Giải mã âm mưu của đối tượng khủng bố sát hại các nhà ngoại giao Mỹ ở Colombia

ANTD.VN - Một công dân Cuba hồi cuối tháng 3-2018 đã xuất hiện tại Tòa án Colombia vì âm mưu khủng bố nhằm sát hại các nhà ngoại giao Mỹ tại Thủ đô Bogota nhân danh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Điều gì đã lôi cuốn đối tượng này tham gia IS và sẵn sàng đánh bom tự sát ở một quốc gia Nam Mỹ?

Raúl Gutiérrez (43 tuổi), đã không nhận bất cứ tội danh bị cáo buộc nào liên quan đến âm mưu cùng một nhóm phần tử IS đánh bom một nhà hàng ở khu vực Zona Rosa (Pink Zone) - địa điểm yêu thích của nhiều nhân viên Đại sứ quán và khách nước ngoài ở Thủ đô Bogota, Colombia. Dù vậy, Thẩm phán đã phán quyết, nghi can bị tạm giam mà không được bảo lãnh cho đến khi phiên xử chính thức diễn ra.

Bộ trưởng Tư pháp Colombia cho hay, lực lượng thực thi pháp luật quốc tế đã có rất nhiều bằng chứng, bao gồm các cuộc trao đổi qua điện thoại và trên mạng Internet cho thấy Gutiérrez đã kêu gọi và gửi tin nhắn văn bản được mã hóa cho ít nhất 3 thành viên khác ở Morocco và Tây Ban Nha trong vài tuần kể từ đầu tháng 2-2018. Nhà chức trách vẫn đang truy tìm các nghi can này. Tang vật được tìm thấy là tiền do IS tài trợ cùng số vật liệu nổ được sử dụng như một phần cuộc tấn công tự sát.

Gutiérrez đã từng xin vào làm nhân viên phục vụ tại quán cà phê là mục tiêu của vụ tấn công dự kiến thực hiện vào giữa tháng 3-2018. 

Giải mã âm mưu của đối tượng khủng bố sát hại các nhà ngoại giao Mỹ ở Colombia ảnh 1Raul Gutierrez - nghi can âm mưu sát hại các nhà ngoại giao Mỹ ở Colombia bị đưa ra tòa xét xử ngày 16-3

Ngọn nguồn của sự thù địch

Trong vụ việc này, điều đáng chú ý nhất là Gutiérrez là công dân Cuba chỉ vừa mới chuyển sang đạo Hồi. Tại sao một người đàn ông có nguồn gốc từ “Hòn ngọc của vùng biển Caribbean” lại tham gia vào đội quân khủng bố khét tiếng ở Trung Đông với những hành vi giết người không thương tiếc và phá hủy nhiều di tích khảo cổ có một không hai trên thế giới? “Điều này thật đáng ngạc nhiên bởi khu vực Mỹ Latinh không có truyền thống Hồi giáo và nhìn chung, nền văn hóa khác xa so với Hồi giáo cực đoan. Tinh thần của người Caribê không phù hợp với tư tưởng của IS”, bà Hernando Zuleta, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Ma túy (CESED) nhận định. 

Các nhà điều tra đã tìm đến ngọn nguồn hành vi cực đoan của  Gutiérrez. Trước khi tự nhận là “phần tử thánh chiến” trên trang mạng xã hội, công dân Cuba từng sống ở Mỹ này hay bàn đến các chủ đề chống Mỹ trên Internet. Theo Hãng tin AP, trả lời thẩm vấn tại tòa,     Gutiérrez nói rằng ông ta muốn dành tâm sức để chiến đấu với nước Mỹ hùng mạnh và cho “trật tự thế giới mới”.

Chuyên gia Zuleta của CESED cho rằng mục tiêu tấn công có thể nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Bogota vì Colombia là đồng minh lâu năm nhất của Mỹ trong khu vực. 

Mánh khóe tuyển dụng của IS

Các nhóm khủng bố hoạt động ở Nam Mỹ xưa nay thường do Iran và Hezbollah hậu thuẫn, nhưng vụ việc này đánh dấu sự xâm nhập đầu tiên của IS vào Colombia, và có thể không phải là cuối cùng. “Bất kỳ chi nhánh mới nào của IS cũng sẽ tìm thấy cơ hội lớn ở châu Mỹ Latinh khi chúng có thể có được doanh thu bất hợp pháp cùng các loại vũ khí quân sự từ nguồn sẵn có là sản xuất, buôn lậu ma túy với tất cả các băng nhóm tội phạm đều được vũ trang”, Tiến sĩ Robert Bunker, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc trường Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ trả lời trong một cuộc phỏng vấn. 

