Giải mã lực lượng dân binh biển của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có thể lên tới hàng trăm tàu thuyền và hàng nghìn thành viên thủy thủ đoàn hùng hậu, mặc dù Bắc Kinh không thừa nhận sự tồn tại của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia phương Tây cho rằng, đây là một phần lực lượng không thể thiếu trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thực thi các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông và hơn thế nữa.

Lực lượng dân binh biển Trung Quốc đã thu hút sự chú ý lớn thời gian gần đây khi hơn 200 tàu đánh cá tập trung xung quanh bãi đá ngầm đá Ba Đầu trong chuỗi đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore nói rằng họ chưa từng thấy một hoạt động nào ở quy mô như vậy trước đây, cả về số lượng cũng như thời gian trụ lại.

Ảnh vệ tinh của công ty công nghệ Maxar cho thấy tàu Trung Quốc tập trung tại các đảo tranh chấp ở Biển Đông hôm 23-3-2021

Ảnh vệ tinh của công ty công nghệ Maxar cho thấy tàu Trung Quốc tập trung tại các đảo tranh chấp ở Biển Đông hôm 23-3-2021

Dưới mắt quan sát của phương Tây

Bất chấp những phủ nhận của chính phủ Trung Quốc, giới chuyên gia phương Tây không hề mơ hồ về cái mà Lầu Năm Góc gọi là Lực lượng Dân quân Hàng hải thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân (PAFMM) Trung Quốc. Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc điều hành tại Trung tâm tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói với CNN: “Lực lượng dân quân vũ trang nhân dân Trung Quốc không đánh cá. Họ có vũ khí tự động trên tàu và thân tàu được gia cố, nên rất nguy hiểm ở cự ly gần. Ngoài ra, tàu của họ có tốc độ tối đa khoảng 18-22 hải lý/giờ, nhanh hơn 90% tàu đánh cá trên thế giới”.

Lực lượng Dân quân Hàng hải được Bắc Kinh sử dụng để “lật đổ chủ quyền của các quốc gia khác và thực thi các yêu sách trái pháp luật”, một báo cáo tháng 12-2020 của chỉ huy Hải quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển Mỹ cho biết. Conor Kennedy và Andrew Erickson, hai chuyên gia hàng đầu của Mỹ về chủ đề này, đã viết cho trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ vào năm 2017 rằng, đây là “một lực lượng được nhà nước tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động theo một chuỗi chỉ huy quân sự trực tiếp để tiến hành các hoạt động do nhà nước Trung Quốc bảo trợ”. Ông Erickson cho rằng, dân binh biển là đội quân trên biển thứ ba của Trung Quốc, sau hải quân và hải cảnh, lực lượng này có thể lên tới hàng nghìn tàu và hàng chục nghìn nhân viên.

Một báo cáo năm 2020 của Bộ Quốc phòng Mỹ về quân đội Trung Quốc chỉ ra rằng, các tàu dân binh biển của Bắc Kinh được giao cho một đơn vị thành lập vào năm 2016, thường xuyên được trợ cấp để hoạt động ở quần đảo Trường Sa. “Đơn vị đặc biệt này cũng là đơn vị chuyên nghiệp nhất của Trung Quốc. Lực lượng của nó được trả lương độc lập, không liên quan đến hoạt động đánh bắt thương mại nào và được tuyển dụng từ các binh sĩ mới ra quân”, báo cáo viết.

Nhưng chuyên gia Andrew Erickson lưu ý, hàng loạt tàu xuất hiện gần quần đảo Trường Sa trong những tuần gần đây trông khác với những chiếc tàu ở đơn vị Hải Nam, cho thấy số lượng thuyền dân binh nhiều hơn so với ước tính trước đây. Ông Erickson và đồng nghiệp Ryan Martinson, viết trên tạp chí Foreign Policy vào cuối tháng trước cho biết, thông tin tình báo cho thấy, một số tàu thuyền xuất hiện ở đá Ba Đầu đến từ Taishan ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.

Mục đích của dân quân biển là gì?

Các chuyên gia phương Tây cho biết, khái niệm lực lượng dân quân hàng hải hay lực lượng hải quân không thường trực cho phép Trung Quốc đưa ra yêu sách lãnh thổ mà không sử dụng đến quân đội chính thức. Ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng của RAND Corp, đã viết vào năm ngoái: “Các hoạt động kiểu “vùng xám” cổ điển này mục đích là giành “chiến thắng mà không cần chiến đấu” bằng cách sử dụng hàng loạt tàu cá để áp đảo”.

Nói về hoạt động của tàu Trung Quốc ở Trường Sa gần đây, ông Jay Batongbacal, Giám đốc của Viện Hàng hải tại Đại học Philippines nói: “Hiện họ đang chiếm đóng đá Ba Đầu chỉ bằng sự hiện diện của các tàu đó. Đó thực sự là mục tiêu của chiến lược Trung Quốc, nhằm thiết lập quyền kiểm soát và thống trị trên thực tế đối với toàn bộ Biển Đông thông qua các động thái gia tăng này”.

