Giải quyết bớt oan sai

ANTĐ - Quốc hội đang thảo luận về hai dự án Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại. Tại hành lang Quốc hội sáng nay (26-10), phóng viên ANTĐ đã trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, nhằm làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến hai dự luật sắp được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh, tỉnh Đồng Nai

- PV: Nhìn từ góc độ giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các trường hợp oan sai trong thời gian qua, so với những quy định trong dự thảo các Luật Khiếu nại, Tố cáo có gì còn vướng mắc, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Khánh: Qua thực tiễn ở từng cơ sở cho thấy, còn nhiều nội dung khác trong các luật này chưa bàn đến. Ở đây, chúng ta mới bàn về tính pháp lý, điều kiện để người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo. Còn giải quyết vấn đề đó thì không phải chỉ có các khung về mặt pháp lý, mà thực tế diễn biến còn rất đa dạng và nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tế, khi giải quyết từng vụ việc cụ thể.

- PV: Vấn đề này được hiểu như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Khánh: Hiện nay, đa số những khiếu nại, hoặc tố cáo của nhân dân liên quan đến vấn đề bồi thường, giải tỏa và tái định cư ở các dự án và khu công nghiệp tập trung. Vấn đề đặt ra là, chúng ta thực hiện vấn đề đó như thế nào? Cho nên, nội dung đó cần phải được tập trung giải quyết, nhất là đảm bảo ANTT cho việc giải tỏa, đền bù những dự án lớn, dự án trọng điểm của Nhà nước trên địa bàn, cũng như các dự án của địa phương. Hầu hết các dự án triển khai đều có khiếu nại, tố cáo tập trung vào giá cả đền bù.

- PV: Theo ông, việc tách thành hai Luật Khiếu nại và Tố cáo có thuận lợi gì?

- Ông Nguyễn Văn Khánh: Quốc hội đang bàn về việc tách Luật Khiếu nại, Tố cáo, theo tôi việc này có thuận lợi riêng. Nhưng khi xem xét tổng thể, chúng tôi thấy ở cấp địa phương gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, khung pháp lý của chúng ta hiện nay là Thủ tướng giao cho từng Chủ tịch tỉnh được quyền định giá đất. Trên thực tế, người dân không nắm được hết các quy định của Nhà nước và chỉ căn cứ thực tiễn, hoàn cảnh cụ thể để thực hiện, mới dẫn đến khiếu nại, tố cáo.

- PV: Luật Khiếu nại, Tố cáo mới có góp phần giải quyết tình trạng này không, thưa ông?

- Ông Nguyễn Văn Khánh: Theo tôi, đây là khung pháp lý cơ bản để từ đó địa phương và các ngành vận dụng giải quyết vụ việc cụ thể có cơ sở, căn cứ pháp lý. Nhưng, không phải cứ có luật là giải quyết được hết các vấn đề, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Đó là cán bộ cơ sở, khả năng trình độ và cách xử lý tình huống của họ. Khi ta có cơ sở pháp lý đúng, nhưng tiếp cận vấn đề và tác phong, lời nói khi tiếp xúc với nhân dân không tốt cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả công việc. Tôi đề nghị khi Quốc hội phê chuẩn hai Luật Khiếu nại, Tố cáo, thì đây là điều kiện đầu tiên. Nhưng, khi vận dụng vào thực tiễn sẽ phát sinh những vấn đề và chúng ta cần tiếp tục hoàn chỉnh luật, để giải quyết hợp tình, hợp lý các mâu thuẫn và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Mặt khác, tôi cho rằng khi các dự luật Khiếu nại, Tố cáo đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ góp phần giải quyết bớt oan sai trong xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

- PV: Xin cảm ơn ông!