Giải mã diễn biến phức tạp trên chính trường Thái Lan trong năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phong trào biểu tình sinh viên là diễn biến chính trị lớn nhất của Thái Lan trong năm 2020 với một bên là những người trẻ muốn thay đổi và bên kia những người coi họ là những kẻ gây rối. Điều này thể hiện xu hướng thay đổi trong đời sống chính trị-xã hội Thái Lan như thế nào?
Người biểu tình đối mặt với lực lượng cảnh sát bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở Bangkok (Thái Lan) hôm 17-11-2020

Người biểu tình đối mặt với lực lượng cảnh sát bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở Bangkok (Thái Lan) hôm 17-11-2020

Hôm 23-10, nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn mỉm cười chào các thần dân của mình bên ngoài con đường gần Cung điện Hoàng gia chật cứng hàng nghìn người mặc áo vàng. Ông cũng dừng lại trước một người đàn ông tên là Thitiwat Tanagaroon, giơ cao tấm biểu ngữ của phong trào biểu tình do sinh viên lãnh đạo. “Rất dũng cảm, rất tốt, cảm ơn bạn”, nhà vua nói với Thitiwat trong đoạn video mà sau này lan truyền khắp trên mạng xã hội Thái Lan. Đoạn clip đánh dấu một động thái hiếm hoi của nhà vua trong tiếp cận với công chúng khi quyền lực và địa vị được tôn kính của ông đã bị thách thức bởi một loạt các cuộc biểu tình kể từ tháng 7-2020.

Xuống đường đòi yêu sách

Các cuộc biểu tình trên đường phố Bangkok do một nhóm thanh niên đứng đầu có tên Ratsadon tổ chức. Phong trào biểu tình đòi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha từ chức, sửa đổi hiến pháp và cải cách chế độ quân chủ cũng chính là diễn biến chính trị lớn nhất của Thái Lan trong năm 2020.

Mọi việc xuất phát từ thời điểm Đảng Tương lai tiến bộ bị giải thể hồi đầu năm nay. Được thành lập vào năm 2018, Đảng Tương lai tiến bộ thu hút nhiều cử tri trẻ. Quan điểm của đảng này là chống lại quân đội, các tổ chức độc quyền và hiến pháp hiện hành năm 2017, được lập ra sau cuộc đảo chính được quân đội hậu thuẫn. Đảng Tương lai tiến bộ đứng thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019 với khoảng 6,3 triệu phiếu bầu trước khi bị Tòa án Hiến pháp giải tán vào ngày 21-2 vì vi phạm luật bầu cử.

Vụ việc liên quan đến khoản vay trị giá 191,2 triệu baht (6,3 triệu USD) mà đảng đã chấp nhận từ lãnh đạo đảng Thanathorn Juangroongruangkit để tài trợ cho chiến dịch tranh cử của mình. Tòa án đã phán quyết rằng nguồn gốc của số tiền là bất hợp pháp, theo Luật Tổ chức Đảng Chính trị năm 2017.

Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19, các cuộc biểu tình của sinh viên đã bị gián đoạn trước khi trở lại vào tháng 7 với những lời kêu gọi lớn hơn cho một chính phủ và hiến pháp mới. Những người trẻ tuổi đã thành lập nhóm Ratsadon vì mục tiêu dân chủ và bình đẳng hơn trong xã hội Thái Lan.

Những người ủng hộ nhóm Ratsadon tin rằng Thái Lan có thể thay đổi theo hướng tốt hơn. Họ muốn thay đổi cấu trúc xã hội để phân cấp quyền lực, giảm bất bình đẳng và tạo nhiều cơ hội hơn cho những người Thái bình thường. Phong trào Ratsadon, có nghĩa là “mọi người”, được dẫn dắt bởi những người Thái trẻ tuổi, chỉ độ tuổi 20 đến 30 hoặc thậm chí trẻ hơn.

Hàng nghìn người thanh niên trẻ của phong trào Ratsadon tập trung ở Tượng đài Chiến thắng ở Bangkok

Hàng nghìn người thanh niên trẻ của phong trào Ratsadon tập trung ở Tượng đài Chiến thắng ở Bangkok

Sự thay đổi bất ngờ của nhà vua

Tuy nhiên, trong khi những người biểu tình kêu gọi cải cách chế độ quân chủ, vẫn có nhiều người tôn trọng và ủng hộ thể chế này. Với họ, Hoàng gia có khả năng thống nhất đất nước và khi cần, mang lại sự bình tĩnh và ổn định trong những thời điểm bất ổn chính trị. Do đó, với họ, người biểu tình được coi là đối tượng xấu, nguy hiểm và gây rối.

