“Giải phẫu” nạn cát tặc sông Hồng: Loay hoay xử lý

ANTĐ - Vi phạm trong lĩnh vực trung chuyển, khai thác cát có thể phát hiện ở khắp nơi. Nhưng muốn xử lý triệt để, đủ tính răn đe, phòng ngừa cao cần  sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng...

“Giải phẫu” nạn cát tặc sông Hồng: Loay hoay xử lý ảnh 1Bãi tập kết, trung chuyển VLXD của doanh nghiệp Toàn Hiền thuê lại của 5 xã viên HTX Phú Thượng ngay sát ven sông chưa được cấp phép liên quan đến lĩnh vực đê điều

Kiểm tra ra sai phạm

Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó trưởng Phòng cảnh sát PCTP về Môi trường CATP Hà Nội cho biết, bến thủy nội địa thuộc địa bàn TP Hà Nội có tổng số 51 bến và 211 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD), trong đó có 45 bãi có giấy phép kinh doanh tập kết, trung chuyển VLXD đá, cát, sỏi; 10 công ty được khai thác khoáng sản nhưng chỉ có 3 công ty hoạt động trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Tuy nhiên, 3 công ty này chỉ được khai thác bãi nổi, không được khai thác dưới lòng sông. Mặc dù vậy, lợi dụng việc bãi ngập, các công ty này đã khai thác trái phép dưới lòng sông. Những cá nhân, doanh nghiệp còn lại đều tự ký hợp đồng thuê đất với HTX, thôn và xã. Theo quy định của pháp luật, việc thuê đất này là không đúng quy định của pháp luật. Do vậy, hễ kiểm tra là ra sai phạm!

Đầu năm 2014, Phòng cảnh sát PCTP về Môi trường, CATP Hà Nội phối hợp với Thanh tra Sở TN&MT tiến hành kiểm tra dọc sông Hồng đối với 65 cá nhân, tổ chức đã phát hiện tình trạng hợp đồng thuê đất trái quy định và đã có kiến nghị với UBND TP Hà Nội giao cho UBND các quận, huyện xử lý theo thẩm quyền. Đáng nói, các cá nhân, cơ sở hợp đồng thuê bến bãi không đúng thẩm quyền thường vi phạm pháp luật đê điều.

Bãi bồi sông Hồng thuộc cụm 8, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội là bãi tập kết VLXD (cát, đá, sỏi...) của Công ty CP đầu tư thương mại Toàn Hiền (Cty Toàn Hiền), có địa chỉ tại số 383 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ do ông Trần Văn Toàn làm giám đốc. Theo tìm hiểu của phóng viên, bãi tập kết vật VLXD này nằm ngoài đê sông Hồng, sát mép nước. Khu đất trên vốn là đất nông nghiệp, được doanh nghiệp ký hợp đồng thuê lại của 5 xã viên do HTX Phú Thượng giao quản lý kể từ ngày 14-10- 2010 trong thời hạn 10 năm.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Toàn xác nhận, giấy phép tập kết trung chuyển VLXD nằm trong hành lang bảo vệ đê điều hiện… chưa có. Như vậy, việc thuê bãi để tập kết trung chuyển VLXD của doanh nghiệp này có dấu hiệu vi phạm Luật Đê điều.

Dọc bờ sông Hồng, đoạn thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm được xem là điểm “nóng” về khai thác cát trái phép và tập kết trung chuyển VLXD. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã thực hiện biện pháp mạnh để ngăn chặn vi phạm về khai thác tài nguyên dưới lòng sông Hồng và xử lý những vi phạm tại bến bãi tập kết cát sỏi lớn dọc bờ sông thuộc các phường Thượng Cát, Liên Mạc, Đông Ngạc, Thụy Phương.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, vào ngày 16-10, hầu hết những điểm tập kết dọc sông Hồng thuộc địa bàn vẫn hoạt động bình thường dù đều có dấu hiệu vi phạm Luật Đê điều. Điển hình như khu vực cửa khẩu K54+ 245 thuộc địa phận Thụy Phương. Mặc dù nơi đây đã có biển ghi “Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh cấm xâm phạm”, song vẫn bị các cá nhân, cơ sở sử dụng để tập kết, trung chuyển VLXD.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ

Thời điểm nhóm phóng viên ANTĐ tác nghiệp ở cửa khẩu K54+ 245, một nữ nhân viên môi trường đô thị cho biết: “Số lượng xe chở cát, sỏi từ bờ sông ra ngoài đường hàng ngày rất nhiều, rơi vãi cát ra đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”. Theo kiểm tra của CAQ Bắc Từ Liêm, những địa bàn thuộc các phường nói trên hiện có tổng số 15 bến bãi tập kết cát sỏi, VLXD, trong đó có nhiều cơ sở vi phạm đã bị xử lý và một số doanh nghiệp đã bị đình chỉ hoạt động như: Công ty TNHH TM Thiên Lộc Phú; Công ty TNHH Tân Hoàng Phi; Công ty TNHH Lập Huy. Ngoài ra, lực lượng chức năng đã xử lý 16 tàu thuyền và 16 đầu máy khai thác rút ruột tài nguyên dưới lòng sông Hồng. 

Phân tích về thực trạng này, Thượng tá Phùng Quang Hiển cho biết, việc xử lý các đối tượng vi phạm cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Bởi thực tế hiện nay chính quyền địa phương vẫn còn buông lỏng quản lý. Nếu cảnh sát môi trường vào kiểm tra, phát hiện vi phạm về môi trường mới xử lý được; còn cá nhân, doanh nghiệp thuê bãi không đúng thẩm quyền, hoặc vi phạm pháp luật đê điều thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý chuyên trách. 

Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường đã tham mưu CATP có văn bản đề xuất UBND TP về việc cần phải có những hướng dẫn, chỉ đạo UBND quận, huyện xử lý nghiêm tình trạng cá nhân, HTX, xã ký kết cho thuê đất không đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, cần siết chặt công tác quản lý các phương tiện đường thủy. Thực tế cho thấy, nhiều tàu thuyền đã cũ nát nhưng vẫn được xác định… đủ điều kiện đăng kiểm và hoạt động trên sông. 

Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội kiến nghị, đối với các trường hợp tập kết, trung chuyển VLXD trái pháp luật, UBND cấp xã phải thanh lý, hủy bỏ ngay các hợp đồng cho thuê đất làm bến bãi kinh doanh; có kế hoạch và tổ chức thực hiện giải tỏa bãi cát không rõ nguồn gốc. Các quận, huyện cần tiến hành kiểm tra hoạt động bãi chứa, trung chuyển VLXD  trên địa bàn, xử lý dứt điểm những vi phạm theo quy định của pháp luật về đất đai, khoáng sản, đê điều. Các đơn vị liên quan phối hợp với Cục đường thủy nội địa Việt Nam xử lý dứt điểm hoạt động bến thủy nội địa không có giấy phép trên địa bàn. Chỉ với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, “nạn” khai thác cát trái phép mới có thể giải quyết triệt để.