Giải pháp nào chống tiêu cực trong đấu thầu thuốc?

ANTĐ - Ngày 27-9, trên trang facebook của Bộ trưởng Bộ Y tế xuất hiện một status có title in đậm: Bộ Y tế vào cuộc về tình trạng tiêu cực trong đấu thầu thuốc bệnh viện. 
Giải pháp nào chống tiêu cực trong đấu thầu thuốc? ảnh 1

Tại Hội thảo xã hội hóa và kết hợp công - tư trong khám chữa bệnh do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức ngày 16-9, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Vừa qua cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản thông báo tạm thời dừng thanh toán 23 loại thuốc có hàm lượng không thông dụng, trúng thầu giá cao sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT). So với thuốc có hàm lượng, công thức thông thường, giá các loại thuốc không thông dụng này đều cao hơn tới 50%. Mặc dù sản phẩm khác biệt về giá, nhưng có khi lại cùng nhà sản xuất, nước sản xuất, thậm chí sản phẩm này còn có giá cao hơn hẳn so với thuốc xuất xứ từ châu Âu - nơi có trình độ bào chế dược phẩm cao.

 Tại Gia Lai, phiên tòa xử vụ án tham nhũng nghiêm trọng của các lãnh đạo Sở Y tế sắp xét xử lại từ thủ tục sơ thẩm. Cáo trạng đã chỉ ra rằng qua đấu thầu thuốc bệnh viện, các nghi can đã tham nhũng và gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 8,2 tỷ đồng. Đấu thầu thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế quả đang có vấn đề. Từ những sự việc trên nói lên điều gì?

Giá thuốc, nuốt tức vào bụng 

Lạ nhất, giá cả mọi hàng hóa, như lương thực, thực phẩm, kể cả những hàng hóa cao cấp như thịt bò thịt gà, rau quả đặc sản, giá cả lúc tăng lúc giảm và ít lâu nay, hướng giảm là chính thì thuốc chữa bệnh, cùng với giá điện, giá nước sinh hoạt vẫn tăng giá ù ù, chỉ lên. Những loại thuốc không tăng giá chỉ có loại gần như đã hết hiệu lực chữa bệnh, hoặc thuốc rẻ tiền. Theo Bộ Y tế, chỉ riêng trong tháng 8-2015, giá một số thuốc nhập khẩu như: Scilin M30 (điều trị tiểu đường), Imacep 100mg (kháng sinh), Dicloberl 50mg (kháng viêm, giảm đau), Exomuc 200mg (long đờm)... có mức tăng từ 5% đến 9%.

Cùng với đó, một số loại vaccine nhập khẩu tiêm chủng dịch vụ như: vaccine “5 trong 1” Pentaxim của Pháp hay vaccine “6 trong 1” Infanrix Hexe của Bỉ và một số loại vaccine khác của ngoại cũng đang tăng giá thêm từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng/liều. Theo bảng giá thuốc kê khai do Cục Quản lý dược, Bộ Y tế công bố, trong số các mặt hàng dược phẩm tăng giá hiện có khoảng 51 lượt thuốc nhập khẩu tăng giá, trong khi đó thuốc sản xuất trong nước là 606 lượt chiếm khoảng 2,5% trong tổng số 25.000 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường. Còn qua thống kê của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, trong năm 2014, Việt Nam có tới 656 mặt hàng thuốc tăng giá, trong đó có 84 loại thuốc nhập khẩu và 572 thuốc sản xuất trong nước. 

Theo quan điểm của Bộ Y tế, đấu thầu thuốc là nhằm đưa giá thuốc về mức hợp lý. Tuy nhiên, việc đấu thầu giá thuốc thời gian gần đây đã để lại không ít điều tiếng, khiến dư luận chưa thật sự tin tưởng vào tính ưu việt của công tác này. Rất nhiều loại thuốc chữa bệnh, đấu giá xong thì giá lại cao hơn giá thị trường gấp nhiều lần. Đơn cử, cùng một loại thuốc, nhưng mỗi bệnh viện đấu thầu mỗi kiểu khiến thị trường thuốc rối tung rối mù, giá thành thuốc bị đẩy lên cao. Dễ thấy là tình trạng chênh lệch  lớn về giá trúng thầu giữa các bệnh viện, dù cùng loại thuốc, cùng hoạt chất, cùng nhà sản xuất và cùng nhà cung cấp. Chưa kể, tỷ lệ thuốc kém chất lượng trên thị trường năm 2014 ở mức 3%, thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng vẫn còn 2,3%, thuốc giả còn 0,4%. Chắc chắn số lượng không nhỏ những thuốc kém chất lượng này qua cửa đấu thầu lọt vào được bệnh viện. 

Cũng xin lưu ý, chi phí y tế của Việt Nam năm 2015 theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới chiếm 8% GDP, trong đó, chi phí cho thuốc chữa bệnh chiếm khoảng 60% tổng chi cho khám chữa bệnh. Mỗi năm, trung bình mỗi dân Việt phải chi 20 USD tiền thuốc chữa bệnh. Đó là con số khổng lồ.

Giải pháp nào chống tiêu cực trong đấu thầu thuốc? ảnh 2Phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng trong đấu thầu thuốc bệnh viện tại Gia Lai

Còn nhiều bất cập

Hiện nay, đấu thầu thuốc chữa bệnh theo quy định pháp luật được điều chỉnh theo Luật Dược, Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19-1-2012 của liên Bộ Y tế - Tài chính, Thông tư 37/2013/TT-BYT ngày 11-11-2013 của Bộ Y tế hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế. Phân tích kỹ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật này, các chuyên gia kinh tế đã vạch ra những kẽ hở để lợi ích nhóm, thuốc kém hiệu quả chữa bệnh lợi dụng để đưa thuốc vào bệnh viện với giá cao.

Đầu tiên, đấu thầu thuốc rất dễ nảy sinh cơ chế xin - cho. Thông thường, việc đấu thầu giá thuốc được thực hiện qua các bước: Bệnh viện lập danh mục thuốc đấu thầu trình lên hội đồng đấu thầu của sở y tế xem xét, phê duyệt. Đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu. Đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật theo hồ sơ mời thầu bao gồm các tiêu chí kỹ thuật liên quan đến chất lượng thuốc và việc đảm bảo chất lượng thuốc trong quá trình cung ứng thuốc. Đánh giá về giá để lựa chọn thuốc trúng thầu là bước được thực hiện cuối cùng. Tuy nhiên, quy trình này đã bộc lộ không ít kẽ hở, để những kẻ vụ lợi đục khoét. Chỉ cần một chút thiếu khách quan của hội đồng đấu thầu, không chỉ người bệnh, mà cả xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả. Thị trường thuốc ở Việt Nam với trên 22.000 loại thuốc đang lưu hành, giá thuốc vẫn có sự chênh lệch trên cùng một địa bàn và giữa các tỉnh thành phố. Có quá nhiều lý do để các nhóm lợi ích lợi dụng để nâng giá thuốc, đưa thuốc kém phẩm chất vào các cơ sở khám chữa bệnh. 

Bất cập nữa, các cuộc đấu thầu thuốc chữa bệnh hiện nay chủ yếu chỉ cạnh tranh về giá. Quy định tại Thông tư 37/2013/TT-BYT ngày 11-11-2013 của Bộ Y tế hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu có mức điểm đánh giá chất lượng thuốc chưa tạo ưu thế về chất lượng cho các sản phẩm cùng tham gia đấu thầu. Hậu quả của nó là “tiền nào của đó”. Đa số thuốc trúng thầu là được sản xuất trong nước, nhưng nguyên liệu phải nhập khẩu. Và để có giá rẻ, 90% doanh nghiệp phải tìm nguyên liệu rẻ, từ những nguồn cung cấp rẻ. Dĩ nhiên cũng là “tiền nào của đó”. Và vấn đề chất lượng lại được đặt ra. Mặc dù đại diện Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho rằng: Về chất lượng thuốc, thuốc tham dự thầu phải được lưu hành hợp pháp. Được lưu hành là đảm bảo chất lượng? Cũng chính Cục Quản ký dược đã thông báo: tỷ lệ thuốc kém chất lượng trên thị trường năm 2014 ở mức 3%, thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng vẫn còn 2,3%. Và những loại thuốc này vẫn được lưu hành cho đến lúc phát hiện ra. Còn bao lâu phát hiện được và nó đã vào bao nhiêu bệnh viện thì không ai thông báo cả. 

Một bất cập nữa là các bệnh viện và cơ sở y tế khó có thể kiểm soát được năng lực cung ứng. Các thầy thuốc, không có chuyên môn kinh tế kỹ thuật, khó thẩm định được năng lực của nhà thầu, không thể biết doanh nghiệp trúng thầu có khả năng cung ứng số lượng sản phẩm lớn như thế hay không. Chính vì vậy, có những doanh nghiệp rất nhỏ nhưng lại trúng thầu hàng trăm tỷ đồng trong khi các doanh nghiệp lớn lại chỉ trúng thầu vài tỷ đồng. Không thể kiểm tra cũng là cớ cho tham nhũng, là lý do để các doanh nghiệp dược “chạy” trước các dịp đấu thầu.

Giải pháp nào?

Khắc phục những bất cập của đấu thầu thuốc chữa bệnh là nhiệm vụ cấp bách của ngành y tế. Theo nội dung trên trang face book của Bộ trưởng Bộ Y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh sẽ thành một chương riêng trong Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, có quy định cụ thể việc đấu thầu qua mạng. Ngoài ra, Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính chuẩn bị thành lập hội đồng đấu thầu tập trung. Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục thuốc đấu thầu, thuốc mua tập trung và các thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá; đồng thời xây dựng lộ trình và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải có một cái nhìn khác đối với đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Theo Điều 1 Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, quy định  thực các đơn vị có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác phải thực hiện đấu thầu mua thuốc chữa bệnh.

Hiện nay, Quỹ BHYT quy định thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế gồm: 845 hoạt chất, 1064 thuốc tân dược; 57 thuốc phóng xạ và hợp chất đánh dấu. Tại sao BHYT không xây dựng khung giá cho các loại thuốc, hoạt chất, hợp chất cho cả nước, sau đó các tỉnh xây dựng đơn giá cụ thể cho các địa phương và trả quyền mua thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh, BHYT chỉ quyết toán theo đơn giá ban hành? Nếu thực hiện được việc này, các bệnh viện sẽ chủ động mua thuốc và sử dụng thuốc phù hợp cho người bệnh, khắc phục được nhiều bất cập, tiết kiệm chi phí đấu thầu, tiết kiệm được việc mua thuốc không dùng đến, quá hạn sử dụng phải bỏ đi.

Quy định đơn giá này cũng có tác động tới thị trường thuốc chữa bệnh như một ngưỡng giá. Khi đã có khung giá, các doanh nghiệp sẽ chủ động dự trữ, nhập thuốc, tiếp thị đưa thuốc đến tận giường bệnh cho bệnh nhân có nhu cầu. Các quy luật thị trường sẽ tác động để người bệnh cũng như cơ sở khám chữa bệnh sẽ có thuốc giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Tất nhiên cùng với biện pháp này, cần thêm sự quản lý chặt chẽ hơn của Cục Quản lý dược cũng như những chính sách thị trường thích hợp.