Giải pháp nào hạ nhiệt tình hình Syria?

ANTD.VN - Cuộc khủng hoảng tại Syria đang diễn biến hết sức căng thẳng và khó lường sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định phóng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria. Vậy giải pháp nào để hạ nhiệt tình hình Syria?

Tên lửa Tomahawk bắn đi từ tàu khu trục Mỹ tại Địa Trung Hải

Giải pháp chính trị

Trả lời phỏng vấn báo Bild am Sonntag của Đức số ra ngày 9-4, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố, chỉ có giải pháp chính trị với sự tham gia của Nga, Mỹ và các nước chủ chốt trong khu vực mới có thể giải quyết cuộc xung đột tại Syria. Ông Gabriel nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là cần phải vượt qua tình trạng chia rẽ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tiếp tục nỗ lực tiến tới hòa bình cho Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Đức khẳng định, cuộc xung đột tại Syria không thể giải quyết nếu không có Nga và ông vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. 

Ông Gabriel thừa nhận tình hình thế giới trong những ngày qua căng thẳng cực điểm kể từ sau thời kỳ “Chiến tranh Lạnh” kết thúc, tuy nhiên ông không cho rằng tình hình căng thẳng hiện nay có thể dẫn tới một cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Mỹ. Ông cũng kêu gọi tất cả các bên tỉnh táo và kiềm chế, không để căng thẳng leo thang. 

Bài xã luận đăng trên báo Manichi của Nhật Bản cũng cho rằng, Mỹ và Nga nên hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến và mở đường cho một giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng tại Syria. Mỹ, quốc gia ủng hộ các lực lượng chống chính phủ tại Syria, nên giúp hợp nhất các lực lượng ôn hòa và dân chủ tại Syria, trong khi đó, Nga nên thuyết phục chính quyền của Tổng thống Assad tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ. 

Cũng theo báo này, sẽ rất khó khăn để ổn định Syria nếu chính phủ của ông Assad vẫn nắm quyền lực. Tuy nhiên, nếu chính quyền Assad bị lật đổ bằng vũ lực, nó có thể gây ra một cuộc xung đột dữ dội trong nước, chủ yếu giữa người Hồi giáo Shi'ite và Sunni. Trong khi đó, nếu các lực lượng liên kết với tổ chức khủng bố Al Qaeda hoặc IS để lên nắm quyền, cuộc khủng hoảng Syria sẽ càng trở nên tồi tệ hơn. 

Nga và Trung Quốc đã kiên quyết chống lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria. Điều này không phải là không liên quan đến thực tế là hai nước này có nhiều người Hồi giáo trong lãnh thổ của họ. Nga và Trung Quốc lo ngại rằng một cuộc xung đột tôn giáo có thể xảy ra do sự sụp đổ của chính quyền Assad có thể lan sang lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, để ngăn chặn một kịch bản như vậy, điều quan trọng là phải xem xét làm thế nào để đảm bảo việc chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ từ chính phủ của ông Assad. 

Chuyển hướng chính sách về Syria

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đây từng bị chỉ trích đã không thực hiện bất kỳ biện pháp hữu hiệu nào để kết thúc cuộc nội chiến tại Syria. Bằng việc ra lệnh phóng 59 quả tên lửa hành trình vào Syria, Tổng thống Trump dường như cố gắng chứng minh với thế giới rằng ông khác với người tiền nhiệm Obama. Tuy nhiên, ngay cả đối với Tổng thống Trump, vụ không kích ngày 6-4 cũng đánh dấu sự chuyển hướng trong chính sách của ông về Syria.

Chỉ cách đây vài ngày, Washington còn cho thấy họ không xem việc Tổng thống Assad ra đi là điều kiện tiên quyết trong mọi giải pháp cho xung đột Syria, mà ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay chính là chống lực lượng thánh chiến IS. Trong thời gian tranh cử Tổng thống, tỷ phú Donald Trump cũng đã từng chỉ trích chính quyền Obama về chiến lược vừa chống chế độ của Tổng thống Assad, vừa chống khủng bố, cho rằng chiến lược này không hiệu quả. Cũng chính ông Trump đã công khai yêu cầu Tổng thống Obama không can thiệp vào Syria sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus năm 2013. 

Nhưng có lẽ những hình ảnh trẻ em Syria chết thê thảm trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 4-4 đã khiến Tổng thổng Mỹ thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Syria, bất ngờ ra lệnh không kích vào nước này. Nhưng vấn đề đặt ra là vụ không kích này sẽ khởi đầu của một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, hay sẽ chỉ dừng ở đó. 

Nga đã lên án cuộc tấn công của Mỹ vào Syria là “hành động xâm lược” chống lại một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, Nga rõ ràng không muốn lún sâu vào tình hình Syria, và nhận thức được mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo ở đó. Vì vậy, giới phân tích cho rằng Nga và Mỹ nên tham vấn một cách toàn diện để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.