Giải cơn khát nước ngọt

ANTĐ - Singapore - một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới phải nhập khẩu nước ngọt - đang cố tự chủ nguồn cung cấp nước ngọt dù phải đầu tư và chi phí khá đắt đó.

Bên trong nhà máy lọc nước biển Tuaspring

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) đã cùng các quan chức cấp cao nước này nhấn nút khởi động nhà máy lọc nước biển Tuaspring với công suất 70 triệu gallon (1 gallon bằng 3,785 lít) nước ngọt/ngày. Nhà máy có thể hoạt động trong vòng 25 năm này cũng là nhà máy lọc nước biển lấy nước ngọt thứ 2 ở Singapore, quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nước ngọt nhập từ Malaysia. 

Nhà máy Tuaspring được khởi công xây dựng từ năm 2011 trên diện tích 14 ha ở Tuas thuộc miền Tây Singapore với vốn đầu tư 1,05 tỷ đô la Singapore (855 triệu USD). Do công nghệ khử muối trong nước biển rất tốn năng lượng nên Singapore phải xây riêng 1 nhà máy điện turbin khí chuyên cung cấp điện cho nhà máy này.

Trước Tuasping, nhà máy lọc nước biển Singspring đầu tiên của Singapore đi vào hoạt động năm 2005, cung cấp 30 triệu gallon (khoảng 113,5 triệu lít) nước ngọt một ngày, chiếm khoảng 3% lượng nước ngọt của nước này. Như vậy, với 2 nhà máy lọc nước biển, Singapore từ nay đã có thể tự chủ đảm bảo 10% tổng nhu cầu nước ngọt 400 triệu gallon nước ngọt mỗi ngày của đất nước.

Singapore là một trong số rất ít quốc gia trên thế giới phải nhập khẩu nước ngọt. Sau khi tách ra khỏi Malaysia để trở thành một quốc gia độc lập. 

Singapore đã phải ký 2 hiệp ước song phương với Malaysia về mua bán nước ngọt chưa qua xử lý và một trong 2 hiệp ước này đã hết hiệu lực vào năm 2011, hiệp ước còn lại sẽ hết hiệu lực  vào năm 2061. 

Trong quá trình đàm phán về hiệp ước mới, phía Malaysia đã đưa ra yêu cầu tăng giá 15-20 lần đối với nước ngọt xuất khẩu sang Singapore. Nhằm đối phó với thách thức khan hiếm nước ngọt cũng như nắm càng nhiều càng tốt sự chủ động trong việc đảm bảo nguồn tài nguyên quý giá này, Singapore đã có những giải pháp cũng như đầu tư rất lớn để tăng nguồn cung cấp.

Nằm ở vùng xích đạo, có lượng mưa lớn trong năm song điều trớ trêu là với diện tích nhỏ gần 700 km2, trong đó nhiều đảo nhỏ, nên Singapore không có những nơi trữ nước ngọt tự nhiên như ao hồ hay sông suối. Bởi thế, một trong những giải pháp tăng nguồn cung đầu tiên dành ra một diện tích khá lớn của đất nước để xây dựng hệ thống hứng, thu gom nước mưa trữ trong 17 bể của cả nước. Nguồn nước mưa này đáp ứng được 1/5 nhu cầu về nước ngọt của Singapore.

Giải pháp thứ hai là tái sử dụng nước thải. Singapore có 5 cơ sở tái chế nước thải, trong đó nước thải được lọc qua các màng mỏng để loại bỏ các chất độc hại và muối khoáng. Loại nước này có tên là NEWater và được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp.

Cùng với 2 giải pháp trên, Singapore đã đầu tư lớn để xây dựng các nhà máy lọc nước biển lấy nước ngọt. Vấn đề lớn nhất hiện nay của công nghệ lọc nước biển là rất tốn năng lượng, khoảng 3-3,5 kWh để khử muối trong 1 m3 nước biển. Tuy nhiên, với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ, Singapore hy vọng việc lọc nước biển sẽ ngày càng tốn ít năng lượng hơn nên đã lên kế hoạch xây dựng 4 nhà máy lọc nước biển trị giá hàng tỷ USD nhằm đáp ứng 15% tổng nhu cầu nước ngọt cả nước.