“Giải mã” nguy cơ cháy chung cư, nhà tập thể cũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đối với các nhà tập thể, chung cư cũ nhưng đồ dùng mới, thiết bị mới lại càng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Vậy tại sao xảy ra nguyên nhân này, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Công an thành phố Hà Nội sẽ “giải mã” các nội dung dưới đây.
Công an quận Hoàn Kiếm trang bị bình cứu hỏa cho người dân ở khu nhà gỗ phố Vọng Hà

Công an quận Hoàn Kiếm trang bị bình cứu hỏa cho người dân ở khu nhà gỗ phố Vọng Hà

Chung cư, nhà tập thể cũ tiềm ẩn cháy, nổ cao

Nói đến chung cư cũ, chúng ta thường nhắc tới các khu tập thể Thành Công, Giảng Võ, Trung Tự, Lê Phụng Hiểu, Vọng Hà và Nguyễn Công Trứ. Đó là những cái tên được nhắc tới nhiều mỗi khi lo lắng về nguy cơ cháy, nổ.

Nói như thế không có nghĩa là những tòa nhà chung cư mới xây thì sẽ không tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ mà chỉ tiềm ẩn ít hay nhiều phụ thuộc vào ý thức của người dân.

Chung cư cũ hay nhà tập thể cũ dễ bị cháy hơn và khi cháy thường cháy lan, cháy lớn, vì sao? Những công trình này cho đến nay cũng đã có tuổi thọ ít nhất là 35 đến 40 năm. Hàng loạt các hạ tầng, hệ thống được xây dựng từ ban đầu đã không còn đồng bộ với nhu cầu phát triển, sử dụng của người dân.

Từ việc tăng cường, tận dụng không gian sử dụng, chủ nhân đã cơi nới, làm thêm lồng sắt, lắp thêm thiết bị điện trong gia đình. Vốn kết cấu từ một bộ khung xương nhỏ theo nhu cầu gia đình đã “đắp” cho ngôi nhà của mình đủ thứ tiện nghi phục vụ sinh hoạt.

Điều dễ nhận thấy nhất là hệ thống điện tại các chung cư, tập thể cũ. Ban đầu chỉ là chiếu sáng và một vài thiết bị đơn giản, nhưng đến nay hầu hết trong gia đình đã trang bị thêm máy lạnh, bếp từ, máy giặt, lò nướng… Thiết bị mới, hiện đại đồng nghĩa với việc mức tiêu hao điện cho hoạt động vận hành máy móc thiết bị lớn. Thế nhưng, cốt lõi của những đường chịu tải dẫn vào nhà thì vẫn là đường cũ, thậm chí nhiều điểm nối không đúng quy cách. Chỉ có vậy đã là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn cháy khi tất cả các thiết bị cùng hoạt động trong thời gian dài.

Hạ tầng xuống cấp chỉ là một vấn đề lo lắng, trong khi đó hệ thống phòng cháy của chung cư, tập thể cũ thiếu đồng bộ, thậm chí không có.

Một nguyên nhân dễ thấy nhất là người dân đều chủ quan, hiếm gia đình tự trang bị cho mình các phương tiện chữa cháy tại chỗ, phương tiện báo cháy. Trong khi đó, nhiều trường hợp quá tin vào thiết bị hiện đại đặt hẹn giờ cho việc đun nấu, hoặc sấy giặt để làm việc khác, hoặc ra khỏi nhà... Đến khi xảy ra sự cố, không biết sớm đã dẫn đến cháy lan, cháy lớn.

Vụ cháy tại tập thể cũ trên phố Phạm Ngọc Thạch năm 2018

Vụ cháy tại tập thể cũ trên phố Phạm Ngọc Thạch năm 2018

Ở tập thể cũ còn phải lo lắng vấn đề hệ thống máy bơm nước của mỗi hộ gia đình. Tính chung bình mỗi tòa chung cư cũ có khoảng từ 35 đến 50 gia đình, tương đương với số máy bơm mà họ phải có để đưa nước sinh hoạt lên nhà.

Do thiếu tính đồng bộ, mỗi người câu móc điện một kiểu đã tiềm ẩn nguy cơ cháy cao.

Vụ cháy nhà gỗ tại phố Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm vào năm 2012 và vụ cháy tầng 3 của khu tập thể cũ A12 phố Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa năm 2018 khiến hàng trăm người dân hốt hoảng tháo chạy và còn nhiều người bị mắc kẹt trong nguy hiểm, như hồi chuông cảnh báo về thực trạng nhà tập thể cũ tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.

