Giải mã chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ trong thời kỳ "hiếu chiến" nhất

ANTD.VN - Việc cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD), hay còn gọi là lá chắn tên lửa, ngay sau khi vào Nhà Trắng đã gây sửng sốt dư luận quốc tế. Quyết định này của Mỹ có thể làm đảo lộn thế cân bằng hạt nhân đã được thiết lập từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô mà hòn đá tảng là Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM năm 1972).

Ba phương hướng chiến lược

Sau cuộc bầu cử năm 2000, Tổng thống George W. Bush đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Ronald Rumsfield có những cải cách trong Lầu Năm Góc và tiến hành Chiến lược chiến tranh thế kỷ 21 (của Mỹ).

Cơ cấu phòng thủ mới của Mỹ dựa vào 3 trụ cột chính: (1) Chủ nghĩa trung tâm Mỹ, có nghĩa là học thuyết sử dụng lực lượng vũ trang đề cao tối đa các lợi ích quốc gia, cả trong nhiều hoạt động chung với các nước liên minh. (2) Thống trị thế giới, hay khả năng tung lực lượng ở mọi nơi, mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh. (3) Duy trì ưu thế quân sự, hay nói cách khác là đảm bảo tính ưu việt thường trực của các lực lượng vũ trang Mỹ nhờ vào khoa học, công nghệ và các nguồn tài chính.

Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ George W. Bush (Nguồn: BBC)

Đây không phải là những ý tưởng mới. Nhiều chính quyền trước của Mỹ cũng đã ưu tiên một trong ba "trụ cột" quan trọng trên. Nhưng chưa bao giờ chúng được ưu tiên nhiều như vậy, tới mức mà người ta cho rằng đã có thay đổi trong tư tưởng chiến lược của Mỹ.

Cho dù ở đâu đi nữa, mục đích học thuyết quân sự của Mỹ vẫn là điều khiển lực lượng vũ trang ở nước ngoài tuân theo lợi ích an ninh cơ bản của Mỹ. Nhưng các mục tiêu chiến lược được giải thích với một luận điểm "cao quý" hơn, chẳng hạn như để tập trung bảo vệ nền dân chủ, đấu tranh chống chủ nghĩa cực quyền và giữ gìn hòa bình. Nếu các mục tiêu "cao quý" trên vẫn được thực hiện dưới thời Tổng thống George W. Bush thì chúng cũng xuất phát từ việc theo đuổi các lợi ích quốc gia.

Do không còn phải đương đầu với đe dọa toàn cầu nữa, nên giới lãnh đạo Mỹ cho rằng, không còn lý do gì để bắt lợi ích quốc gia phải núp bóng một dự án phòng thủ nào đó nữa. Năm 1999, Tổng thống Bush đã khẳng định: "Mỹ phải hiện diện trên toàn thế giới, nhưng không có nghĩa là lực lượng vũ trang Mỹ phải đối phó với mọi tình hình khó khăn về chính sách đối ngoại".

Theo ông, sử dụng lực lượng vũ trang là vì "lợi ích quốc gia thường trực". Hay nói cách khác, mọi hoạt động can dự của Mỹ phải phục vụ cho những mục tiêu cơ bản là: đảm bảo nguồn dầu lửa Vịnh Ả rập - Ba Tư, đảm bảo an ninh Israel và Đài Loan, trấn áp nạn buôn thuốc phiện tại Mỹ Latinh.

Thái độ và phản ứng bất ngờ

Chính sự ưu tiên cho lợi ích quốc gia này khiến Mỹ phải xem xét lại việc tham gia vào các chiến dịch đa bên duy trì hòa bình - điều mà ông Bush luôn cho là thứ yếu: "Điều động quá mức lực lượng vũ trang Mỹ vào các chiến dịch duy trì hòa bình, làm nảy sinh những vấn đề về tinh thần trong quân đội".

Trên thực tế, vấn đề về tinh thần thì ít mà phần nhiều vì những hoạt động này dường như không thúc đẩy được "lợi ích quốc gia thường trực" mà Bush rất quan tâm.

Tháng 8-2000, Phó Tổng thống Cheney cũng khẳng định trong chiến dịch tranh cử rằng: "Vấn đề là phải xác định các lợi ích chiến lược của chúng ta - những lợi ích đáng để huy động tiền và đáng để hy sinh mạng sống người Mỹ nếu cần".

Rõ ràng, nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình mà cựu Tổng thống Clinton đã làm không xuất hiện trong những phương hướng này. Chính vì thế, Mỹ đang xem xét lại việc tham gia vào lực lượng đa quốc gia tại Bosnia.

Một cách nhìn tương tự cho thấy quan điểm của chính quyền Mỹ về vấn đề vũ khí chống tên lửa (Dự án tên lửa phòng thủ quốc gia NMD). Nếu Tổng thống nhiều lần gợi ý rằng việc triển khai hệ thống này sẽ không chỉ có lợi cho Mỹ mà còn có lợi cho các nước đồng minh của Mỹ, thì người ta cũng thầy ở đây một lời giải thích khác.

