Giải pháp chống quấy rối tình dục hiệu quả ở khu chợ lớn nhất Uganda

ANTD.VN - “Một số người đàn ông có thói quen đụng chạm vào cơ thể phụ nữ. Nếu bắt gặp người đàn ông có hành vi sàm sỡ, chúng tôi sẽ đưa họ đến văn phòng điều hành chợ. Người đàn ông có thể bị cấm đến chợ trong một thời gian nhất định. Họ rất sợ chúng tôi”, Nora Baguma, một người bán hàng tại chợ Nakawa ở Thủ đô Kampala, Uganda nói.

Giải pháp chống quấy rối tình dục hiệu quả ở khu chợ lớn nhất Uganda ảnh 1Catherine Nanzige cho biết, có nhiều hình phạt khác nhau đối với người có hành vi quấy rối tình dục

Cấm đến chợ nếu có hành vi quấy rối tình dục phụ nữ

Mệt mỏi vì phải chịu đựng những lời nói xúc phạm cũng như hành vi lạm dụng tình dục của nam giới, những người phụ nữ bán hàng ở Nakawa đã đề xuất Ban quản lý chợ đưa ra chế tài xử lý người vi phạm. 

Nakawa là một trong những khu chợ lớn nhất ở Uganda với khoảng 7.000 người bán hàng. Chợ được chia thành 6 khu, mỗi khu lại được chia thành nhiều tiểu khu. Ở các tiểu khu đều có những người phụ nữ phụ trách. Họ là những người đầu tiên nhận khiếu nại liên quan đến quấy rối tình dục. Tiếp theo là lãnh đạo khu vực và cao nhất là Ủy ban kỷ luật của chợ.

Catherine Nanzige, một người phụ nữ chuyên bán mặt hàng cá khô nói rằng, có nhiều hình phạt khác nhau đối với những người đàn ông có hành vi quấy rối tình dục, tùy thuộc vào mức độ vi phạm. “Vi phạm lần đầu tiên, người có hành vi quấy rối tình dục có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 bảng Anh. Nếu hành vi này tiếp tục tái diễn lần thứ hai, người đàn ông đó có thể bị cấm đến chợ trong một tháng, thậm chí là cấm đến chợ vĩnh viễn nếu không dừng hành vi xấu xa này lại”, Catherine Nanzige nói. 

Susan Tafumba, một người bán hàng ở Nakawa cho biết, nhiều phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ và trẻ em gái vẫn lựa chọn giải pháp im lặng thay vì tố cáo người có hành vi quấy rối tình dục. “Phần lớn, những cô bé phục vụ bữa trưa ở chợ mới chỉ 12, 13 tuổi. Khi đưa thức ăn cho khách, những người đàn ông thường có hành động quấy rối như cố tình đụng chạm vào ngực, mông, nói điều gì đó khiếm nhã trước khi trả tiền. Nhiều cô gái trẻ e ngại, cảm thấy xấu hổ nên cuối cùng quyết định giữ im lặng”, Susan Tafumba nói.

Cần bảo vệ phụ nữ làm việc trong khu vực không chính thức

Trên thế giới, từ lâu, phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức đã phát động nhiều chiến dịch chống lại nạn quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức ở Uganda. Ước tính, khoảng 80% người dân Uganda làm trong khu vực phi chính thức. 

Ông Ophelia Kemigisha, luật sư Uganda cho biết, pháp luật Uganda có quy định rõ ràng chống quấy rối tình dục tại khu vực làm việc chính thức nhưng tại các nơi làm việc như chợ Nakawa thì dường như phụ nữ “nằm bên ngoài hệ thống pháp lý”. Chính phủ Uganda phải có hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ phụ nữ làm việc trong khu vực không chính thức. 

Leah Eryenyu, một chuyên gia của tổ chức nữ quyền châu Phi Akina Mama Wa Afrika hy vọng sẽ có những thay đổi tích cực ở Uganda - nơi phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo vẫn chưa có sức lan tỏa mạnh mẽ. “Đối với khu vực phi chính thức, nạn quấy rối tình dục được “bình thường hóa” và chấp nhận như điều tất yếu. Một số phụ nữ làm việc trong các trang trại trồng hoa đã chấp nhận đổi tình dục để có được một công việc tạm thời hoặc tiền lương cao hơn”, Leah Eryenyu nói. 

Leah Eryenyu cho rằng, để bảo vệ phụ nữ làm việc trong khu vực phi chính thức, cần có sự nhìn nhận đúng về đóng góp của thành phần kinh tế này với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. “Khu vực phi chính thức có đóng góp rất lớn vào GDP nhưng khi nói đến vấn đề bảo vệ những người làm việc trong lĩnh vực này, họ đột nhiên trở nên vô hình. Đây là một phần quan trọng của nền kinh tế và nó cần được tôn trọng và bảo vệ như bất kỳ lĩnh vực nào khác”, Leah Eryenyu nói. 

“Phụ nữ chiếm số lượng lớn trong số các nhà cung cấp hàng hóa cho chợ Nakawa. Ban quản lý chợ Nakawa đang nỗ lực giúp đỡ các nữ tiểu thương của chợ tiếp cận vốn ngân hàng thông qua một số chương trình khởi nghiệp. Theo quan điểm cá nhân, tôi luôn đánh giá cao phụ nữ bởi họ làm việc có trách nhiệm và luôn sẵn sàng đối mặt với mọi tình huống khó khăn trong kinh doanh”. 

Charles Okuni (Trưởng ban quản lý chợ Nakawa, Uganda)