“Giải cứu” đại dương

ANTĐ - Đại dương mênh mông vốn không chỉ là "lá phổi" lớn nhất của hành tinh mà còn mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho cuộc sống của con người song lại đang chịu nhiều mối đe doạ nghiêm trọng.

Trong thông điệp gửi tới Hội nghị quốc tế "Đại dương - tương lai của chúng ta" do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá LHQ (UNESCO) tổ chức ngày 11-4 tại Paris (Pháp), Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy hành động mạnh mẽ bảo vệ các đại dương trên Trái đất. Ông cảnh báo, ô nhiễm, khai thác quá mức, biến đổi khí hậu và acid hoá đang đe doạ các đại dương - nền móng của sự sống và kinh tế toàn cầu.

Lời kêu gọi cấp bách của người đứng đầu LHQ được đưa ra khi những báo cáo nghiên cứu gần đây cho thấy biển vốn chiếm 2/3 tổng diện tích bề mặt Trái đất đang phải đứng trước nhiều mối đe doạ nghiêm trọng. Trong đó, sự gia tăng dân số, sản xuất công nghiệp, hoá chất, nạn xả thải bừa bãi... đang khiến các đại dương ngày càng bị ô nhiễm nặng nề.

Các nhà nghiên cứu ước tính việc môi trường đại dương ô nhiễm, nếu không có những cải cách tích cực, sẽ khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại ít nhất 428 triệu USD mỗi năm trong vòng 40 năm và con số này sẽ tăng lên 2.000 tỷ USD/năm vào năm 2100. Tuy nhiên, nếu thế giới có biện pháp tích cực nhằm giảm ô nhiễm đại dương, thiệt hại kinh tế vào năm 2100 có thể giảm xuống còn 600 tỷ USD, tiết kiệm cho kinh tế toàn cầu 1.400 tỷ USD so với kịch bản trên cơ sở thực trạng hiện nay.

Hải sản hiện là nguồn thực phẩm cung cấp ít nhất 15% protein cho con người, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng 200 triệu người trên thế giới với giá trị hàng năm lên tới gần 100 tỷ USD. Song nguồn lợi to lớn này đang bị đe doạ khi có tới 30% nguồn cá bị khai thác cạn kiệt và 50% đang bị khai thác ở mức tối đa. 

Biến đổi khí hậu và acid hoá cũng khiến chúng ta phải lo lắng cho tương lai các đại dương. Hiện nay các đại dương toàn cầu đang hấp thu tới 30% lượng carbon dioxide (CO2) thải vào khí quyển từ đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, đồng thời cung cấp trở lại cho bầu khí quyển tới 50% lượng oxygen cần thiết cho sự sống trên Trái đất.

Dự báo biến đổi khí hậu sẽ làm nước biển dâng cao khoảng 1m vào cuối thế kỷ này và 5,5m vào năm 2500 tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Trong khi đó, theo tính toán, nếu nước biển tăng thêm 1m thì các khu vực trên sẽ mất 1% diện tích đất, 14,7% các đảo nhỏ chính sẽ bị nhấn chìm, đe dọa sự sống của nhiều loài sinh vật. Nếu nước biển tăng thêm 5,5m vào năm 2500 như dự đoán thì diện tích đất bị xâm thực sẽ lên khoảng 9,3%, đe dọa nghiêm trọng tới hầu hết các loài động vật và cả cư dân trên các hòn đảo.

Vì thế, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh cần phải có các hành động cấp bách ở cấp độ quốc gia và toàn cầu để bảo vệ các đại dương. Ông nêu rõ các đại dương đang nóng lên và tình trạng acid hóa đang ảnh hưởng xấu tới môi trường sống của các loài thủy sản, trong khi sự gia tăng mực nước biển đang đe dọa vẽ lại bản đồ thế giới, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm triệu người, từ đây tác động không nhỏ tới sự sống của Trái đất và nền kinh tế toàn cầu.