“Giải phẫu” nạn cát tặc sông Hồng: Những “đại công trường” trên sông

ANTĐ - Dù liên tục bị lực lượng chức năng tuần tra, truy quét nhưng hiện tượng khai thác cát trái phép và sử dụng bến bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) không đúng quy định trên tuyến sông Hồng, tại Hà Nội vẫn diễn ra khá phức tạp. Có thể thấy, những bất cập và cả sự buông lỏng trong công tác quản lý đang tạo “kẽ hở” cho các đối tượng vi phạm lợi dụng.

“Giải phẫu” nạn cát tặc sông Hồng: Những “đại công trường” trên sông  ảnh 1Hai chiếc cẩu mang số hiệu HN1142 và HN1456 cùng những chiếc thuyền tàu lớn múc và hút cát giữa dòng sông Hồng, thuộc địa bàn xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, biến nơi đây như một ‘đại công trường”, được phóng viên ghi lại vào ngày 4-9

Cát sông là... lộc trời cho

Theo thống kê của Phòng cảnh sát PCTP về Môi trường CATP Hà Nội, từ giữa tháng 11-2013 đến đầu tháng 10-2014, lực lượng cảnh sát môi trường thành phố và các quận, huyện đã kiểm tra, xử lý gần 100 vụ với hơn 100 đối tượng khai thác khoáng sản trái phép trên sông Hồng. Hàng chục thuyền, đầu nổ, sên, vòi hút… đã bị lực lượng chức năng thu giữ, đồng thời ra quyết định xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã khởi tố 2 vụ khai thác cát trái phép, truy tố 12 đối tượng.

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, tình trạng khai thác khoáng sản trên sông vẫn  diễn biến phức tạp. Vi phạm phổ biến là sử dụng sai giấy phép kinh doanh để khai thác cát; lợi dụng hơn 170 bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng dọc đê sông Hồng để thuê người dùng tàu hút, tàu cuốc khai thác cát trái phép. Một số địa bàn “nóng” về tình trạng này là Thường Tín, Phúc Thọ; địa bàn giáp ranh Hà Nội - Vĩnh Phúc và Hà Nội - Hưng Yên.

“Bài toán” lợi nhuận của các đối tượng khai thác cát trái phép có thể thấy rõ trong vụ tổ công tác thuộc Cục CSGT đường thủy (Bộ Công an), phối hợp cùng Phòng cảnh sát PCTP về Môi trường và Phòng CSGT đường thủy CATP Hà Nội kiểm tra, phát hiện trên tuyến sông Hồng, đoạn qua 2 xã Thống Nhất và Vạn Điểm (huyện Thường Tín), hồi đầu năm 2014. Có 10 phương tiện (trọng tải từ 40 đến trên 200 tấn) bị bắt quả tang đang khai thác cát trái phép.

Mỗi phương tiện có từ 2 đến 4 đầu máy nổ hoạt động. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng làm rõ, từ năm 2012 đến khi bị phát hiện, các chủ tàu nêu trên đã khai thác cát trái phép trên sông Hồng và bán cho 2 chủ bến bãi là Nguyễn Thị Hải Yến và Nguyễn Thị Thanh Huyền. Tổng khối lượng cát đen của 2 bến bãi là gần 110.000 m3; với giá trị hơn 4,6 tỷ đồng. Xác minh tại Sở TM&MT, Sở NN&PTNT TP Hà Nội, cùng huyện Thường Tín và xã Thống Nhất được biết, các cơ quan này khẳng định không cấp phép cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào khai thác cát trên sông Hồng. Rõ ràng, hành vi khai thác cát trái phép đã diễn ra liên tục, nhiều tháng, có sự câu kết của chủ bến bãi, hình thành đường dây khai thác cát trái phép có tổ chức, đã xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, gây bức xúc dư luận nhân dân và tác động nguy hại đến môi trường, sinh hoạt của người dân dọc tuyến sông Hồng, thuộc huyện Thường Tín và Phú Xuyên.

Cử người canh gác lực lượng chức năng

Mặc dù những đối tượng khai thác cát trái phép trong thời gian qua bị lực lượng chức năng truy quét gắt gao, nhưng vi phạm chỉ giảm theo “thời vụ” chứ chưa “tiệt” hẳn. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng hút trộm cát “nghiên cứu” cả thời điểm lực lượng chức năng đi tuần tra, kiểm soát. Thậm chí, chúng cử người theo dõi từ xa, khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng sẽ báo tin và việc hút trộm cát được tạm dừng. 

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường chia sẻ, có hiện tượng phối hợp chưa ăn ý giữa các cơ quan thi hành pháp luật. Thậm chí, có cả tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khiến tình trạng khai thác cát ở nhiều địa phương trở thành “điểm nóng”.

Đầu tháng 9 vừa qua, khi đến đoạn sông Hồng thuộc khu vực xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ, Hà Nội), phóng viên Báo ANTĐ phát hiện 2 chiếc cẩu lớn mang số hiệu HN 1442 và 1456 đang gầm rú múc cát trên sông Hồng. Gần đó là hàng loạt tàu hút và chở cát mang số hiệu HT-2661; ANHAI 09; ANHAI 10… biến khu vực này như một “đại công trường”.

Qua trao đổi, chỉ huy Phòng cảnh sát PCTP về Môi trường CATP Hà Nội cho biết, theo hồ sơ quản lý, các cơ quan chức năng của Hà Nội không cấp phép cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nào khai thác cát dưới lòng sông Hồng, đoạn qua địa phận xã Vân Nam. Trên địa bàn huyện Phúc Thọ chỉ có 2 đơn vị là Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường (Cty Nam Cường) và Công ty TNHH Thương Mại Kim Thanh (Cty Kim Thanh) đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp phép khai thác cát, có quyết định cho thuê đất để khai thác cát làm vật liệu san lấp và có hợp đồng thuê đất ký với Sở TN&MT tỉnh Hà Tây (cũ). Nhưng cả 2 doanh nghiệp cũng chỉ được khai thác cát lộ thiên, dùng máy xúc cát lên ô tô và vận chuyển bằng đường bộ. Các doanh nghiệp này chỉ được khai thác cát vào mùa khô và bị khống chế thời gian khai thác.

Theo thông báo mới đây của UBND huyện Phúc Thọ, Cty Nam Cường đã chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản cho Công ty Cổ phần Kiến trúc xây dựng Thủ Đô (Cty Thủ Đô). Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản thông qua. Ngày 8-6-2014, Sở TN&MT và UBND huyện Phúc Thọ đã có văn bản yêu cầu Cty Thủ Đô chấm dứt việc khai thác cát trên địa bàn 2 xã Vân Nam, Vân Hà, huyện Phúc Thọ. Đối với Cty Kim Thanh, ngày 4-7-2014, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu đơn vị này chấm dứt việc khai thác cát khi chưa đủ hồ sơ pháp lý, kế hoạch khai thác và phương án vận chuyển. 

(Còn nữa)