Giải pháp thu gom, tái sử dụng nước mưa, giảm thiểu ngập lụt đô thị

ANTD.VN - Ngập lụt cục bộ sau mỗi trận mưa ngày càng xảy ra thường xuyên, từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh; đến những thành phố ven biển có vị trí đắc địa để thoát nước như Đà Nẵng, Nha Trang; các đô thị trên cao nguyên, vùng núi như Đà Lạt, Lai Châu… và thậm chí xảy ra cả với những đô thị là huyện đảo như Phú Quốc.

Theo các chuyên gia, vấn đề ngập lụt đô thị ở Việt Nam xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do lượng nước mưa lớn đổ xuống bề mặt đô thị trong thời gian ngắn, hệ thống thoát nước đô thị không thoát kịp, gây ngập cục bộ.

Thứ hai, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng dẫn đến phần lớn diện tích mặt đất có thể thấm nước mưa giảm, hệ thống hồ điều tiết nước mưa ngày càng bé và biến mất, hệ thống đường ven sông, ven biển, khu resort ngăn cản thoát nước mặt ra sông, ra biển.

Thứ ba, do tình trạng khai thác nước ngầm không quản lý dẫn đến mực nước ngầm ngày càng thấp, gây lún sụt, hạ thấp độ cao trung bình của nhiều khu vực. Thứ tư, do một số khu vực trữ nước tự nhiên của đô thị bị san lấp, nâng độ cao để quy hoạch đô thị, nhà máy, dẫn đến nước mưa không có chỗ thoát ra khỏi đô thị. Thứ năm, do một số đô thị cạnh sông, ven biển bị ảnh hưởng bởi triều cường, nước sông, nước biển tràn vào thành phố gây ngập.

Vấn đề ngập lụt xảy ra tại các đô thị Việt Nam kéo theo nhiều hậu quả với những tổn thất lớn: giao thông tê liệt; nguy hiểm sức khỏe, tính mạng người dân; phá hủy nhiều tài sản giá trị như xe máy, ôtô… Đặc biệt, ngập lụt đô thị làm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận tải du lịch ngưng trệ, gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt hoặc nhiễm bẩn nguồn nước sinh hoạt, chi phí xử lý môi trường sau mỗi trận lụt rất lớn.

Đây không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam mà là bài toán khó của các thành phố lớn trên thế giới: Kuala Lampua, Bangkok, Tokyo, Amsterdam... Nhiều biện pháp giải quyết đã được đưa ra. Thủ đô Kuala Lampua (Malaysia) đã xây dựng hệ thống đường hầm Smart, kết hợp giao thông và thoát nước mưa để giải quyết vấn đề ngập lụt của thành phố. Thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã triển khai thành công giải pháp “Ngân hàng nước” khổng lồ với 5 bể chứa lớn, dung tích 27.000m3, để tích chứa nước mưa trước khi bơm ra hệ thống sông ngòi.

Từ những bài học đối phó ngập lụt của các thành phố lớn trên thế giới, những nhận định chung về giải quyết vấn đề này đã đươc rút ra. Thứ nhất: Nước mưa cần được dẫn vào các hệ thống chứa: hồ tự nhiên, bể chứa nhân tạo... trước khi xả trực tiếp xuống hệ thống cống thoát nước thành phố.

Thứ hai: Nguồn nước mưa sau khi tích chứa sẽ được tái sử dụng để phục vụ hoạt động của con người: xử lý thành nước sinh hoạt, tưới cây, rửa đường…

Áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, tại Hội thảo Giải pháp thu gom, tái sử dụng nước mưa, giúp giảm thiểu ngập lụt đô thị vừa diễn ra, Công ty Cổ phần phát triển năng lượng Sơn Hà – SHE (một công ty thành viên của Tập đoàn Sơn Hà) đã giới thiệu hai giải pháp xử lý: phân tán và tập trung.

Giải pháp phân tán: Xây dựng bể chứa nước ngầm tại nhà riêng, dung tích từ 2 – 10m3. Bể chứa nước ngầm này sẽ có vai trò trung gian, chứa nước mưa thu gom từ mái nhà, sau khi đầy mới chảy ra hệ thống cống. Theo ước tính, với hàng trăm nghìn công trình nhà riêng, lượng nước mưa giữ lại có thể đạt tới 500.000 m3 mỗi trận mưa

Giải pháp tập trung: Xây dựng bể chứa nước mưa dung tích lớn (50m3 đến hàng trăm m3) tại các công trình lớn: khách sạn, trường học, bệnh viện, nhà hàng, sân vận động, nhà chung cư… Đáp ứng yêu cầu dung tích lớn, bể chứa nước mưa này được lắp ghép theo modul, ghép nối từ nhiều chi tiết, giúp vận chuyển, thi công thuận tiện, nhanh chóng.

Hai giải pháp này phù hợp điều kiện đặc thù của Việt Nam, hỗ trợ hệ thống thoát nước đô thị vào thời điểm bắt đầu mỗi cơn mưa, giảm thiểu ngập lụt và tái sử dụng nước mưa hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước.

Cụ thể, nước mưa được tích trữ trong các bể ngầm có thể sử dụng làm nước cấp cho các hoạt động không yêu cầu chất lượng nước cao như: tưới cây, rửa xe, làm mát đường, cảnh quan du lịch… Việc này không chỉ giúp tăng tính chủ động trong sử dụng nguồn nước, đa dạng các nguồn cấp nước, khắc phục tình trạng thiếu nước ở các đô thị mà còn tiết kiệm chi phí xử lý nước sạch.

Tuy nhiên, để triển khai các giải pháp này có hiệu quả trên diện rộng, cần phải có sự tham gia của cơ quan chính quyền, ban hành quy định xây dựng công trình, khuyến nghị người dân lắp đặt bể chứa nước mưa có thể tích chứa tương ứng diện tích mặt đất chiếm dụng. Thể tích nước mưa giữ lại trong mỗi cơn mưa phải lớn hơn lượng nước mưa có thể ngấm xuống mặt đất tự nhiên khi chưa có công trình xây dựng.

Trường hợp công trình lớn không có đủ diện tích lắp đặt bể chứa nước mưa ngầm, thành phố có thể hỗ trợ bằng việc cho mượn các vị trí ngầm chưa sử dụng như công viên, bãi đỗ xe, khu vui chơi ngoài trời…

Với những nghiên cứu này, SHE mong muốn sẽ góp phần giải quyết được vấn đề ngập lụt, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế Việt Nam.