Bà Warong Dechgitvigrom, lãnh đạo nhóm bảo hoàng Thai Pakdee, cho biết: “Nhiều vấn đề họ nêu ra khá thực tế, có thể chấp nhận nếu giải quyết được. Nhưng mục tiêu của họ là lật đổ chế độ quân chủ, trong khi có hàng triệu người khác yêu mến, tôn kính và tin tưởng thể chế này. Cách họ làm cũng không thân thiện. Nếu muốn cải cách tốt hơn, bạn phải tỏ ra thân thiện, đưa ra đề xuất theo nguyên tắc và lý do chính đáng”.

Thai Pakdee, có nghĩa là “người Thái trung thành” được thành lập vào tháng 8 với mục đích bảo vệ 3 trụ cột của xã hội Thái Lan: Quốc gia, tôn giáo và chế độ quân chủ. “Chúng tôi hài lòng với chế độ quân chủ vì không gây hại cho người dân. Nếu muốn giải quyết các vấn đề, phải chỉnh sửa cơ cấu chính trị”, bà Warong nói.

Trong khi phong trào Ratsadon thúc đẩy 3 yêu cầu của họ, những người theo chủ nghĩa bảo hoàng cũng ngày càng xuống đường. Cùng với đó, Hoàng gia Thái Lan cũng xuất hiện trước công chúng nhiều hơn để thu hút người dân. Tại một số sự kiện này trong những tháng qua, những người ủng hộ chủ nghĩa bảo hoàng đã chụp ảnh với nhà vua, xin chữ ký và nắm tay ông. Sự gần gũi mang lại niềm vui cho nhiều người vì kiểu gần gũi này chưa từng được nhìn thấy kể từ khi ông lên ngôi 4 năm trước.

Trong những lần xuất hiện trước công chúng, Nhà vua Maha Vajiralongkorn cảm ơn những người ủng hộ vì lòng trung thành của họ và thỉnh thoảng hướng dẫn họ những việc cần làm. “Chúng ta phải phản đối những gì không đúng. Chúng ta phải giúp mọi người nhận ra đâu là sai, đâu là điều không tốt, đâu là tin bị bóp méo và đâu là tin giả”, ông nói trước công chúng tại Công viên Lumpini hôm 25-11.

Thông điệp của nhà vua tuy ngắn nhưng mang nhiều hàm ý. Các nhà phê bình coi đó là sự chứng thực của nhà vua đối với những người theo chủ nghĩa bảo hoàng nhằm phản lại những lời chỉ trích chống chế độ quân chủ đồng thời cho thấy ông muốn bác bỏ yêu cầu cải cách chế độ quân chủ của nhóm Ratsadon.

Theo bà Warong, những lần xuất hiện này là bằng chứng cho thấy Hoàng gia Thái Lan đang tự điều chỉnh để phù hợp với thời hiện đại và thu hẹp khoảng cách giữa chế độ quân chủ với người dân. Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng tin rằng, những người Thái vốn yêu mến và tôn trọng nhà vua nếu thấy ông bị những người biểu tình “bắt nạt” thì càng tăng thêm lòng trung thành của họ đối với chế độ quân chủ. “Tôi nghĩ phe đối lập đang lo lắng vì họ không nghĩ rằng nhà vua sẽ tự điều chỉnh để được người dân yêu mến và tôn thờ”, lãnh đạo nhóm bảo hoàng Thai Pakdee nói.

Nhìn vào đảo chính và những phức tạp trên chính trường

Ông Prajak Kongkirati, một nhà khoa học chính trị và giảng viên tại Đại học Thammasat ở Bangkok nhận định: “Ở một đất nước mà nền chính trị rất bất thường, phong trào sinh viên sẽ nổi lên, ông Prajak Kongkirati nói.

Thực tế là, nhiều thanh niên Thái lớn lên trong bối cảnh chính trị bất ổn và các cuộc biểu tình trên đường phố dẫn đến bạo lực. Họ cũng chứng kiến 2 cuộc đảo chính chỉ cách nhau 8 năm - lần đầu tiên vào năm 2006 và một cuộc khác sau đó vào năm 2014 - và 2 chính phủ được bầu cử dân chủ bị lật đổ.

“Chính sự bất thường này đã tạo nên ý thức chính trị cho những sinh viên này, không gì khác. Họ đặt câu hỏi tại sao đất nước của họ lại như thế này - bị mắc kẹt trong chu kỳ đảo chính, bị quân đội cai trị và tụt hậu so với các quốc gia khác”, ông Prajak Kongkirati phân tích.

Hiện tại, những người biểu tình cho biết “sẽ nghỉ ngơi” cho đến năm sau, nhưng phong trào của họ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.