Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng

Giải oan cho thiên tài văn chương họ Vũ

ANTĐ - Thiên tài Vũ Trọng Phụng có một cuộc đời nhiều bi kịch, bi kịch đến tận cùng của cái kiếp người. Sinh thời ông đã phải chịu một cuộc đời quá ư nghèo khổ, nhưng do mang trong mình tư tưởng xã hội mà ông đã hy sinh tận hiến cả cuộc đời tuổi trẻ cho giống nòi và đất nước.

Thiên tài lận đận

 

Bằng ngòi bút sắc sảo tài hoa Vũ Trọng Phụng đã vạch trần một xã hội thối nát đầy rẫy xấu xa bất công tội lỗi và lên tiếng bảo vệ người cùng khổ... Những tiểu thuyết mang đậm chất hiện thực xã hội của ông làm chấn động văn đàn và đó là sự châm ngòi cho bão táp cách mạng lật đổ chế độ thực dân đế quốc. Văn chương tả chân của ông mô tả những nhơ nhớp xã hội thời ấy chỉ là cái phương tiện để đạt cái mục đích cao cả hơn. Đừng phán xét theo cạch hạn hẹp quy chụp mà phải hiểu hết tư tưởng xã hội của tác giả mới thấy giá trị văn tài ông. Và đau đớn quá, ông ra đi khi mới ở tuổi 27, cái tuổi đang nở rộ tài năng… Nhưng bi kịch lớn hơn với văn hào trẻ tuổi này là thời đại đã không hiểu ông, cuộc đời nhiều lúc không hiểu ông để bình sinh ông phải đối mặt với cả một hệ thống xã hội bị ông lên án lại phải đối mặt với giới phê bình văn chương cùng thời khi người ta vu buộc ông cái tội văn chương dâm uế… Và một mình ông đã phải chống lại tất cả để bảo vệ quan điểm văn chương, bảo vệ danh dự cho mình. Nhưng  sự xuất hiện của cái mới bao giờ cũng bi kịch như vậy để rồi sau nửa thế kỷ công cuộc đổi mới đất nước đã trả lại những chân giá trị cho văn chương Vũ Trọng Phụng...

Tự giải oan

Trên văn đàn ông đã một mình chống lại những chỉ trích từ những tờ báo văn chương, từ những đồng nghiệp đố kỵ ghen ghét và để bảo vệ tư tưởng xã hội của mình đã có lúc gay gắt bút chiến không khoan nhượng với thói đạo đức rởm, dạy đời. Trong thư ngỏ cho ông Thái Phỉ chủ báo Tin văn về bài "Văn chương dâm uế", Vũ Trọng Phụng đã kết tội người phê phán mình với lời lẽ đầy kiêu hãnh: "Nếu bài cảnh cáo của ông viết mà nghe xuôi tai được, tất nhiên tôi đã bỏ bút mà hàng phục, mà nghe theo ý ông, vì tôi chính là một trong số những người biết phục thiện, lại rất cần có người khác chỉ bảo... Khốn nỗi bài cảnh cáo của ông không những cho tôi kinh hoàng mà còn làm cho tôi thất vọng. Ông chớ nóng nẩy, tôi kinh hoàng chỉ vì tôi chưa hề nghĩ ra rằng một người ra làm việc cho văn chương như ông mà lý sự lại luẩn quẩn, tối tăm như thế, và tôi thất vọng là vì ông chủ một cơ quan văn học mà quan niệm về văn chương lơ mơ, mù mịt hỗn loạn đến như ông thì thật là một phỉ báng và hơn nữa một tội phạm thượng đối với văn chương... Ồ ông nói lạ. Ông lại muốn bắt bọn văn sĩ tả chân, trong khi tả cái sự thực trần truồng nhơ bẩn dâm loạn, mà lại phải làm cho độc giả ưa thích thấy những chuyện kia là thanh tao, nhã nhặn dễ thương mà lại hợp với cái luân lý để bắt chước bọn người nhơ bẩn trong truyện đó sao?...”

Trong Thay cho lời tựa tiểu thuyết Làm đĩ, Vũ Trọng Phụng đã là người đầu tiên bảo vệ quan điểm của mình khi viết về những đề tài  vốn xưa này được cho là "nhạy cảm: "Xã hội Việt Nam này thật vậy đã bắt đầu loạn dâm! Sự làm giầu đùng đùng của những thầy lang chữa bệnh hoa liễu, sự phát đạt của những tiệm khiêu vũ, tăng số của bọn giang hồ, nạn hoang thai, những vụ án mạng vì tình mà hàng ngày các báo đăng lên mục tin đặc biệt, sự chán đời đến tự tử của một số nam nữ thiếu niên, nạn hiếp dâm, v.v... Đứng trước tình thế ấy mà chỉ khoanh tay kêu "Ôi phong hóa suy đồi" thì nào có ích gì cho ai?".. Rất nhiều những bài tranh luận gay gắt như vậy để bảo vệ tư tưởng nhân văn khi viết về xã hội Vũ Trọng Phụng đã thể hiện tính cách mạng trong văn chương, để kêu gọi đấu tranh thay đổi nó. Cuối cùng, tư tưởng xã hội và khát vọng cải tạo xã hội của giả Vũ Trong Phụng đã thắng...

Ngày mới của giá trị văn chương 

Những  cái nhìn bất công  đối với Vũ Trong Phụng chỉ được xóa bỏ hoàn toàn từ khi đất nước đổi mới. Trong làn gió đổi mới mạnh mẽ của đất nước, vấn đề Vũ Trọng Phụng được đặt lại rốt ráo và nghiêm túc. Nhiều hội thảo văn chương Vũ Trong Phụng được tổ chức, nhiều đánh giá công bằng và khách quan được công bố. Đặc biệt dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của ông báo chí đề cập sâu sắc sự nghiệp và văn tài ông. Năm 1987 nhân kỷ niệm 75 năm sinh Vũ Trọng Phụng, những hoạt động tôn vinh ông được tổ chức. Toàn tập tác phẩm của ông đã được xuất bản đầy đủ và giá trị văn chương ông bắt đầu được đánh giá đúng  đắn. Sự nghiệp đổi mới đất nước đã trả lại giá trị cho không ít người trong đó có Vũ Trọng Phụng. Thực ra trước đó nhiều nhà nghiên cứu văn học vẫn lặng lẽ đi tìm chân lý khoa học trong  văn chương Vũ Trọng Phụng để khẳng định vị trí không dễ thay thế của ông trong văn học sử nước nhà. 

Thiên tài thường lận đận. Và với Vũ Trọng Phụng, cuộc đời bi kịch và khổ đau đến chết  chưa một lần biết tên tuổi mình được vinh danh. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý. Và mọi giá trị  đã có lịch sử phán xét công bằng. Mừng thay cho ông. Cầu mong nơi xa xôi cõi khác, linh hồn ông thanh thản ngậm cười...

HN ngày 20-10-2012