"Giải mã" hiện tượng bạn trẻ đòi hỏi không được là… tự tử

ANTD.VN - Thời gian qua, nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra liên quan tới các bạn trẻ, khi họ đòi hỏi được những điều tưởng chừng như rất đơn giản ở gia đình nhưng không được đáp ứng thì quyết định… tự tử. Tại sao họ có thể suy nghĩ nông cạn như vậy khi mọi cơ hội còn rất nhiều phía trước? Chuyên gia tâm lý sẽ cùng “giải mã” hiện tượng này với Báo ANTĐ!

Gần đây nhất, vụ việc một thanh niên 20 tuổi ăn lá ngón tự tử ở Nghệ An đã khiến nhiều người xót xa. Nguyên nhân sự việc đau lòng bắt nguồn từ việc thanh niên này xin đi học lái xe nhưng không được, dẫn tới hành vi dại dột. Thậm chí trước đó 1 năm, người này cũng đã ăn lá ngón vì… đòi mua xe máy nhưng không được đáp ứng, song lần đó may mắn được cứu sống.

Thanh niên 2 lần tìm tới lá ngón để tự tử chỉ vì đòi hỏi cá nhân không được đáp ứng, khiến nhiều người đau xót

Trước đó, một nam sinh cấp 2 ở TP. HCM cũng tự tử bằng hình thức nhảy từ tầng 3 xuống, sau khi bị mẹ mắng trước mặt mọi người về kết quả học tập không tốt.

Qua những sự việc đó, dư luận tỏ ra rất bàng hoàng vì các bạn trẻ có hành vi dại dột ngay khi mới vấp phải những khó khăn đầu đời, và nhiều cơ hội còn ở trước mắt.

Báo ANTĐ đã có buổi trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thu Hương – Giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Qua hiện tượng "đòi hỏi" không được là tự tử, hoặc vì những mâu thuẫn nhỏ, bị bôi xấu trên mạng là tự tử của các bạn trẻ, xin chuyên gia tâm lý giải mã tình trạng "chán sống" này?

- Từ góc độ nghề nghiệp và từ quan điểm cá nhân, tôi không cho rằng các bạn trẻ hiện nay có ý nghĩ "chán sống", mà thực ra các bạn ấy đang muốn thực hiện một hành động được gọi là "đoạn tang" với cái thực tại để tìm kiếm một "huyễn tưởng" về một cuộc sống mà ở đó mọi điều sẽ được như các bạn ấy mong ước. Nói cách khác, việc các bạn ấy tự tử không phải là để thực sự "được chết" mà là để "chia tay" với một hiện thực có nhiều điều thị phi, nhiều điều mâu thuẫn, xung đột, đau đớn và bước vào một thực tại khác không có thị phi, xung đột và đau đớn. Tuy nhiên, cách làm của các bạn ấy không đúng với lẽ thường và cũng không nên được thực thi.

Việc bị nói xấu trên mạng là lý do dễ giải thích cho hành động của các bạn trẻ, bởi việc nói xấu là một hình thức bạo hành tinh thần, mang lại nhiều đau khổ tâm trí cho người bị nói xấu. Còn việc không được thỏa mãn sự đòi hỏi của bản thân dẫn đến hành động "tự tử" cho thấy hệ quả của sự "khủng hoảng bản sắc" ở độ tuổi thanh thiếu niên. Chính sự khủng hoảng này khiến cho các bạn trẻ nhiều khi đi quá những ranh giới của bình thường để bước sang những hành động không bình thường, những hành vi nguy cơ gây tổn hại tới chính bản thân các bạn trẻ. Các bạn ấy cần được học nhiều hơn về lòng trắc ẩn và lòng tự trắc ẩn để yêu con người và yêu bản thân mình hơn, nhân ái với con người và nhân ái với bản thân mình hơn, tha thứ cho con người và tự tha thứ cho bản thân mình, và để có nhiều hơn các hành vi trong ranh giới của bình thường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý học Trần Thu Hương

Theo chị, các bậc phụ huynh cần làm gì để biết được rằng tính cách con mình "có vấn đề", có thể làm điều dại dột khi đòi hỏi cá nhân không được đáp ứng? Nếu đáp ứng tất cả thì cũng mang lại tác dụng tiêu cực, các bậc phụ huynh nên điều chỉnh ra sao để cân đối, hài hòa trong việc dạy con và giữ con?

