Huyền tích Tây hồ 6:

Giải mã về “sân” golf trên mặt nước và chuyện... hết thiêng của hồ Tây

ANTĐ - Chơi golf trên mặt hồ Tây là chuyện có thật, song nhiều người vẫn coi đó là chuyện không tưởng!?.


Tiên cảnh nay còn đâu?

“Mịt mù khói toả ngàn s­ương. Nhịp chày Yên Thái mặt g­ương Tây Hồ”. Hồ Tây từng là chốn của những kẻ rong chơi ngâm vịnh. Đó là nơi tao nhân mặc khách không thể nào bỏ qua mỗi khi muốn lấy thi hứng… “Cá rô đầm sét, sâm cầm hồ Tây”. Nơi đất lành chim đậu, nơi chim muông còn phải nao lòng huống chi người yêu mến thiên nhiên.

"Sân" golf trên mặ hồ Tây

Giờ nhìn về hồ Tây người ta chỉ còn mơ ước về một thuở của không gian mặt nước có giới hạn ấy. Hồ Tây nơi sâm cầm không thường trú ngụ. Đây chỉ là nơi mà sâm cầm tìm đến báo tin về mùa đông giá lạnh của phương bắc khắc nghiệt. Thế nhưng, sự luân hồi của thời gian, của từng mùa tìm đến theo quy luật tự nhiên càng làm cho Tây hồ có giá trị riêng thật đặc biệt. Khi ấy hồ Tây là không chỉ là nơi tiên cảnh hữu tình, mà còn là nơi che bọc cho những con sâm cầm nhỏ bé trước mùa đông lạnh… Khi ấy, hồ Tây sẽ đẹp hơn bất cứ mùa nào, cái đẹp của mặt nước sương giăng mờ mờ, ảo ảo đã khiến những thi ca thảng thốt, gọi đó là “nàng Tây Thi” của Thăng Long- Hà Nội…

Giờ thì “nàng Tây Thi” bị băm tan nát, nhiều người nói vậy. Sâm cầm hồ Tây chỉ còn trong hoài tưởng. Thỉnh thoảng mùa sen thơm cũng có những con le le ẩn mình dưới lá sen để sinh nở. Loài sâm cầm hồ Tây tuyệt chủng vĩnh viễn, nhiều người thấy le le bơi lội dè dặt đã nghĩ đó làm sâm cầm trở lại. Nhưng không, ngay cả số phận của loài chim le le không quí bằng sâm cầm cũng bị đe dọa một cách khủng khiếp, khiến chúng luôn phải cảnh giới sự truy đuổi của con người trong lúc kiếm ăn mà vẫn không thể thoát chết.

Vào những ngày trái gió trở trời, từng đàn cò trắng hàng nghìn con chao liệng trên mặt hồ Tây, hạ xuống đầm sen phía công viên nước để kiếm con tép, con cua. Nhưng cũng không thể nào thoát khỏi tay những người tận diệt, hủy hoại môi trường. “Tháng 3 vừa rồi, cò về nhiều lắm, nhưng chỉ được khoảng 2 hôm thì không thấy bóng một con nào ở đây nữa. Khi ngang qua, tôi thấy mấy thanh niên mang súng hơi, treo con cò chết bên xe máy”- ông Thuần bán nước bên cạnh hồ Tây, cho biết. Ông Thuần là người làng Quảng Bá, ông kiếm sống nhờ hàng nước bên góc hồ vào mỗi buổi chiều. Ông bảo rằng, bọn trẻ nó “thính” ghê lắm, hễ cò hạ cánh xuống là nó đã phục sẵn bên bụi me gai để bắn hạ rồi.   

Thiếu vắng chim muôn Tây hồ trở nên vô hồn

Cảnh đẹp vốn có của hồ Tây đã và đang bị hủy hoại một cách tàn nhẫn. Người ta tận thu bằng mọi cách có thể. Nhiều người bức xúc về mấy năm gần đây một số cá nhân dùng hồ sen làm nơi canh tác thu lợi nhuận cho riêng mình. Họ ngăn chia hồ ra từng vuông nhỏ. Rồi lập ra những chòi canh sen biến không gian mặt hồ như chiếc áo vá vụng về, xấu xí. Dịch vụ hình thành từ tư lợi, từ việc thiếu chỗ chơi của thanh niên nam nữ... cũng làm cho cảnh quan hồ mất mỹ quan vì ý thức kém.

“Cơn sốt” của tuổi “teen” về việc tìm đến hồ Tây vào mỗi buổi chiều, đặc biệt cao trào vào mùa sen đẹp. Và thế là dịch vụ quanh nó phát sinh, bám vào quanh hồ với mức quá tải về việc xả…rác. Tất cả dịch vụ sinh ra nhưng lại không có hành động hay suy nghĩ nào để hạn chế mức độ ô nhiễm của mặt nước. Vì thế, hồ Tây vừa là nơi chơi, cũng vừa là nơi xả rác vô tội vạ… Tất cả những điều buồn ấy, làm cho phong cảnh hồ Tây mất đi và trở nên vô hồn của mặt nước hôi tanh.

Nhiều người lo lắng hay bức xúc không phải không có lý. Chuyện kè đường ven hồ Tây được người dân vui, nhưng chưa hết lo. Vì họ cho rằng kè ven hồ mới chỉ để sạch đẹp một phần, tránh sự lấn chiếm phũ phàng của người tham lam. Còn việc có giữ được sự đầy lên của bùn cát và nguy cơ “sa mạc hóa” mặt nước hay không thì chưa ai dám khẳng định. Sự cạn kiệt dần của mặt nước hồ Tây có nhiều nguyên nhân, sự ô nhiễm trầm trọng cũng vậy, mà nguyên nhân thực tế nhiều người lo lắng là sự canh tác mặt hồ của những dịch vụ đang có là rất cần cơ quan có trách nhiệm quan tâm.

Người dân có lý khi đặt những dấu hỏi, rằng mặt hồ bị băm tan tành thì có thể khắc phục bằng cách dẹp bỏ trả lại không gian mặt nước nếu như người có trách nhiệm thực sự đau xót về cảnh quan. Nhưng thời gian lưu cữu của dịch vụ trên hồ mà không sớm ngăn chặn thì đó chính là quá trình làm biến đổi môi sinh trong nước, như vậy sẽ khó làm lại được sự trong của nươc khi đã…quá bẩn.

Hồ Tây có một… sân golf

“Ở trên bờ thì khó cảm nhận được sự vướng víu của sân golf trên mặt nước. Hôm nào đi vớt rác ở gần khu vực này tôi cũng khó chịu, vì cọc số đóng chi chít trên hồ, xuồng đi lại làm việc khó lắm”- một nhân viên môi trường chuyên vớt rác trên mặt hồ Tây, búc xúc. Chị này xin không nêu tên vì theo chị có nhiều lý do tế nhị.

Không gian mặt hồ tan nát bởi "chướng ngại vật"

Quả thật, theo người dân ở quanh hồ Tây thì họ cho rằng, việc kinh doanh mặt nước như hiện nay đã là rất khó chấp nhận. Vì cảnh quan chung, nhưng trở thành sở hữu riêng, nhất lại là việc làm xấu đi môi trường nước trong hồ Tây. Người dân làng Hồ, Trích Sài, Nghi Tàm, Quảng Bá…sống bao đời quanh hồ, những giá trị về tâm linh vùng hồ Tây luôn được họ đặt lên cao hơn hết.

Họ cho so sánh rằng, giống như ở gần đình chùa thì bất luận không ai được phép xây nhà cao hơn nơi tôn kính ấy. Vi phạm đến nơi tâm linh, tín ngưỡng sẽ gặp điều không may, và làm mất đi sự thiêng liêng mà người ta luôn tâm niệm là điều khó chấp nhận. Hồ Tây là chốn linh thiêng, có cả thần hồ Tây là “Hoàng Hiệp Tây hồ thủy thần” được thờ tại đình làng Nghi Tàm. Song, thực tế lại có những điều làm “gai mắt, chướng tai” như sự thách thức, quả là đáng buồn.  

Người dân lo lắng "đầu ra" của dịch vụ trên hồ liệu có xả...xuống nước

Sân golf trên mặt nước đang có trên mặt hồ gây bức xúc trong dư luận. Người dân cho rằng “thú” chơi của một bộ phận có tiền của mà băm tan nát mặt nước hồ Tây- cảnh quan đặc biệt của Hà Nội thì cần phải dẹp bỏ. Những lo lắng, búc xúc của người dân là vì môi trường, vì sự tồn tại bền lâu của hồ Tây là rất đáng được xem xét. Ngoài những con tàu đang ngoạm hết mặt nước hồ Tây, nhiều năm nay, trên mặt hồ còn là vứt bỏ những con tàu cũ nát. Ở phía góc hồ Tây gần công viên nước, những con tàu han gỉ vứt ngổn ngang dưới hồ như một đống rác lớn.

Cột bảng số golf cắm đầy trêm mặt hồ Tây

Trách nhiệm trước tiên thuộc về người sử dụng, nhưng trách nhiệm lớn hơn phải thuộc về cơ quan quản lý mặt hồ còn buông lỏng trong khâu giám sát, xử lý. Hồ Tây bị băm nát mặt nước một cách phũ phàng. Những nguy cơ về tương lai “sa mạc hóa” mặt nước hồ Tây mà người dân lo lắng là thực tế, nếu không kịp thời có biện pháp hữu ích vì môi trường, vì cảnh quan thì hiện thực là một tất yếu không xa.

 Đón đọc bài 7: Người đàn bà mò “tiền” dưới hồ Tây.