Giải mã các hoạt động chống khủng bố của Mỹ được tăng cường ở Philippines

ANTD.VN - Các chiến binh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau khi bị đánh bật khỏi Syria và Iraq đã tìm cách lẩn trốn sang những vùng đất khác, trong đó có miền Nam Philippines. Lo ngại về nguy cơ đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang âm thầm tăng cường các hoạt động chống khủng bố ở quốc đảo Thái Bình Dương này.

Lực lượng an ninh Philippines tiếp quản một nhà thờ ở Marawi sau khi giành lại kiểm soát từ tay phiến quân theo IS

Số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho thấy, các chiến binh người nước ngoài có liên quan đến IS ngày càng tăng lên ở mức độ chưa từng có tại Đông Nam Á, đặc biệt là các nhóm thánh chiến đóng tại vùng Mindanao, khu tự trị Hồi giáo miền Nam Philippines. Mới đây, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ đưa Philippines vào danh sách 5 quốc gia có nhiều vụ tấn công khủng bố nhất. Theo đánh giá mới nhất về hoạt động khủng bố trên toàn cầu, Philippines cùng với Afghanistan, Ấn Độ, Iraq và Pakistan là những nơi chiếm gần 60% vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới trong năm 2017. 

Mối đe dọa không thể xem thường

“IS, Al-Qaeda và các chi nhánh của chúng đã chứng minh về sự dai dẳng, quyết đoán và thích nghi. Chúng đã điều chỉnh để làm tăng lên áp lực chống khủng bố ở Iraq, Syria, Somalia và các nơi khác. Các chiến binh khủng bố nước ngoài đang hồi hương từ khu vực chiến tranh ở Iraq và Syria hoặc đến các nước thứ ba để gia nhập các chi nhánh của IS  ở đó”, ông Nathan Sales, điều phối viên chống khủng bố hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Khi kế hoạch dựng lên một Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông sụp đổ, các chiến binh nước ngoài đã tìm những nơi khác để chiến đấu chống lại phương Tây, bao gồm chính sân sau của họ, ông Greg Poling, nhà phân tích châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết. “Khi chúng ta giành chiến thắng trên thực địa ở Iraq và Syria, IS sẽ phân tán sang các khu vực khác trên toàn cầu, bao gồm Đông Nam Á. Miền Nam Philippines vẫn là khu vực không có chính quyền kiểm soát”, chuyên gia Poling nói.

“Mối đe dọa lớn nhất của chúng ta hiện nay thực sự là IS. Đó là ảnh hưởng của IS đối với các nhóm phiến quân địa phương như nhóm Maute, Chiến binh Hồi giáo Tự do Bangsamoro ở miền Trung Mindanao và Abu Sayyaf ở miền Tây Mindanao… Chúng tuyên bố nhận trách nhiệm mọi thứ, ngay cả khi không liên quan đến những gì xảy ra ở Manila. Chúng làm điều đó để phô trương thanh thế và cho thấy chúng vẫn ở đó”.  

Tướng Carlito Galvez Jr (Tổng tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang Philippines)

Mối đe dọa đó bùng nổ hồi tháng 5-2018 khi các thành viên của nhóm Maute - một phe tách ra từ Tổ chức Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro vốn cam kết trung thành với IS, giành quyền kiểm soát thành phố Marawi ở Philippines trong 3 tháng. Các tấm biểu ngữ màu đen của IS xuất hiện ở Marawi - thành phố đầu tiên ở Đông Nam Á bị quân IS chiếm đóng cho đến tháng 11, khi các lực lượng an ninh Philippines, được tình báo và không quân Mỹ hỗ trợ đã giành lại quyền kiểm soát.

Mặc dù các thủ lĩnh cấp cao của nhóm Maute bị tiêu diệt sau trận chiến ở Mawari, bao gồm thủ lĩnh hàng đầu là Isnilon Hapilon, mục tiêu chính của các chi nhánh thuộc nhóm này trong khu vực vẫn là thiết lập một quốc gia Hồi giáo ở Đông Nam Á, đóng đô ở miền Nam Philippines. Chuyên gia Poling phân tích, các chi nhánh sẽ cố chiếm giữ lãnh thổ để lập nên cái gọi là vương quốc Hồi giáo mới. “Đó là một yêu cầu nếu muốn trở thành một chi nhánh của IS và chúng đã làm điều đó ở Marawi. Chúng đã kiểm soát một thành phố lớn của Philippines trong 6 tháng, điều nằm ngoài khả năng của chúng”.

