giết hại ông Lưu Văn Dơi và bà Nguyễn Thị Gái (bố mẹ đẻ của bị cáo) đơn giản chỉ là vì hắn xin 20 triệu đồng, nhưng không được và hắn nghĩ bố mẹ không còn thương yêu hắn nữa. Rắp tâm trả thù đấng sinh thành, 2h ngày 24-6-2012, Thắng thủ dao vào người, rồi trèo tường vào nhà bố mẹ. Thấy động, ông Dơi tỉnh dậy liền bị hắn nấp ở cầu thang phóng thẳng dao vào bụng. Cố gắng kháng cự nhưng do đuối sức nên ông Dơi đã bị Thắng đâm liên tiếp vào người. Bà Gái nhào tới cũng bị chính thằng con bất hiếu trút “mưa” dao lên người…

Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo đổ hết lỗi cho những người đã chết, rằng bị hại đối xử hờ hững, coi hắn không bằng người ngoài; rằng bố mẹ có cuộc sống tốt, nhưng không chia sẻ với gia đình nhỏ của hắn và ông bà Dơi không thương yêu con dâu, cháu nội. Vậy nhưng khi bị căn vặn ai sinh thành, nuôi nấng bị cáo khôn lớn và lấy vợ, cắt đất làm nhà cho vợ chồng bị cáo thì Thắng lại lắp bắp thừa nhận: “Bố mẹ bị cáo ạ”. Trái với tội ác và thái độ không thể tha thứ, cả 2 chị gái của kẻ bất hiếu này đều khẩn thiết xin HĐXX mở cho bị cáo một con đường sống. Lý do mà người thân của bị hại mong mỏi như vậy, bởi Thắng là con trai độc nhất của ông bà Dơi, bởi dù sao thì bố mẹ của họ cũng đã không còn. Sau khi Thắng gây tội ác, chính những người phụ nữ này đã phải chịu cảnh mất cả cha lẫn mẹ và nếu như bị cáo phải đền tội bằng mạng sống thì lại thêm một đứa trẻ nữa (hơn 1 tuổi, con gái Thắng) phải chịu cảnh không còn cha. Nghe đại diện của bị hại khẩn thiết, HĐXX đều không khỏi cầm lòng. Nhưng xét thấy, Thắng không còn xứng đáng làm người nên tòa vẫn buộc phải quyết định loại bỏ hắn ra khỏi đời sống xã hội. 

 Trước đó không lâu, sáng 30-11-2012, chị Nguyễn Thị Dân (trú ở xã Trung Hòa, Chương Mỹ, Hà Nội) cũng phải bế đứa “con đỏ” tới tòa để nghe pháp luật phán quyết đối với người chồng. Dân sống sót là nhờ vào may mắn, vì Trương Văn Đức (SN 1984, cùng trú ở địa trên) đã quyết giết chị đến cùng, nhưng bất thành. 23h ngày 6-5-2012, Dân ngồi chẻ nan ở nền nhà thì chồng bảo dắt xe máy ra ngoài để anh ta về quê. Đêm khuya, đường sá lại xa nên Dân không làm theo yêu cầu đó. Tức thì Đức vớ ngay con dao chém lia lịa vào đầu vợ. Thật may, hàng xóm của vợ chồng Dân đã kịp chạy sang ngăn chặn vụ án mạng. Bị đưa ra tòa, Đức tố vợ không còn yêu thương mình và anh ta bảo thấy cuộc sống bế tắc nên nảy sinh ý đồ giết vợ, sau đó sẽ tự tử hòng giải thoát. Nghe chồng khai báo vậy, Dân gạt ngay vì trong lòng chị vẫn một lòng son sắt. Còn cuộc sống tuy khó khăn, nhưng đó cũng là điều bình thường của người dân nông thôn. Ý thức được điều đó, Dân ngày ngày cặm cụi nhận hàng mây tre đan về nhà làm thêm khi “bụng mang dạ chửa”. Lúc nghe tòa tuyên phạt chồng 17 năm tù về tội giết người, Dân ứa nước mắt. Giận chồng một phần, nhưng 2 đứa con của chị đâu có tội lỗi gì mà bỗng chốc phải chịu cảnh cha mẹ chia lìa nhau.

Lối sống đang bị tha hóa 

Từng hơn 10 năm ngồi ở ghế xét xử trong vai “cánh gà”, ông Nguyễn Văn Lý – hội thẩm nhân dân (TAND TP Hà Nội) chua xốt: “Những năm gần đây liên tiếp xảy ra các vụ trọng án mang màu sắc gia đình. Nào là con cái giết bố mẹ, ông bà; nào là vợ chồng đánh chém lẫn nhau và ngược lại bố mẹ vì quá uất ức với đứa con ngỗ ngược cũng sẵn sàng xuống tay đoạt mạng cốt nhục”.

Theo lý giải của vị hội thẩm nhân dân này, xét về “ngóc ngách” của từng vụ án cụ thể thì vụ án nào cũng có căn nguyên của nó. Đó là bị cáo lâm vào cảnh nợ nần hoặc nghiện ngập và “quay tiền” bố mẹ, ông bà không được thì ra tay giết hại người thân. Có vụ lại xuất phát từ những mâu thuẫn trong việc phân chia tài sản. Đơn giản hơn, có vụ án thì chỉ xuất phát từ việc đứa cháu nội không có tiền mua quà tặng “bạn gái” nhân ngày lễ Noel đã rủ bạn lừa bà nội chở ra cánh đồng, rồi giết hại để cướp đồ trang sức của nạn nhân. Đặc biệt, gần đây những vụ án liên quan đến ghen tuông, tình ái và lối sống không chung thủy của vợ hoặc chồng đang có xu hướng tăng mạnh. Thậm chí, sự ghen tuông ấy nhiều khi rất huyễn hoặc, vô căn cứ và có phần bị “ảo giác”.

Ông Lý dẫn chứng, giữa tháng 11-2012, TAND TP Hà Nội đã buộc phải tuyên phạt Nguyễn Văn Trận (SN 1974, trú ở thôn Vĩnh Hạ, xã Khai Thái, Phú Xuyên, Hà Nội) tử hình về tội giết người. Bị cáo này thuộc loại “hoang ghen” vì lúc nào trong đầu anh ta cũng nghĩ vợ đang ngoại tình, ngay cả khi vợ đang nằm kè kè bên cạnh. Trận cho rằng một người cùng làng luôn “rình mò” vợ mình nên đã lấy 2 con dao chém chết nạn nhân, sau khi đôi co một hồi. Quá trình xét xử, dù tòa đã cố gắng xem xét rất kỹ nguyên do, động cơ gây án của bị cáo, song cũng không thể nào tìm ra được bất kỳ tình tiết nào thể hiện chị vợ “hai lòng”. Theo đánh giá của vị hội thẩm nhân dân tòa án Hà Nội, ngoài việc giải quyết mâu thuẫn trong gia đình bằng bạo lực đang có xu hướng gia tăng thì cách thức gây án của các hung thủ cũng ngày manh động, liều lĩnh và dã man. Điều này cho thấy đạo đức, lối sống trong một số người, một số gia đình đang bị tha hóa nghiêm trọng.