- Khách du lịch đeo khẩu trang phòng virus corona, khám phá Thủ đô Hà Nội
- Nhiều lý do thuyết phục khiến các gia đình đi du lịch giữa mùa Covid-19
- Việt Nam tổng lực chống "giặc" Covid-19
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, sự ra mắt của Liên minh kích cầu du lịch cùng chuỗi cac chương trình kích cầu du lịch Việt Nam là hoạt động kịp thời nhằm phục hồi một cách nhanh nhất có thể những "khủng hoảng" mà dịch bệnh Covid-19 gây ra đối với du lịch Việt Nam. Theo đó, lượng khách quốc tế đến trong tháng 2 và 3 dự kiến giảm trên 60%, khách nội địa có thể giảm đến 80%. Tỉ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20%-50% so với cùng kỳ năm ngoái; các điểm đến Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh sụt giảm 50% lượng khách...
Liên minh kích cầu có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch, hàng không, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm lớn và uy tín như: Hanoitourist, Saigontourist, Vietravel, Vietnam Travelmart, Thế Hệ Trẻ TP HCM, Hanoi Redtours, Vietrantour, Vietnam Airlines... Dự kiến, giai đoạn đầu của các hoạt động hợp tác sẽ kéo dài đến hết tháng 6, sau đó tùy điều kiện cụ thể để địa phương điều chỉnh cho phù hợp. Hiệp hội không hạn chế số lượng doanh nghiệp tham gia.
Ghềnh đá đĩa Phú Yên- một điểm đến không thể bỏ qua
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã ban hành tiêu chí du lịch an toàn với Covid-19. Bộ tiêu chí này đưa ra các điều kiện đối với điểm đến du lịch an toàn, doanh nghiệp du lịch an toàn, dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí an toàn, dịch vụ ăn uống và hàng hóa an toàn, dịch vụ vận chuyển an toàn. “Điều quan trọng nhất khi kích cầu du lịch chính là đưa khách đến các điểm du lịch an toàn, đánh mạnh vào ý thức, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Hanoitourist, cho rằng cần phải giải tỏa tâm lý cho khách trong giai đoạn này và hâm nóng thị trường du lịch. "Xét tình thế hiện nay, du lịch Việt Nam có thể trông cậy vào kích cầu du lịch nội địa. Người Việt hơn ai hết hiểu rõ về từng điểm đến, tình hình dịch bệnh và tiến trình kiểm soát dịch bệnh ở địa phương, cho nên du lịch nội địa là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn suy giảm khách nghiêm trọng" - ông Thắng đề nghị.
Ông Phùng Quang Thắng, thay mặt doanh nghiệp lữ hành cam kết đồng hành với các cơ quan đưa du lịch thoát dịch. Với tư cách Phó Ban Chủ nhiệm Liên minh kích cầu, ông thể hiện khát vọng truyền thông điệp “Việt Nam là điểm đến an toàn”. Nhu cầu du lịch trong nước rất lớn, nhưng khách vẫn băn khoăn nên trước hết phải giải tỏa tâm lý.
Sở dĩ bốn điểm đến Bình Định, Phú Yên, Gia Lai và Đắk Lắk này được chọn đầu tiên làm điểm đến an toàn vì chưa có trường hợp nhiễm virus, lại cam kết đảm bảo quy trình an toàn cho du khách.
Tây Nguyên đại ngàn luôn hấp dẫn du khách với những nét hoang sơ
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai cho biết, 90% khách về tỉnh là khách nội địa nên người dân có thể an tâm hơn khi đến Gia Lai và Tây Nguyên. Cùng với các sản phẩm an toàn, Liên minh kích cầu du lịch cũng xây dựng chuỗi các sản phẩm có giá tốt, song hành là nâng cao chất lượng dịch vụ. Đại diện Sở VHTT&DL Phú Yên thông tin, giá phòng lưu trú, dịch vụ ở Phú Yên tương đối thấp, tuy nhiên chính quyền và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ở đây đều cam kết giảm giá từ 20-30% để tham gia liên minh. Phú Yên có khoảng hơn 4 nghìn phòng lưu trú, nhiều điểm đến đang tiếp tục được nâng cấp. Gềnh Đá Đĩa, Bãi Môn-Đại Lãnh luôn nằm trong số điểm thu hút, Sở Phú Yên cho biết còn nhiều điểm đến hấp dẫn và hoang sơ khác.
Ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam thông tin thêm: "Có thể giảm giá tối thiểu ở mức 20% và tối đa là 80% các sản phẩm, dịch vụ tùy DN. Chúng tôi luôn khuyến khích các DN giảm giá càng nhiều càng tốt. Ngày hôm nay chúng tôi đã nhận được cam kết của những hãng hàng không giảm giá đến 40%, có những tuyến giảm 50%".