Trung Quốc luôn nói rằng đó không phải là tàu quân sự, thế nên bất kỳ hành động nào của lực lượng tuần duyên hay hải quân nước ngoài chống lại đám tàu này sẽ bị cáo buộc là tấn công nhằm vào dân thường Trung Quốc. “Sức mạnh của lực lượng dân binh biển chính là khả năng phủ nhận của nó, cho phép các tàu của bọn họ quấy rối và đe dọa các tàu dân sự và tàu chiến nước ngoài trong khi Trung Quốc phủ nhận liên kết với các hoạt động này”, nhà nghiên cứu Shuxian Luo và Jonathan Panter tại Đại học Johns Hopkins, đã viết trên tạp chí Military Review của quân đội Mỹ vào đầu năm nay. Tuy nhiên, việc phát triển lực lượng này cũng làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố và leo thang căng thẳng.

Chiến thuật từng có tiền lệ

Theo ông Derek Grossman, nhà phân tích của RAND, khái niệm về lực lượng dân quân biển Trung Quốc khởi nguồn từ ngay sau cuộc cách mạng năm 1949 khi chính phủ của ông Mao Trạch Đông xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển. Bắc Kinh đã bơm tiền và đào tạo vào một lực lượng dân quân hàng hải còn sót lại từ chế độ cũ. Một vài năm sau, việc tập thể hóa nghề cá địa phương đã tạo thêm một lớp kiểm soát mới của nhà nước đối với dân quân biển.

Trong những năm 1960, khi Hải quân phát triển, lực lượng này đã huấn luyện dân quân các chiến thuật cũng như hoạt động quân sự và sử dụng họ trong nhiều nhiệm vụ của Hải quân hơn. Vào năm 1974, khi Trung Quốc gây chiến với đồng minh của Mỹ lúc bấy giờ là Cộng hòa miền Nam Việt Nam để giành quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, việc sử dụng tàu cá trong các hoạt động chiến đấu đã chứng tỏ giá trị của bọn họ. Nhà phân tích của RAND cho biết, Hải quân Trung Quốc đã sử dụng 2 tàu đánh cá để đưa 500 lính tới các đảo tranh chấp khi mà sự hiện diện của các tàu đánh cá dân sự Trung Quốc xung quanh đảo đã làm chậm quá trình ra quyết định của quân đội miền Nam Việt Nam. Khi quân Trung Quốc đến, các đơn vị đồn trú trên đảo đầu hàng.

Ở Biển Đông, Philippines là một trong những đồng minh của Mỹ. Và Trung Quốc cũng đã sử dụng lực lượng dân quân hàng hải trong các hoạt động nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ vốn được Tòa án Liên hợp quốc công nhận là thuộc về Manila. Bắc Kinh kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Một phán quyết năm 2016 của Tòa án Liên hợp quốc cho biết, Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 11-4 cho biết những gì Trung Quốc đang làm hiện nay là sự lặp lại của năm 2012.

“Việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hoàn toàn coi thường luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là thành viên, là điều kinh khủng”, ông Lorenzana tuyên bố. “Sự hiện diện liên tục của các lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định của họ nhằm chiếm thêm các địa điểm ở Biển Đông”.

Tương lai bấp bênh

Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Trung Quốc cũng đã sử dụng các tàu đánh cá để đối đầu trực tiếp với Hải quân Mỹ. Vào ngày 9-3-2009, hai tàu đánh cá, hoạt động cùng với các tàu hải quân và ngư nghiệp của Trung Quốc, được cho là đã cố gắng nhắm mục tiêu vào thiết bị của USNS Impeccable, một tàu khảo sát dân sự có thủy thủ đoàn của Mỹ ở Biển Đông.

Theo báo cáo của AMTI, các tàu đánh cá của Trung Quốc cũng dừng trước tàu Mỹ, buộc tàu này phải dừng khẩn cấp để tránh va chạm. Trong khi đó, một tàu khảo sát khác của Mỹ, USNS Victorious thì bị quấy rối ở Hoàng Hải. Trung Quốc tuyên bố các tàu Mỹ hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Washington phản bác lại rằng các tàu của họ đang ở trong vùng biển quốc tế và họ có quyền ở đó.

Vụ việc năm 2009 cho thấy, Mỹ và Trung Quốc có thể tiến gần đến một cuộc đối đầu thực sự. Nhưng theo nhà phân tích Grossman, sự cố Impeccable hay bất kỳ hoạt động chiếm đóng đảo nào của Trung Quốc đều không thể ngăn cản tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, thế nên nhiều khả năng sẽ có nhiều cuộc triển khai hơn. Các nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore cho biết, Bắc Kinh đang xem xét các phản ứng đối với rạn san hô đá Ba Đầu. Họ viết: “Sự cố ở bãi đá ngầm này là một minh chứng hùng hồn cho thấy Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro bằng cách tập trung một lượng lớn tàu thuyền như vậy trong một khu vực có nhiều tranh chấp”.

Lực lượng dân quân vũ trang nhân dân Trung Quốc không đánh cá. Họ có vũ khí tự động trên tàu và thân tàu được gia cố, nên rất nguy hiểm ở cự ly gần. Ngoài ra, tàu của họ có tốc độ tối đa khoảng 18-22 hải lý/giờ, nhanh hơn 90% tàu đánh cá trên thế giới.