Tuy nhiên, với người dân việc lo lắng và sợ hãi chỉ khi cháy xảy ra và sau đó tâm lý chủ quan vẫn thường trực, ý thức tự cứu mình chưa thực sự thay đổi.

Điều này dễ nhận thấy ở các tập thể, chung cư cũ nhất là việc chất đồ đạc không có lối thoát nạn, hàn "chuồng cọp" kín để chống trộm cắp, nhưng đó là cách bịt chính lối thoát của mình khi có cháy.

Cảnh sát phòng cháy khuyến cáo

Qua rà soát của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, trên địa bàn có hàng trăm chung cư cao tầng và khu nhà tập thể cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng đang xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ là rất lớn.

Để đảm bảo an toàn, trong thời gian qua các lực lượng đã chủ động nhiều biện pháp, trong đó tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, tự trang bị thiết bị PCCC cho chính gia đình mình.

Cùng với công tác tuyên truyền là hướng dẫn, phối hợp với điện lực đưa ra giải pháp đối với hệ thống điện và thiết bị điện tại các chung cư, nhà tập thể cũ như: Tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện trong nhà bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật. Lựa chọn dây dẫn điện có chất lượng cao, tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm phối hợp điện lực kiểm tra an toàn PCCC tại khu nhà gỗ Vọng Hà

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm phối hợp điện lực kiểm tra an toàn PCCC tại khu nhà gỗ Vọng Hà

Đấu nối dây điện phải đúng kỹ thuật, nối so le và được cuốn băng cách điện. Không được câu mắc sử dụng điện tùy tiện. Không mắc dây điện xuyên qua mái tôn, mái lá...; thay mới các dây điện có lớp cách điện bị ải mục, các mối nối dây điện phải bịt kín cách điện.

Trước mọi dụng cụ tiêu thụ điện phải có thiết bị bảo vệ như cầu chì... Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng.

Không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm. Không nên sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện, xe máy điện qua đêm và đặt trên các đồ vật có khả năng bắt cháy cao, hấp thụ nhiệt tốt như chăn, ga, gối, đệm… Mỗi thành viên phải nâng cao ý thức PCCC, tuân thủ chấp hành những nội quy, quy định về PCCC tại nơi cư trú, tích cực phòng ngừa không để xảy ra cháy nổ, phải loại trừ những nguyên nhân gây cháy do vô ý, bất cẩn.

Người lớn có trách nhiệm giáo dục trẻ em ý thức được việc PCCC là hệ trọng, nghiêm cấm các trường hợp chơi diêm, nghịch lửa, đốt rác, đốt vàng mã... bất cẩn gây cháy.

Không để đồ dùng, vật dụng dễ cháy gần nơi thờ cúng, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 1m. Hạn chế sử dụng các loại vật liệu dễ cháy (gỗ tấm, tấm nhựa, mút xốp...) để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm phòng ngừa cháy lan.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống bếp gas, thay mới các ống dẫn gas đã bị rạn nứt, hư hỏng. Thực hiện việc bảo quản, sắp xếp đồ dùng ngăn nắp, đúng quy định, không lấn chiếm lối thoát nạn.

Không lắp lồng sắt, lưới sắt, chuồng cọp, biển quảng cáo ở lan can. Trường hợp đã lắp thì phải thiết kế ô cửa thoát nạn và quy định rõ vị trí để chìa khóa.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm tuyên truyền hướng dẫn người dân tạo lối thoát nạn trên lồng sắt

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàn Kiếm tuyên truyền hướng dẫn người dân tạo lối thoát nạn trên lồng sắt

Dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, chủ động trang bị các dụng cụ trữ nước như xô thùng, vòi mềm dẫn nước để vừa phục vụ sinh hoạt hàng ngày vừa phục vụ chữa cháy khi cần thiết, các gia đình nên trang bị thêm các bình chữa cháy xách tay để nơi cố định, dễ thấy, dễ lấy và tập luyện cho người trong gia đình biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã trang bị.

Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Khi cháy, nổ xảy ra phải bình tĩnh xử lý, tìm lối thoát nạn an toàn đã định sẵn, đồng thời báo cho mọi người xung quanh để kịp thời thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số 114, chính quyền, Công an địa phương nơi cư trú. Sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy.