Giải mã về chiếc vali hạt nhân của Tổng thống Mỹ

ANTD.VN - Vali hạt nhân là một bộ điều khiển từ xa có sức mạnh hủy diệt hàng loạt. Khi chiếc vali này được kích hoạt đồng nghĩa với việc 2.000 đầu đạn hạt nhân trên khắp thế giới sẽ được phóng đi. Bởi vậy, vali hạt nhân đã trở thành "vật bấy ly thân" của ông chủ Nhà Trắng, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào.

Chiếc vali quyền lực

Vali hạt nhân bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ John Kennedy. Chiếc vali này đi kèm với mã kích hoạt hạt nhân để Tổng thống đương nhiệm của Mỹ có thể tiếp cận trong trường hợp khẩn cấp dù đang ở bất cứ đâu, vào thời điểm nào.

Trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa diễn ra tại Hà Nội, hình ảnh Tổng thống Mỹ D. Trump luôn được bảo vệ với mức an ninh cao nhất, thu hút mọi ánh nhìn nơi ông đến. Bên cạnh 2 chiếc xe ô tô bọc thép và những đặc vụ tinh nhuệ, chiếc vali nhỏ mà ông Trump mang theo bên người khiến nhiều người tò mò hơn cả.

Chiếc vali hạt nhân bên cạnh Tổng thống Trump như hình với bóng (Nguồn: AP)

Chiếc vali nhỏ được bao bọc bởi một chiếc cặp da đen trông rất thời trang nhưng bên trong đó là cả một hệ thống điều khiển các tên lửa hạt nhân của nước Mỹ. Vali nặng khoảng 20 kg, có kích thước 45x35x25 cm, được chế tạo bằng hợp kim titan giúp bảo vệ các thiết bị bên trong an toàn trước những điều kiện bất lợi nhất.

Mặc dù, tổng thống Mỹ ít khi tự tay xách nhưng nó phải luôn bên cạnh ông, dù bất cứ nơi đâu, bất kỳ thời điểm nào và được một phụ tá quân sự bảo vệ nghiêm ngặt. Người phụ tá quân sự này luôn ở cùng tổng thống Mỹ, dù là tại Nhà Trắng, trên đoàn xe hộ tống, hay trên chiếc máy bay Air Force One khi đi công cán nước ngoài và cũng được bảo vệ kín kẽ bởi các đặc vụ.

Thậm chí, người phụ tá quân sự này còn được xếp lịch làm việc và nghỉ ngơi chung với tổng thống.

Vali hạt nhân bắt đầu xuất hiện trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ John Kennedy, sau sự kiện khủng hoảng tên lửa Cuba diễn ra vào năm 1962. Khi đó, các quan chức hàng đầu của quân đội Mỹ cho rằng, tổng thống nước này cần phải dễ dàng tiếp cận được với các bản kế hoạch chiến tranh hạt nhân.

Qua các nhiệm kỳ tổng thống, chiếc vali đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh quân sự của nước Mỹ cũng như trách nhiệm lớn lao mà vị tổng thống của nước này mang bên mình.

Chiếc vali được chuyển giao chính thức giữa các đời tổng thống Mỹ vào đúng thời điểm diễn ra lễn chuyển giao quyền lực.

Cấu tạo chi tiết đặc biệt

Vali hạt nhân là một bộ điều khiển từ xa có sức mạnh kinh hoàng. Khi chiếc vali này được mở ra để sử dụng đồng nghĩa với việc 2.000 đầu đạn hạt nhân, được bố trí tại rất nhiều địa điểm quân sự trên toàn cầu sẽ được kích hoạt.

Điều đó có nghĩa là một cuộc chiến hạt nhân sẽ xảy ra và sự hủy diệt hàng loạt là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, khi sử dụng "quả bóng hạt nhân", người đứng đầu nước Mỹ luôn phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi đó là quyết định sống còn. Có lẽ vì thế, quy trình sử dụng chiếc vali này rất phức tạp, chứ không đơn thuần chỉ là một vài nút bấm.

Chiếc vali hạt nhân của Tổng thống Mỹ (Nguồn: ABC)

Tiến sỹ Peter Feaver, Giáo sư về chính sách công và khoa học chính trị tại Đại học Duke (Mỹ) cho biết: "Tổng thống không tự mình nhấn nút. Ông chỉ có thể đưa ra một mệnh lệnh xác thực, dẫn tới phản ứng chuỗi sau đó và tên lửa cuối cùng sẽ bay đi".

Thực chất, vali hạt nhân là một thiết bị liên lạc vệ tinh để xác nhận tư cách tổng tư lệnh quân đội của Tổng thống, trong các mệnh lệnh tấn công hạt nhân. Bởi vậy, trong vali hạt nhân chưa 4 báu vật: (1) cuốn sách liệt kê các lựa chọn tấn công và mã phóng cho từng loại vũ khí; (2) tấm thẻ có biệt hiệu "biscuit" chứa các mã định danh của riêng vị tổng thống đó, nếu không có nó, quy trình khởi động vũ khí hạt nhân sẽ không thực hiện được; (3) bản hướng dẫn sử dụng hệ thống liên lạc khẩn cấp để tổng thống có thể phát biểu trước toàn dân; (4) một danh sách các khu vực tối mật an toàn mà tổng thống có thể dùng đến.

Trên thực tế, vali hạt nhân có 3 chiếc chứ không phải 1 chiếc, 1 chiếc luôn đi cùng với tổng thống khi rời Nhà Trắng, một vali khác chứa mã dự phòng dành cho phó tổng thống và một chiếc lưu trữ tại Nhà Trắng.

Quy trình nghiêm ngặt

Một cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng từng tiết lộ với giới truyền thông rằng, quy trình đưa ra quyết định phóng hạt nhân sẽ tùy thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau. Nếu như đây là một quyết định mang tính dài hạn và được tính toán kỹ lưỡng như tấn công phủ đầu một nước nào đó, quá trình này sẽ có sự tham gia của nhiều người.

Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, tổng thống sẽ là người toàn quyền quyết định nhưng vẫn phải theo đúng quy trình.

Chiếc vali hạt nhân luôn được một trong các trợ lý quân sự của Tổng thống Mỹ D. Trump xách đi bất cứ lúc nào dù ở trong nước hay nước ngoài (Nguồn: TASS)

Quy trình đó là: khi tổng thống Mỹ đưa ra lựa chọn tấn công, sẽ chuyển lệnh đến "Phòng Chiến tranh". Đây là lúc các nhân vật quan trọng trong phòng chiến tranh yêu cầu tổng thống xác thực lệnh bằng mã "biscuit". Với mật mã chính xác, Lâu Năm Góc sẽ chuyển thông điệp khẩn hoặc lệnh phóng tên lửa hạt nhân đến các đơn vị được tổng thống chọn lựa.

Khi có lệnh trong tay, các đội phóng vũ khí mới được mở két lấy mã hệ thống xác thực niêm phong (SAS), được chuẩn bị sẵn bởi Cơ quan An ninh Quốc gia và được phân bố thông qua chuỗi chỉ huy hạt nhân của quân đội.

Mã SAS trong két sắt sẽ được đối chiếu với mã SAS trong lệnh phóng. Sau khi xác nhận lệnh, người đó sẽ nhập mã kế hoạch chiến tranh vào máy tính để tái định vị mục tiêu thời bình là phóng ra biển sang mục tiêu thời chiến.

Nếu các chuỗi mã trùng khớp, tên lửa hạt nhân mới được kích hoạt theo quy trình vận hành. Trình tự từ khi ra mệnh lệnh đến khi kích hoạt mã phóng có vẻ dài dòng, song trên thực tế chúng diễn ra rất nhanh bởi các hệ thống về cơ bản đã được tự động hóa. Mặc dù tổng thống có toàn quyền ra mệnh lệnh hạt nhân, song mệnh lệnh này hoàn toàn có thể bị hủy, bị hoãn nếu có sự can thiệp của phó tổng thống và quốc hội hoặc sự cố trong quá trình vận hành.