Giải pháp hạn chế xảy ra các vụ cháy làng nghề và cơ sở sản xuất ở huyện Thường Tín

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xác định vai trò quan trọng của việc phòng ngừa và hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản trong các vụ cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thường Tín, Hà Nội đã bám sát phương châm “nước xa không cứu được lửa gần” để giảm thiểu các vụ cháy, nhất là tại các làng nghề và cơ sở sản xuất ở địa phương.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thường Tín diễn tập phương án chữa cháy, cứu người

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thường Tín diễn tập phương án chữa cháy, cứu người

Phát huy công tác tự phòng ngừa, chữa cháy tại chỗ

Theo Thượng tá Đỗ Xuân Bình, Phó Trưởng CAH Thường Tín, địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất nằm trong cụm công nghiệp, làng nghề và xen kẽ trong khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Đã vậy, trong làng nghề luôn sử dụng nhiều loại máy móc, thiết bị, thậm chí cả nồi hơi. Cùng với đó là những vật liệu để sản xuất như vải, đệm mút, len sợi... chỉ cần lơ là trong công tác phòng tránh, nguy cơ cháy có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Qua rà soát, đến nay có gần 700 cơ sở thuộc diện quản lý PCCC, trong đó có 235 cơ sở tiềm ẩn về cháy nổ. Điển hình như tại cụm công nghiệp làng nghề xã Tiền Phong, nơi được xác định có đông lao động, cơ sở sản xuất đa dạng ngành nghề, đồng thời, có gần 2.000 hộ làm nghề sản xuất chăn ga, gối đệm, mặt hàng có nguy cơ cháy cao. Chỉ lơ là 1 giây có thể gây cháy lan, cháy lớn, thiệt hại về người và tài sản không đo đếm được.

Xác định rõ sự nguy hiểm của hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Thường Tín đã tham mưu cho UBND huyện triển khai hiệu quả mô hình “Cụm dân cư bảo đảm an toàn PCCC” và Đội PCCC, cứu nạn - cứu hộ phản ứng nhanh, mục đích nhằm bảo đảm an toàn PCCC trong sản xuất của các cơ sở trên địa bàn. Tính đến nay, Công an huyện Thường Tín đã xây dựng phương án, kế hoạch công tác PCCC và triển khai đến các cơ sở sản xuất chăn, ga, gối, đệm, làng sơn mài Hạ Thái, làng Duyên Trường, Phúc Am làm đồ vàng mã...

Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thường Tín kiểm tra, thử áp lực đường nước tại cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn

Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thường Tín kiểm tra, thử áp lực đường nước tại cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn

“Giải pháp hiệu quả của phương châm 'nước xa không cứu được lửa gần' là xây dựng cơ sở an toàn PCCC vững mạnh. Muốn thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, đơn vị phải tăng cường tuyên truyền, tập huấn trang bị kỹ năng nâng cao nhận thức để người dân tự phòng, tự kiểm tra. Cùng với đó, hướng dẫn người dân lắp đặt hệ thống PCCC trong gia đình, cơ sở sản xuất để phát hiện cháy sớm. Sự chủ động trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt, cơ sở sản xuất chăn, ga, gối đệm đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác PCCC, giúp người dân yên tâm lao động”- Theo Trung tá Nguyễn Hoàng Thành, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC - CNCH Công an huyện Thường Tín cho hay.

Cũng theo chỉ huy Công an huyện Thường Tín, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức hàng chục cuộc diễn tập nghiệp vụ PCCC với sự tham gia của nhiều lực lượng. Mỗi đợt diễn tập là một biện pháp tuyên truyền, đồng thời cũng kiểm tra hoạt động của trang thiết bị, sự phối hợp giữa lực lượng tại chỗ và chuyên nghiệp.

Kiểm tra những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù tình hình Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, lực lượng Công an là "lá chắn thép" trên tuyến đầu phòng chống dịch bệnh và đảm bảo ANTT. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu “kép” vừa đảm bảo công tác PCCC và CNCH tại thời điểm này, Công an huyện Thường Tín đã triển khai kế hoạch phòng ngừa cháy, nổ mùa nắng nóng.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thường Tín diễn tập PCCC và CNCH với nhiều lực lượng tham gia

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Thường Tín diễn tập PCCC và CNCH với nhiều lực lượng tham gia

Thượng tá Đỗ Xuân Bình, Phó trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 1.490 doanh nghiệp, 2 kho xăng dầu lớn là K133, 12 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 76 của hàng kinh doanh khí đốt hoá lỏng, bên cạnh đó nhiều làng nghề sản xuất hàng hoá dễ cháy nổ. Quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc sử dụng điện bất cẩn là yếu tố tiềm ẩn, dễ dẫn đến các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, công tác phòng cháy và chữa cháy đặt ra là nhiệm vụ hàng đầu, để bảo vệ tính mạng tài sản của Nhà nước và nhân dân, tạo môi trường an toàn để các đơn vị, doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Để làm tố nhiệm vụ phòng cháy tại cơ sở, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Thường Tín luôn phát huy hiệu quả phong trào toàn dân PCCC. Trong đó, phát huy vai trò của lực lượng dân phòng và đội PCCC cơ sở.

Lâu nay, các mô hình “Cụm dân cư đảm bảo an toàn PCCC” và mô hình “Đội PCCC phản ứng nhanh” xã Vạn Điểm, Tiền Phong và đội dân phòng 28 xã, thị trấn, đội PCCC tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã phát huy tác dụng. Cùng với công tác phát huy lực lượng tại chỗ, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện Thường Tín luôn chủ động tăng cường, kiểm tra 317 cơ sở, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác PCCC tại cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, hộ gia đình và tại các làng nghề.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Thường Tín kiểm tra các trụ nước trong cụm công nghiệp, làng nghề

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Thường Tín kiểm tra các trụ nước trong cụm công nghiệp, làng nghề

Qua kiểm tra, Công an huyện đã phát hiện, xử lý 56 trường hợp vi phạm an toàn PCCC. Tổ chức 21 buổi huấn luyện nghiệp vụ, 32 buổi tuyên truyền PCCC&CNCH cho trên 1.000 người. Công an huyện cũng đã tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC đối với các cơ sở tiềm ẩn cháy nổ trên địa bàn. UBND huyện đã tổ chức bàn giao hàng nghìn cơ sở thuộc danh mục do UBND xã, thị trấn quản lý về công tác PCCC.

Để hạn chế tối đa cháy, nổ xảy ra trên địa bàn, Thượng tá Đỗ Xuân Bình khuyến cáo: “Người dân cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi nguồn nhiệt, nguồn lửa, nhất là các đồ vật tiêu thụ điện, thiết bị đun nấu, đảm bảo an toàn PCCC, đồng thời chuẩn bị các dụng cụ, phương tiện cần thiết để đáp ứng tình huống cháy, nổ có thể xảy ra. Đối với các doanh nghiệp cần trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện chữa cháy, nâng cao nghiệp vụ PCCC, cứu nạn - cứu hộ cho Đội PCCC và người lao động để chủ động dập tắt đám cháy từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng con người”.