Giai đoạn 2016-2020: Đề xuất vốn đầu tư gấp… 30,5 lần năm 2015

ANTĐ -Giai đoạn 5 năm tới (2016-2020), dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước đạt 1.846.000 tỷ đồng song tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển do các bộ, ngành và địa phương đề xuất lên tới khoảng 4.000.000 tỷ đồng, gấp 30,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn.

Sáng nay, 7-3, tại phiên họp thứ 46 khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến các báo cáo về: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Báo cáo về kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, giai đoạn 2011-2015, việc huy động vốn toàn xã hội chỉ đạt khoảng 31,7% GDP, không đạt mục tiêu đề ra (33,5-35%). Mặt khác, việc chấn chỉnh đầu tư công tuy đạt một số kết quả nhưng một số bộ ngành và địa phương vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán; chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư vẫn còn bất cập…

Đáng chú ý, căn cứ khả năng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và mức bội chi ngân sách, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn này là 1.846.000 tỷ đồng. Tuy vậy, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước do các bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 4.000.000 tỷ đồng, gấp 30,5 lần kế hoạch năm 2015 và gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn 5 năm 2016-2020.

Do vậy, việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 phải dựa trên các nguyên tắc chặt chẽ, đó là phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển; tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; ưu tiên bố trí vốn cho các vùng miền, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã trình bày báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, 2 tháng đầu năm 2016, tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước tiếp tục ổn định, giá cả thị trường ít biến động, thu hút FDI tiếp tục đạt được những kết quả tích cực…

Về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm là 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%...