Giải cứu 84 nạn nhân của thủ đoạn ‘việc nhẹ lương cao’ về nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáu tháng đầu năm 2024, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã giải cứu 84 nạn nhân của thủ đoạn ‘việc nhẹ lương cao’, đưa về nước an toàn.

Trung tá Phan Văn Yên, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Hà Tĩnh cho biết, trong vòng hơn 1 năm, lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh đã giải cứu thành công 93 nạn nhân bị bán sang các “động quỷ” ở khu vực biên giới 3 nước Lào, Thái Lan, Myanmar. Trong số này, có nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài khi mới 11 tuổi.

BĐBP Hà Tĩnh giải cứu thành công, đưa các nạn nhân về nước

BĐBP Hà Tĩnh giải cứu thành công, đưa các nạn nhân về nước

Thời gian gần đây, tội phạm mua bán người càng có nhiều diễn biến phức tạp. Chỉ riêng từ đầu năm 2024 đến nay, BĐBP Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp giải cứu 84 nạn nhân từ nạn mua bán người. Nạn nhân chủ yếu dính bẫy từ “việc nhẹ, lương cao”, thậm chí bị bắt cóc.

Đơn cử như 2 nạn nhân được BĐBP Hà Tĩnh phối hợp với Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu vào ngày 8/5 vừa qua. 1 người là 1 nam giới (SN 1995, quê ở tỉnh Bắc Ninh) và 1 là nữ (SN 1992, quê ở tỉnh Kiên Giang).

Thông qua mạng xã hội, các đối tượng đã dụ dỗ 2 người này làm hộ chiếu để xuất cảnh sang Lào làm việc. Tại đây, cả hai được đưa đến một khu kinh tế ở bên kia biên giới làm việc với hình thức lập các tài khoản ảo lừa đảo qua mạng để chiếm đoạt tài sản.

Mỗi ngày, nạn nhân phải làm việc từ 13 đến 18 tiếng, nếu không đủ chỉ tiêu sẽ bị bạo hành, không trả lương. Nếu các nạn nhân muốn trở về Việt Nam gia đình phải trả từ 150 - 200 triệu đồng.

Hình ảnh công dân Việt Nam bị các đối tượng tra tấn bằng hình thức chích điện vì không làm được việc

Hình ảnh công dân Việt Nam bị các đối tượng tra tấn bằng hình thức chích điện vì không làm được việc

Thủ đoạn của các đối tượng là vẽ ra những công việc nhẹ nhàng, kiếm được nhiều tiền nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Ban đầu, chúng dạy cho lao động các chiêu thức lừa đảo và trả công cho lao động 60-70 triệu đồng/tháng để nhử mồi. Sau đó, các đối tượng tìm mọi cách bòn rút hết số tiền lao động kiếm được.

Một số lao động, khi không kiếm được tiền sẽ bị biến thành “con nợ” bằng cách ăn, uống, sử dụng dịch vụ của công ty với giá cắt cổ. Những “con nợ” này bị đánh đập, chích điện, hành hạ, yêu cầu liên lạc với người thân để đòi tiền chuộc. Một số gia đình nạn nhân đã phải vay ngân hàng chuyển sang cho các đối tượng từ 200-300 triệu đồng.

Người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh “sập bẫy” các đối tượng qua mạng xã hội theo hình thức “việc nhẹ, lương cao”, không nên tin lời dụ dỗ của người lạ. Nếu biết mình bị đưa vào ổ nhóm thực hiện hành vi phạm pháp cần tìm cách cầu cứu lực lượng chức năng.

Đặc biệt, người dân Việt Nam đang làm ăn, sinh sống, du lịch ở bên kia biên giới, nếu phát hiện đồng bào mình bị mắc kẹt ở các địa điểm nhạy cảm thì liên hệ với cơ quan chức năng để có phương án giải cứu.