- Các vị phụ huynh nên tham gia nhiều hơn các khóa học về Làm cha mẹ hiệu quả, về Sự phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi thanh thiếu niên do một số cơ sở đào tạo có uy tín tổ chức, để thực sự hiểu những biến đổi tâm sinh lý của con trong giai đoạn có nhiều sự khủng hoảng sâu sắc này. Sự đáp ứng các nhu cầu, mong muốn, đòi hỏi của con cần được dựa trên sự thỏa thuận, trao đổi công bằng giữa cha mẹ và con cái, ở đó, không có người thắng cũng không có người thua.

Câu hỏi đặt ra là tại sao cha mẹ nào cũng muốn kiểm soát con, giữ con mà không muốn có mối quan hệ bình đẳng với con? Câu trả lời là, phần lớn cha mẹ đều có uy quyền đối với con, ít ra đó là uy quyền mà cha mẹ tự gán cho mình. Với uy quyền này, cha mẹ sẽ thực thi quyền lực với con cái. Nhưng ở độ tuổi thanh thiếu niên, quyền lực này sẽ gây nên nhiều xung đột và mâu thuẫn giữa cha mẹ và con, và hệ quả là con cái sẽ cố gắng tìm cách vượt qua ranh giới của uy quyền của cha mẹ. Và hành vi có nguy cơ cao nhất mà các bạn trẻ sử dụng để chống đối lại uy quyền cha mẹ, chính là hành động "đoạn tang" mà tôi nói ở trên. Vậy thì có nên dùng quyền uy đó với lứa tuổi này không? Câu trả lời là không nên.

Chị đã từng biết, gặp hay tư vấn cho những trường hợp tương tự nào mà có bạn trẻ vị thành niên mang ý định dại dột chỉ vì những điều đơn giản như vậy chưa ạ? Xin chị chia sẻ cụ thể!

- Tôi đã từng làm việc với những bạn có ý nghĩ "không muốn sống" bởi vì sự đối xử không công bằng của chính những người thân trong gia đình ... chỉ đơn giản vì một câu nói thôi. Ví dụ: Con lớn rồi, con phải nhường em hoặc cho dù em làm sai thì cuối cùng người bị trừng phạt vẫn là bạn lớn... Chính sự không công bằng một cách tự nhiên này của cha mẹ sẽ khiến cho các bạn trẻ nuôi dưỡng những ý tưởng "dại dột" về cuộc sống của bản thân. Cha mẹ trong những trường hợp này nên có ý thức nhiều hơn về những câu nói tưởng chừng đơn giản như vậy...

Ngoài thời gian ở gia đình, các bạn trẻ ở độ tuổi vị thành niên cũng dành không ít thời gian trong lớp học. Theo chuyên gia, các thầy cô giáo ở bậc THCS, THPT cần làm gì, tìm hiểu thông tin gì để hỗ trợ tâm lý tốt cho các em, giúp các em hướng tới những giá trị sống tích cực?

- Nhà trường nên có phòng hỗ trợ tâm lý dành cho mọi học sinh, đặc biệt là những học sinh có khó khăn tâm lý. Thầy cô giáo nên cùng với chuyên gia tâm lý làm việc với những vấn đề mà các em học sinh gặp phải không chỉ trong học tập mà cả trong đời sống tinh thần. Cha mẹ của học sinh cũng cần được hỗ trợ nếu gia đình có những vấn đề khó giải quyết. Hỗ trợ tâm lý trong hệ thống gia đình nên là một việc nên làm và cần được phát triển rộng khắp.

Cảm ơn chị đã chia sẻ rất nhiều!