Giải bài toán phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

ANTD.VN - Mặc dù chỉ là "phần nổi" của những điểm yếu chưa thể khắc phục trong nội tại nền kinh tế Việt Nam, song việc các cửa khẩu phụ với Trung Quốc gần như “đóng cửa”, xuất  nhập khẩu chính ngạch ngày càng ngặt nghèo hơn cho thấy một phần điểm yếu lâu nay là phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc lại lộ rõ hơn bao giờ hết. Liệu bài toán này có lời giải?

Giải bài toán phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc ảnh 1

Thị trường Trung Quốc đầy bất ổn, nhưng sao vẫn tiềm năng?

Hai kịch bản về xuất nhập khẩu mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra về ảnh hưởng của dịch viêm phổi do virus corona gây ra với Việt Nam mới đây một lần nữa cho thấy, thị trường Trung Quốc đầy bất ổn. Khi thị trường này gặp biến cố, các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng bị tác động nặng nề.

Theo tính toán sơ bộ của cơ quan này, nếu dịch corona kết thúc cuối quý I-2020 thì xuất khẩu quý I ước đạt kim ngạch 46,5 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý I đạt 5,6 tỷ USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các mặt hàng nông sản và nông sản chế biến, hàng lâm sản giảm khoảng 30%, hàng thủy sản giảm 33%.

Ở chiều nhập khẩu, ước tính quý I kim ngạch nhập khẩu đạt 50 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhập khẩu từ Trung Quốc quý I đạt kim ngạch 14,2 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Tư liệu sản xuất đạt 13,8 tỷ USD, giảm 9% (Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng giảm 7%; nguyên, nhiên, vật liệu giảm 10%); hàng tiêu dùng đạt 450 triệu USD, giảm khoảng 61%.

Nếu dịch corona kết thúc cuối quý II-2020, xuất khẩu ước tính quý II đạt kim ngạch 51 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc quý II đạt 5,6 tỷ USD, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Ở kịch bản này, ước nhập khẩu quý II kim ngạch nhập khẩu đạt 53 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ Trung Quốc quý II đạt kim ngạch 15 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế cho thấy, việc nông sản Việt Nam, đặc biệt là dưa hấu, thanh long khó xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ với Trung Quốc và doanh nghiệp khó nhập nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc những ngày qua chứng tỏ sự bất ổn từ thị trường này. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường đầy tiềm năng.

Lý giải cho điều này, TS Lê Huy Khôi- Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, thị trường Trung Quốc không chỉ có dân số đông, nhu cầu tiêu dùng lớn, thị trường không quá khó tính mà còn bởi nhu cầu sản phẩm của họ đa phân khúc, phù hợp với khả năng cung ứng của Việt Nam nên rõ ràng rất tiềm năng. Trong khi đó, với thị trường khác, Việt Nam chưa đủ sức để đáp ứng.

Giải bài toán tiêu thụ hàng Việt

Nếu như xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch viêm phổi Vũ Hán thì nông- lâm- thủy sản là lĩnh vực chịu gián tiếp và mức độ ảnh hưởng cũng rất lớn. Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, virus corona ảnh hưởng tới lĩnh vực nông nghiệp trên 3 khía cạnh.

Thứ nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại nông sản, bởi Trung Quốc là thị trường lớn, chiếm 24% giá trị trong tổng số lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới. Dịch bệnh đã khiến việc xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sút, biểu hiện rõ nhất từ tháng 1/2020, Việt Nam đã bị giảm 14% giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc. Những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 sau Tết Nguyên đán, con đường thông thương bị đóng cửa, thương mại giữa hai nước ngưng trệ. 

Thứ hai, ảnh hưởng đối với đầu tư. Dịch bệnh bùng phát đã hạn chế đi lại kết nối giao thương giữa doanh  nhân 2 nước.

Thứ ba, ảnh hưởng đến việc ký kết các hợp đồng. Đợt này, Trung Quốc đã đánh giá rủi ro ở bước cuối để cấp phép chính ngạch một số mặt hàng, song do dịch bệnh, phải hạn chế đi lại nên các đoàn công tác của nước bạn không sang được nước ta và ngược lại.

“Ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp với lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn. Ảnh hưởng này không chỉ là trước mắt, mà có thể còn kéo dài, bởi dịch bệnh chưa biết bao giờ mới dừng lại”- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.

Ngoài lĩnh vực này, dịch bệnh hiện nay cũng tác động tiêu cực lĩnh vực du lịch, vận tải, sản xuất công nghiệp và đầu tư với mức độ khác nhau, từ đó làm suy giảm tăng trưởng GDP. Vậy làm thế nào để giải quyết các vướng mắc này?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đây là cơ hội tốt để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Đơn cử như các vùng hiện nay đang trồng dưa hấu, tới đây không trồng dưa hấu mà chuyển sang cây trồng khác dễ tiêu thụ hơn.

Trong khi đó, TS Lê Huy Khôi nêu quan điểm, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc là việc mà Chính phủ và các bộ ngành tiến hành từ nhiều năm qua, nhưng đây không phải là việc có thể làm xong trong một sớm một chiều, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

“Hơn nữa, như tôi đã nói ở trên, thị trường khác rất khó tính, doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam chưa đáp ứng được”- ông Lê Huy Khôi nhấn mạnh. Vị chuyên gia này cho rằng, giải pháp khả thi và thực hiện được ngay là quan tâm, xúc tiến thương mại thị trường nội địa cho thật hiệu quả. Chưa bao giờ hàng Việt có vị thế tại thị trường nội địa như bây giờ, dân số nước ta cũng đông, nhưng công cụ hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tiêu thụ thị trường nội địa của ta còn quá thiếu và yếu nên chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu đã làm từ lâu, nhưng cần đẩy mạnh hơn nữa bên cạnh việc nâng cao chất lượng hàng hóa cho phù hợp với thị trường.

“Nhưng hiện giờ có chiến lược quốc gia đa dạng hóa thị trường và phát triển logistics nông nghiệp sẽ thiết thực hơn nữa, mà logistics nông nghiệp là một trong những bài toán cần phải làm và làm ngay. Rõ ràng thị trường Việt Nam gần 100 triệu, nhu cầu rất lớn, nhưng việc người dân mang hàng hóa, nông sản sang Trung Quốc tiêu thụ mà còn rẻ hơn trong nước chứng tỏ logistics nội địa của ta còn kém” - ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.