 “Mối đe dọa lớn nhất của chúng ta hiện nay thực sự là IS” - Tướng Carlito Galvez Jr, Tổng tham mưu trưởng Các Lực lượng vũ trang phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội hồi cuối tháng 8-2018. Ông trích dẫn ảnh hưởng của IS đối với các nhóm phiến quân địa phương như nhóm Maute, Chiến binh Hồi giáo Tự do Bangsamoro ở miền Trung Mindanao và Abu Sayyaf ở miền Tây Mindanao. Nhưng vị tướng này cũng cảnh báo về việc IS tuyên bố trách nhiệm đối với mọi hành động bạo lực, ngay cả khi nó không nhúng tay vào. “Chúng tuyên bố nhận trách nhiệm mọi thứ, ngay cả khi không liên quan đến những gì xảy ra ở Manila. Chúng làm điều đó để phô trương thanh thế và cho thấy chúng vẫn ở đó” , ông nói với các phóng viên hồi tháng trước.

Binh sĩ Mỹ tiếp tục hiện diện tại Philippines, tập trung vào việc ngăn chặn hơn là phản ứng nhanh trước các cuộc tấn công khủng bố

Mảnh đất màu mỡ

Lực lượng Hồi giáo nổi loạn ở Mindanao, miền Nam Philippines từ lâu đã là một mối quan ngại cho Manila và Washington. Các nhóm liên kết với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda như Abu Sayyaf và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro đã thực hiện chiến lược chiến tranh du kích kéo dài hàng thập kỷ để đòi quyền độc lập, chống lại Nhà nước Philippines. Cuộc chiến đã lên đến đỉnh điểm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Thực tế, không phải là Afghanistan hay Iraq, mà miền Nam Philippines mới là nơi lực lượng an ninh Mỹ phát động cuộc tấn công chống khủng bố lớn đầu tiên trong giai đoạn hậu thảm kịch 11-9 chống lại Al-Qaeda. Chiến dịch Duy trì Tự do - Philippines đã được phát động chỉ 3 tháng sau khi quân đội Mỹ bắt đầu không kích ở Afghanistan. Lực lượng đặc nhiệm tại    Philippines đã giải thể vào tháng 2-2015, nhưng các binh sĩ Mỹ vẫn lặng lẽ sát cánh cùng quân đội Philippines khi chiến đấu với các nhóm thánh chiến nhanh chóng quay sang ủng hộ IS.

Manila dường như đã đạt được một bước đột phá trong năm 2015 khi thiết lập kế hoạch hòa bình Bangasomoro với Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro và các chi nhánh Al-Qaeda cố thủ khác. Nhưng kế hoạch nhanh chóng bị đình trệ trong năm này khi 44 cảnh sát Philippines bị sát hại trong một cuộc đột kích chống khủng bố tại Mamasapano thuộc tỉnh Maguindanao, phía Nam Philippines. Sự việc khiến dư luận trở nên nghi ngờ về khả năng thiết lập hòa bình của Chính phủ và nghịch lý là, nó giống như một tiếng vang khuyến khích các đối tượng tham gia lực lượng nổi dậy.

Đẩy nhanh kế hoạch hợp tác chống khủng bố

Lầu Năm góc đã huy động 16 triệu USD trong năm tài chính 2017 dành cho chiến dịch mới chống khủng bố ở miền Nam Philippines. Hiện tại, nhiệm vụ của đội quân này cũng giống như lực lượng đặc nhiệm đã giải thể là cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ không quân cho quân đội Philippines, nhưng các quan chức tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ cùng Lầu Năm góc được cho là đang soạn thảo Chỉ thị về mở rộng chiến dịch.

Khoảng 200 - 300 binh sĩ Mỹ đang thực hiện vai trò cố vấn ở Philippines, theo số liệu được Lầu Năm góc cung cấp. Quan chức Mỹ cho biết, dù có sứ mệnh mới thì việc triển khai quân khó có thể phát triển thêm và quân đội Mỹ sẽ tập trung vào việc ngăn chặn hơn là phản ứng nhanh trước các cuộc tấn công khủng bố. Quân đội Philippines đã chủ động hơn nhiều so với trước và họ cũng được trang bị tốt hơn bất kỳ nhóm thánh chiến nào ở miền Nam đất nước. Tháng 5-2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đặt toàn bộ đảo Mindanao ở tình trạng thiết quân luật và tiếp tục duy trì đến cuối năm nay cũng như có thể kéo dài sang năm sau. 

Hãng tin AP ngày 1-10 đưa tin, sau cuộc họp cấp cao tại Manila, quan chức hàng đầu Lầu Năm góc và các đối tác Philippines đã đồng ý tăng cường các cam kết quân sự giữa hai đồng minh lâu năm, trong nỗ lực nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với quốc gia Thái Bình Dương này. Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Carlito Galvez và Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Hạm đội Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ đã nhất trí về kế hoạch tăng số lượng “các hoạt động an ninh chung” giữa 2 nước từ 261 lên 281 hoạt động mỗi năm. Trong số đó, 20 hoạt động quân sự bổ sung sẽ tập trung vào lĩnh vực chống khủng bố, viện trợ nhân đạo và an ninh hàng hải.