Giải mã vụ thử "vũ khí mới" của Triều Tiên

ANTD.VN - Vụ thử “vũ khí mới” của Triều Tiên dù không gây chấn động như thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo, song cũng được xem như một “phép thử” của Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần thị sát thử “vũ khí mới” của nước này

Vụ thử “vũ khí mới” của Triều Tiên cách đây vài ngày vẫn đang được dư luận, giới phân tích tập trung “mổ xẻ” dưới nhiều góc độ khác nhau. Về khía cạnh quân sự, vụ thử vũ khí có thể là một bước tiến trong việc hiện đại hóa vũ khí của Triều Tiên, song xem ra với ưu thế quân sự vượt trội, Mỹ và các đồng minh ở Đông Bắc Á không quá chú ý tới khả năng thay đổi cục diện chiến trường của loại vũ khí mà Bình Nhưỡng vừa thử nghiệm.

Loại “vũ khí mới” rõ ràng được Triều Tiên xem như là một thành tựu, bước tiến quan trọng của nước này khi đích thân nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong-un tới thị sát việc thử nghiệm và nêu rõ đây là “một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc tăng cường sức mạnh tác chiến của quân đội Triều Tiên”. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dù không công bố chi tiết về loại “vũ khí mới” nhưng cũng nhấn mạnh rằng các lợi thế của vũ khí này là “hệ thống bay dẫn đường đặc biệt” và “mang theo đầu đạn có sức công phá lớn”.

Trong khi đó, theo các chuyên gia quân sự, “vũ khí mới” mà Triều Tiên thử nghiệm là tên lửa hành trình đa năng, có thể phóng từ mặt đất, máy bay chiến đấu và tàu chiến. Chuyên gia quân sự Kim Dong-yub thuộc trường Đại học Kyungnam của Hàn Quốc cho rằng, nhiều khả năng đó là tên lửa hành trình tầm ngắn với tầm bắn khoảng 20km, có thể điều chỉnh để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như tấn công đất đối hạm, đất đối không, hạm đối hạm đóng vai trò nền tảng để phát triển các vũ khí đối đất và diệt hạm nhằm biên chế cho các quân binh chủng của Triều Tiên.

Tuy nhiên, giới chức quân sự của Mỹ và Hàn Quốc lại tỏ ra không hề e ngại mối đe dọa từ loại “vũ khí mới” của Triều Tiên cho dù không quân Mỹ có điều máy bay trinh sát RC-135W Rivet Joint tới để thu thập thông tin tình báo về vụ thử. Một quan chức cấp cao giấu tên của Lầu Năm Góc cho rằng, vũ khí Triều Tiên vừa thử nghiệm không phải tên lửa đạn đạo và không gây ra mối đe dọa cho Mỹ và đồng minh trên bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên về thực chất có lẽ cũng biết rõ uy lực cũng như mối đe dọa mà “vũ khí mới” của mình có thể tạo ra cho đối phương, song ngoài mục đích phát triển vũ khí trang bị, quốc gia này còn có thể nhắm tới cái đích khác trong vụ thử nghiệm. Vụ thử nghiệm, theo cách nhìn nhận của giới phân tích chính trị, là một thông điệp mà Bình Nhưỡng muốn gửi tới Washington trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đang bế tắc.

Triều Tiên từng rất kỳ vọng vào tiến triển của việc đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vào cuối tháng 2 vừa qua tại Hà Nội mà theo đó giúp nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. Sau Hội nghị Thượng đỉnh này, Triều Tiên đã có hàng loạt những động thái căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa được cho là nhằm gây áp lực để phía Mỹ phải tính tới việc sớm ngồi lại đàm phán, từ đó gỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt.

Một vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo mới là nằm trong khả năng của Triều Tiên song chắc chắn vượt qua “lằn ranh đỏ”, có thể làm đổ vỡ hoàn toàn tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa. Vụ thử “vũ khí mới” vì thế được cân nhắc kỹ như là một “phép thử” xem đã đủ “ép phê” để đưa Mỹ sớm trở lại bàn đàm phán hay không.