Chính ông Bush đã để lộ khi khẳng định: "Bảo vệ Mỹ sẽ được ưu tiên hơn trong thế kỷ tới", mà theo ông, ở đây có hàm ý nói tới việc triển khai Hệ thống NMD sớm nhất có thể. Mỹ có phản ứng thận trọng và phòng thủ trước thái độ bất ngờ của những nước khác.

Qua những tuyên bố của chính giới Mỹ cho thấy, Chương trình NMD là một phần quan trọng của chiến lược tích cực và tấn công. Vô hiệu hóa tên lửa kẻ địch sẽ cho phép Tổng thống Mỹ tự do tấn công vào các "quốc gia bất trị" mà không sợ bị đánh trả bằng tên lửa đạn đạo được trang bị đầu đạn tên lửa hay các loại khác.

Điều này rõ ràng không được công khai nói ra, nhưng được thể hiện ngay trong những lời phát biểu của ông Rumsfeld. Theo ông, Mỹ rất có thể đã không tiến hành Chiến dịch "bão táp sa mạc" năm 1991 chống lại Iraq nếu biết rằng ông Hussein không có tên lửa liên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân, ông nói: "Nếu chúng tôi không triển khai các vũ khí chống tên lửa, thì trong cuộc đối đầu với các nước bất trị có tên lửa, có nhiều nguy cơ là chúng tôi phải thay đổi thái độ và không thể đảm bảo được lợi ích quốc gia".

Không chỉ có thái độ tự cho mình là trung tâm, mà Mỹ còn mong muốn tăng khả năng can thiệp của mình trên toàn thế giới. Chiến lược của Mỹ vẫn là ưu tiên cho khả năng tung lực lượng ra toàn cầu. Giới quân sự Mỹ coi Chiến tranh Lạnh là một cuộc chiến tranh toàn cầu đòi hỏi phải có phương tiện vũ khí để chống lại các lực lượng thù địch trên thế giới.

Do đó, các lực lượng vũ trang được cơ cấu tổ chức để đối phó với cuộc chiến tranh quy mô lớn tại Trung Âu, kéo theo là một số lượng lớn xe tăng, pháo binh... Vào thời kỳ đó, việc vận chuyển những loại vũ khí này không gây khó khăn: các căn cứ của Mỹ tại châu Âu cho phép dự trữ những vũ khí hạng nặng.

Cuộc Chiến tranh Lạnh chấm dứt khiến kế hoạch này cần được xem xét lại. Mỹ thấy không còn phải đối đầu với cuộc chiến tranh ồ ạt và lâu dài tại Trung Âu hay các nước khác nữa. Do vậy, Mỹ nghĩ tới phải tiến hành những chiến dịch ngắn hạn nhưng ác liệt tại nhiều khu vực khác nhau trên toàn cầu. Vì không thể triển khai vũ khí hay nhân lực mọi nơi, nên phải phát triển các vũ khí tấn công và các phương tiện vận chuyển nhanh từ chính các căn cứ đặt tại Mỹ.

Và điều này cũng không phải là mới. Nhưng phần lớn vũ khí của Mỹ đã lạc hậu và được sản xuất trong thời Chiến tranh Lạnh, hơn nữa rất khó vận chuyển. Đây là vấn đề đã gặp phải trong cuộc chiến tranh Kosovo: lực lượng vũ trang Mỹ đã vất vả khi vận chuyển những vũ khí hạng nặng. Sau chiến tranh Kosovo, các nhà hoạch định chiến lược Mỹ đã bầy tỏ mối quan tâm về vấn đề này.

Nếu được Quốc hội ủng hộ thì Tổng thống Bush sẽ dành nhiều ưu tiên cho các lực lượng chiến đấu linh hoạt và cơ động. Đối với bộ binh, điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt các đơn vị thiết giáp hùng hậu và thành lập những đơn vị nhỏ hơn, cơ động hơn.

Bù lại, các đơn vị này sẽ được trang bị đạn điều khiển có sức công phá lớn. Đối với hải quân, Mỹ ít sử dụng những phương tiện chiến tranh đồ sộ theo kiểu tàu sân bay mà sử dụng nhiều "chiến thuyền" nhỏ hơn, khó bị phát hiện hơn và được trang bị các loại tên lửa điều khiển.

Không quân ít bị thay đổi vì tính cơ động của nó, nhưng cũng tăng khả năng tiếp dầu trên không và vận chuyển đường dài.

Tóm lại, như Tổng thống Bush phát biểu ngày 13-2-2001 thì mục tiêu là làm cho lực lượng bộ binh "nhẹ hơn và hiệu quả hơn", lực lượng không quân "đánh với độ chính xác cao mọi nơi trên toàn thế giới" và lực lượng hải quân "có khả năng hành động trên cả đất liền".

Nỗ lực kéo theo những thay đổi lớn trong chương trình trang bị vũ khí của Mỹ và làm cho nhiều giới công nghiệp bất bình. Do đó, sẽ có nhiều phản kháng, tuy nhiên, chính quyền mới kiên quyết đổi mới lực lượng đồng thời trang bị vũ khí chiến đấu cho các lực lượng này để chiến thắng ở mọi nơi, nhất là tại Đông Á.