Giải pháp nào "cứu" ngư dân tiên phong bám biển sản xuất nhưng đang "ôm" nợ xấu?

ANTD.VN - Trong phiên chất vấn sáng 6-11, đại biểu Quốc hội nêu thực trạng nhiều ngư dân tiên phong trong thực hiện Nghị định 67/NĐ-CP nhưng đang ôm "nợ xấu", có ngư dân trục lợi chính sách dưới sự tiếp tay của cơ quan chức năng... và đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra giải pháp khắc phục.

Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nêu thực trạng nhiều ngư dân đang ôm "nợ xấu"

Cùng quan tâm tới Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) hỏi: Giải pháp gì để hỗ trợ ngư dân tiên phong trong thực hiện Nghị định 67 đang là những “con nợ xấu”?

Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho biết, thời gian qua, có tình trạng tháo phá thiết bị định vị, một tàu mang theo vài chục định vị ra khơi để khi trở về được nhận tiền hỗ trợ, dưới sự tiếp tay của cơ quan chức năng. "Giải pháp nào chấn chỉnh, xử lý việc trục lợi chính sách?", ông Bình chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết Nghị định 67 được ban hành năm 2014 trong bối cảnh chúng ta rất cần đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn tới các ngư trường xa, đảm bảo phát triển kinh tế và quốc phòng của đất nước. 

Qua thực hiện, tới nay, chúng ta đã phát triển được 1.030 phương tiện có công suất lớn, với 3 loại chất liệu trong đó tàu sắt có 358 chiếc (34,2%), hiện có 55 chiếc nằm bờ chưa ra khơi được. Nguyên nhân là do đánh bắt không hiệu quả, có trường hợp do chủ tàu chết, một số chủ tàu không tích cực tham gia, đến kỳ bảo dưỡng nhưng không đi bảo dưỡng…

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, sáng 6-11 

Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết sách, điển hình là Nghị định 17, khuyến khích ai có nhu cầu, tiềm lực thì tự đóng tàu và nhà nước hỗ trợ 1 lần, tối đa 35%. 

“Từ năm 2018 chúng ta chuyển hẳn sang mô hình này, đến nay đã có 40 chiếc tàu, hơn 30 chiếc đóng xong đã đi vào hoạt động rất hiệu quả, không có điều tiếng gì”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin. 

Về thực tế có ngư dân trục lợi chính sách mà đại biểu Phan Thái Bình nêu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường “xin ghi nhận” và cho biết sẽ rà soát tổng thể.

Để chấm dứt tình trạng này, người đầu ngành nông nghiệp nêu hai giải pháp: Một là, thực hiện ngay Luật Thủy sản, theo đó chủ tàu phải đăng ký thiết bị định vị hành trình để đi đến đâu theo dõi được đến đấy, còn nếu không lắp định vị sẽ không được cấp phép ra khơi.

Hai là, cần rà soát lại các khâu, đề nghị các tỉnh nếu phát hiện chi cục thủy sản nào “tiếp tay” cho ngư dân trục lợi chính sách phải kiên quyết xử lý.

Cùng trả lời chất vấn vấn đề đại biểu nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, hiện tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là 10.500 tỷ, nợ xấu là 33%.

Cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành liên quan để có giải pháp căn cơ sẽ triển khai. 

“Về phía ngân hàng, vừa qua chúng tôi đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình tiến hành một số giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước, nợ lãi sau; thực hiện cơ chế hỗ trợ chuyển đổi chủ tàu”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay.