Giải mã siêu tàu sân bay số 1 thế giới CVN-78 USS Gerald Ford

ANTĐ - Hải quân Mỹ vừa hạ thủy chiếc tàu sân bay hiện đại nhất thế giới CVN-78 USS Gerald Ford tại thành phố Newport News, bang Virginia vào sáng 9-11.

Ngày 9-11, hải quân Mỹ đã chính thức làm lễ hạ thủy và đặt tên cho siêu tàu sân bay đầu tiên CVN-78 USS Gerald Ford thuộc lớp Ford. Nghi thức này đánh dấu thời điểm nó chính thức được đưa vào sử dụng. Trước đây, vào ngày 10-10-2013, siêu tàu sân bay này đã được chính thức làm lễ “rửa tội”, đích thân con gái cố Tổng thống Mỹ Gerald Ford là bà Susan Ford là người đã nhấn nút xả nước con tàu.

Theo số liệu được cung cấp của nhà máy đóng tàu, CVN-78 dài khoảng 333 mét, cao 77 mét, sàn đáp rộng 78 mét, lượng giãn nước trên 110.000 tấn, nặng gấp 400 lần tượng “Nữ thần tự do” của Mỹ. Để sơn hết toàn bộ thân tàu người ta đã phải sử dụng hết khoảng 757.000 lít sơn màu xám chì, số sơn này đủ để che phủ toàn bộ Nhà Trắng được… 350 lần.

Giải mã siêu tàu sân bay số 1 thế giới CVN-78 USS Gerald Ford ảnh 1

Mô hình tác chiến tương lai của tàu sân bay lớp Ford

Với lượng giãn nước cao hơn khoảng gần 2 vạn tấn, nhìn chung thiết kế tổng thể của tàu trông khá giống các tàu sân bay lớp Nimitz hiện đang hoạt động nhưng sàn đáp của USS Gerald Ford cao hơn nhiều so với Nimitz. Diện tích mặt boong cũng rộng hơn đáng kể, đồng nghĩa với việc các tàu sân bay lớp Ford đáp ứng được nhiều lượt bay cùng một thời điểm hơn và có nhiều không gian bảo dưỡng các chiến đấu cơ hơn.

Nếu như các tàu sân bay lớp Nimitz có tháp chính nằm giữa thân tàu thì tàu sân bay lớp Ford lùi về phía cuối khoảng 50m, về hình dạng và kích thước của nó dường như nhỏ hơn 1 nửa, trông không “uy phong” như tháp chính của tàu sân bay kiểu cũ. Tuy nhiên, không gian bên trong của nó lại rộng hơn, chứng tỏ thiết kế hợp lý hơn, giải phóng được nhiều không gian mặt boong hơn.

Giải mã siêu tàu sân bay số 1 thế giới CVN-78 USS Gerald Ford ảnh 2

CVN-78 USS Gerald R Ford đại diện cho sức mạnh của hải quân Mỹ thế kỷ 21

USS Gerald R Ford có thể mang theo trên 90 máy bay các loại, bao gồm cả máy máy cánh cố định và trực thăng với đủ chủng loại cảnh báo sớm, tác chiến chống ngầm, tác chiến điện tử… Đặc biệt, nó được trang bị “cặp song sát” là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35C và máy bay trinh sát/tấn công không người lái tàng hình (UCAV) X-47B. Hai loại máy bay chiến đấu tàng hình có và không người lái này sẽ giúp tàu sân bay lớp Ford có khả năng xuyên phá qua mọi hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới. 

Bảo đảm được tần suất và số lượt chiếc máy bay xuất kích ngày càng gia tăng trong tác chiến hiện đại là mục tiêu then chốt của bất cứ tàu sân bay nào. Được trang bị hệ thống máy phóng và thiết bị hãm điện từ, USS Gerald Ford sẽ phóng máy bay ra khỏi sàn tàu một cách nhẹ nhàng và thu hồi máy bay hạ cánh an toàn hơn sử dụng máy phóng hơi nước và thiết bị hãm đà kiểu cũ. Ước tính hiệu suất hoạt động mỗi ngày của USS Gerald Ford sẽ cao hơn 25% so với các tàu sân bay hiện đang sử dụng của quân đội Mỹ.

Giải mã siêu tàu sân bay số 1 thế giới CVN-78 USS Gerald Ford ảnh 3

Với kích thước lớn hơn và thiết kế hiện đại hơn, tàu sân bay lớp Ford có
hiệu suất hoạt động cao hơn 25% so với tàu sân bay lớp Nimitz

Tính đa dạng trong tác chiến của hàng không mẫu hạm sử dụng máy phóng điện từ chính là khả năng bảo đảm hoạt động bình thường cho tất cả các loại máy bay mà nó mang theo. Máy phóng sử dụng hệ thống động lực điện từ có tính năng ưu việt, dễ dàng kiểm soát chính xác lượng điện phát ra, có thể dễ dàng phóng luân phiên hoặc xem kẽ các loại máy bay không người lái và có người lái với trọng lượng cất cánh từ vài tấn đến vài chục tấn mà chỉ cần thay đổi một vài tham số điều khiển.

Hàng không mẫu hạm này được chế tạo với đích trở thành tàu sân bay lớn nhất, mạnh nhất thế giới. Với cường độ tác chiến mức cao nhất, siêu tàu sân bay này có thể duy trì mật độ mỗi ngày đêm xuất động 220 lần chiếc tiêm kích hạm, tác chiến liên tục trong 5 - 7 ngày. Trong cường độ tác chiến mức độ trung bình, mỗi ngày nó có thể huy động 180 lượt máy bay, tấn công 1500 mục tiêu trong thời gian 1 tháng liền.

Giải mã siêu tàu sân bay số 1 thế giới CVN-78 USS Gerald Ford ảnh 4

Nó được trang bị “cặp song sát” là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35C
và máy bay trinh sát/tấn công không người lái tàng hình (UCAV) X-47B

Do thiết kế tối ưu và áp dụng các công nghệ cao nên CVN-78 có trình độ tự động hóa cao hơn hẳn so với các tàu sân bay lớp Nimitz. Tàu sân bay lớp Ford chỉ cần 4.660 thủy thủ, ít hơn so với tàu sân bay lớp Nimitz 700 người, nó cũng chỉ cần đến 3 thang máy nâng, hạ tiêm kích hạm so với 4 của các tàu sân bay kiểu cũ. Tàu sân bay còn được áp dụng một số công nghệ đỉnh cao như radar mảng pha điện tử thế hệ mới nhất, hệ thống phòng thủ laser trên hạm, hệ thống thông tin dạng lưới đa cực.

Với khả năng phòng thủ/tấn công siêu hạng của mình, CVN-78 xứng đáng trở thành siêu tàu sân bay lớn nhất, hiện đại nhất và mạnh mẽ nhất thế giới từ trước đến nay. Sau khoảng hai năm rưỡi huấn luyện và đào tạo, vào khoảng tháng 3 năm 2016 "Ford" sẽ chính thức bước vào hoạt động. Dự kiến chiếc tàu sân bay này sẽ phục vụ cho tới năm 2057 với nhiệm vụ tuần tra vùng biển và bảo vệ nước Mỹ trong thế kỷ tới.

Giải mã siêu tàu sân bay số 1 thế giới CVN-78 USS Gerald Ford ảnh 5

Hiện Mỹ đã bắt tay vào chế tạo chiếc CVN-79 USS John F. Kennedy

Hải quân Mỹ dự định sẽ đóng ít nhất là 3 tàu sân bay thuộc lớp Ford bao gồm: CVN-78 USS Gerald R. Ford, CVN-79 USS John F. Kennedy, CVN-80 USS Enterprise. Hiện nay, công tác triển khai chế tạo CVN-79 đã bắt đầu được tiến hành nhằm đảm bảo duy trì vị thế thống trị thế giới cho lực lượng hải quân Mỹ trong thế kỷ 21.