Giải bài toán thu hút nguồn vốn nước ngoài chất lượng cao giữa đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đến từ Mỹ và châu Âu rất quan tâm đến môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi.
Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 xin tăng vốn

Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3 xin tăng vốn

FDI tăng đáng kể giữa dịch bệnh

Bộ KH- ĐT cho biết, bất chấp tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tính đến ngày 20-10-2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đều tăng mạnh.

Cụ thể, vốn đăng ký mới từ đầu năm đến nay đạt trên 13 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ; vốn tăng thêm đạt trên 7,09 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ.

Có được mức tăng ấn tượng này có được là do 10 tháng qua, 3 dự án lớn được cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh, bao gồm dự án Điện LNG Long An, 3,1 tỷ USD; LD Display Hải Phòng, tăng vốn thêm 2,15 tỷ USD; Nhiệt điện Ô Môn II, 1,31 tỷ USD, nên cả vốn đăng ký mới và tăng thêm đều tăng khá mạnh so cùng kỳ năm ngoái.

Hiện có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,42 tỷ USD, chiếm 14,6%. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,17 tỷ USD, chiếm 9,2%. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...

Bộ KH-ĐT cho biết, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc khi các dự án mới, số vốn điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần tăng lên.

Theo một chuyên gia của Tổng cục thống kê, thành tích thu hút FDI của Việt Nam trong 10 tháng qua là rất ấn tượng, dù dịch bệnh kéo dài và phức tạp.

Thực tế cho thấy, trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư vừa qua, có ý kiến lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời khỏi Việt Nam trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư vừa qua. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã phủ nhận điều này.

Đối thoại với lãnh đạo TP Hà Nội về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Hải Minh- Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, mặc dù các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài nhưng các nhà đầu tư này không rời khỏi Việt Nam.

“Đây không phải là chuyển dây chuyền, nhà máy hay rút vốn và mà là dịch chuyển dịch nguồn cung ứng và đơn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp châu Âu không rút vốn khỏi Việt Nam…”- ông Nguyễn Hải Minh nói.

Trong báo cáo Chính phủ vừa gửi Quốc hội cho thấy, trao đổi thương mại, vốn đầu tư trực tiếp từ các quốc gia thuộc liên minh châu Âu (EU) rót vào Việt Nam tăng mạnh sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1-8-2020.

Theo đó, đến hết tháng 9, EU đã có 2.242 dự án của 26 trong số 27 nước thành viên rót vào Việt Nam, tăng 164 dự án so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đăng ký số dự án này đạt 22,24 tỷ USD, tăng 483 triệu USD so với cùng kỳ 2020.

Không chỉ doanh nghiệp châu Âu, các nhà đầu tư nước ngoài khác cũng nêu lên nhiều giải pháp giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh so với các nước láng giềng.

Thu hút nguồn vốn chất lượng cao

Nêu giải pháp để thu hút được nguồn vốn FDI chất lượng cao, Tổng cục Thống kê cho rằng, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.

Đây là một trong những yếu tố then chốt để hấp dẫn được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU.

Đối với các địa phương đã phát triển đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.

Ngoài ra, các địa phương cần rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại, cơ cấu lại cho hợp lý; Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ.

Đối với doanh nghiệp trong nước, cần nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ người lao động để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

“Trước mắt, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề lớn còn tồn đọng, triển khai các biện pháp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; sở hữu trí tuệ được đảm bảo, bản quyền, thương quyền cải cách hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu nói riêng và các doanh nghiệp có vốn FDI nói chung được cấp phép đầu tư”- đại diện Tổng cục Thống kê nói.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ KH- ĐT Nguyễn Chí Dũng đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ KH-ĐT về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác này sẽ là chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp; lưu ý rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Ngoài ra, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt cũng đưa ra những chính sách thiết thực như: Doanh nghiệp đầu tư dự án lớn tại Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi đặc biệt như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 6 năm đầu tiên và giảm 50% trong 13 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất trong 23 năm… nếu đáp ứng được một số điều kiện.