“Bất kỳ chi nhánh mới nào của IS cũng sẽ tìm thấy cơ hội lớn ở châu Mỹ Latinh khi chúng có thể có được doanh thu bất hợp pháp cùng các loại vũ khí quân sự từ nguồn sẵn có là sản xuất, buôn lậu ma túy với tất cả các băng nhóm tội phạm đều được vũ trang”.

Tiến sĩ Robert Bunker(Viện Nghiên cứu Chiến lược, trường ĐH Chiến tranh Quân đội Mỹ)

Ông Robert Bunker chỉ ra rằng khu vực này nhiều nơi trong tình trạng “ngoài vòng pháp luật”, nên những kẻ phạm tội không bị trừng phạt. “Việc tuyển dụng của IS có thể được thực hiện ở những khu vực này cũng như trong các khu ổ chuột hay khu rừng già không còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền”, ông Bunker nói. Thực tế, kẻ âm mưu đánh bom Gutiérrez đã từng 2 lần bị trục xuất khỏi Colombia trong thời gian gần đây. Đầu năm 2018, đối tượng đã quay lại Colombia lần thứ ba bằng con đường bất hợp pháp qua biên giới phía Nam giáp Ecuador.  

Tiến sĩ Anne Speckhard, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan bạo lực quốc tế (ICSVE) cho rằng, IS áp dụng chiến thuật tuyển dụng ngày càng tinh vi, phần lớn do cơ chế thông tin phản hồi ngay lập tức trên phương tiện truyền thông xã hội.

Khi phát hiện ai đó tìm tài liệu về IS, các nhà tuyển dụng của tổ chức này tìm cách để người đó quan tâm nhiều hơn, đáp ứng mọi nhu cầu và cuối cùng là kiểm soát họ. Những người chống đối Mỹ như Gutiérrez cũng chính là đối tượng “săn đầu người” của IS - vốn rất giỏi trong việc thu hút những người đưa ra thông điệp về lòng căm thù đối với phương Tây”, Tiến sĩ Speckhard nói. 

Tình báo cũng có thể bị vô hiệu hóa

Chuyên gia an ninh Zuleta của Colombia đồng ý rằng trường hợp của Gutiérrez làm dấy lên vấn đề ngăn chặn IS xâm nhập vào cửa sau của châu Mỹ: “Thật khó vì không có cộng đồng Hồi giáo cực đoan ở đây và vì kẻ âm mưu khủng bố người Cuba không phải là người Hồi giáo. Điều này cho thấy rằng hoạt động tình báo ở đây có thể là vô dụng”.

Việc tăng cường thu thập thông tin ở đây gặp khó khăn do Nam Mỹ có nhiều khu vực rộng lớn còn hoang sơ với các vùng biên giới chưa được kiểm soát. Tiến sĩ Robert Bunker cho rằng, khả năng cảnh báo sớm từ các mạng lưới tình báo và người cung cấp thông tin luôn được ưu tiên nhưng không phải lúc nào đó cũng là giải pháp mang tính thực tế.  

Bên ngoài Tòa án Colombia, Gutiérrez tuyên bố rằng những người khác sẽ tiếp tục cuộc chiến mà ông ta bị gạt ra khi khẳng định: “Hạt giống đã được trồng”. Làm thế nào để giữ cho hạt giống đó không trở thành cái cây thù hận? Giải pháp chỉ có thể là giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới như nghèo đói hay thiếu cơ sở hạ tầng. “Một phương pháp tiếp cận bằng trái tim và khối óc nhằm ngăn chặn sự lây lan của IS ở châu Mỹ Latinh cần phải tập trung vào các cơ hội giáo dục và kinh tế cũng như an ninh cơ bản, để nhân quyền và tự do ở những khu vực còn nghèo được bảo vệ”, chuyên gia Bunker nói.

“Âm mưu khủng bố ở Colombia là một dấu hiệu cho thấy những điều sắp xảy ra. Có thể dự báo rằng IS sẽ sử dụng những con người có cảm xúc và tâm thần không ổn định cũng như tín đồ Hồi giáo trong các vụ tấn công nhằm vào người phương Tây bằng súng ngắn, xe cộ hay bất cứ thứ gì đơn giản nhưng có thể gây sát thương lớn. IS muốn như vậy để có thể thu hút thêm nhiều người”.

Tiến sĩ Anne Speckhard (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan bạo lực quốc tế - ICSVE)