Giấc mơ "voi hóa rồng"

ANTĐ - Những dự báo mới nhất cho thấy, cuộc “soán ngôi” có thể xảy ra trong tương lai gần, khi Ấn Độ thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng mới của thế giới”.

Giấc mơ "voi hóa rồng" ảnh 1Nhà máy sản xuất pin mặt trời ở Ấn Độ

Đây không phải là điều bất ngờ bởi ngay từ năm 2013, dư luận Trung Quốc đã xôn xao khi một câu chuyện thú vị được báo chí đăng tải cho biết, một nhóm công nhân Trung Quốc thuộc Công ty Starnes đã bắt và giam lỏng ông chủ của mình sau khi ông này có kế hoạch chuyển hướng kinh doanh sang Ấn Độ. Sự kiện này khiến các nhà kinh tế Trung Quốc lao vào mổ xẻ căn nguyên tại sao Starnes lại định rời Trung Quốc để chọn nơi sản xuất khác là Ấn Độ.

Đúng là Ấn Độ đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới của thế giới, trước hết nhờ lực lượng lao động khổng lồ và rẻ. Theo dự báo của Ngân hàng Golman Sachs (Mỹ), đến năm 2020, Ấn Độ sẽ có thêm khoảng 110 triệu lao động, trong khi Trung Quốc chỉ thêm được 10% so với lực lượng hiện tại. Lương của lao động Ấn Độ trung bình chỉ bằng 30% so với lao động Trung Quốc hiện tại, các chi phí khác cũng thấp hơn rất nhiều. Ví dụ, ở Ấn Độ, đền bù thôi việc chỉ là 1 tháng lương, trong khi ở Trung Quốc là 1 tháng lương và mỗi năm thâm niên lại thêm 1 tháng nữa.

Một nguyên nhân khác dẫn tới sự “lên ngôi” của Ấn Độ xuất phát từ mô hình phát triển. Cũng như Trung Quốc, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng khá nhanh trong 2 thập niên qua. Nhưng phát triển của Ấn Độ chỉ dựa vào dịch vụ và thuê ngoài, lĩnh vực không tốn nhiều nhân lực, chứ không tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Ấn Độ thường được biết tới với các mảng dịch vụ gia công phần mềm và dịch vụ kinh doanh thuê ngoài (outsourcing), như chăm sóc khách hàng. Hiện sản xuất chỉ chiếm 15% tổng sản phẩm quốc nội của Ấn Độ (GDP), trong khi đó dịch vụ chiếm đến 60%.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp bách của Ấn Độ hiện nay là tạo thêm nhiều việc làm vì dân số trong độ tuổi lao động đang gia tăng. Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến 2020, dân số trong độ tuổi lao động của Ấn Độ sẽ tăng từ 804 triệu lên 856 triệu người. Điều này đòi hỏi Ấn Độ phải tạo ra trung bình 10 triệu việc làm mỗi năm. Chính vì thế, hiện nay, phát triển lĩnh vực sản xuất là một trong các ưu tiên của đất nước này.

Trong các bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều nhấn mạnh rằng, Ấn Độ - quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, cần một mô hình tăng trưởng tập trung vào sản xuất với định hướng xuất khẩu, xây dựng cơ sở hạ tầng lớn và đô thị hóa. Sự chuyển hướng này đang nhận được những tín hiệu khả quan, mà nổi lên là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh. Theo thống kê, đến cuối tháng 3, đã có gần 31 tỷ USD vốn FDI đổ vào Ấn Độ, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 là 9,5 tỷ USD, tăng 31% so với năm trước.

Thêm vào đó, từ nhiều năm nay, tăng trưởng ở Ấn Độ là do nhu cầu trong nước, không phải do sản xuất hàng hóa xuất khẩu như Trung Quốc. Hiện nay, tiêu dùng của Ấn Độ là một điểm sáng khi nhu cầu mọi nơi đều giảm sút. Điều này khiến chính quyền hy vọng thu hút sản xuất tăng cao ở Ấn Độ và kéo theo sẽ là cuộc cách mạng công nghiệp ở đất nước 1,2 tỷ dân.

Trước mắt, Ấn Độ đang có ưu thế so với Trung Quốc về tốc độ phát triển. Hiện nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang giảm dần và người ta có cảm giác như sau thời gian chạy nhanh, nay Trung Quốc đã thấm mệt và đuối sức dần. Trong khi toàn cảnh nền kinh tế thế giới không mấy sáng sủa thì Ấn Độ dự đoán mức tăng trưởng cho năm 2015 là 7,2%. Con số này cao hơn so với đối thủ láng giềng Trung Quốc, nước chỉ có tốc độ tăng trưởng ở mức 6,7%. 

Thời điểm trở thành “công xưởng thế giới” của Ấn Độ đang đến gần, biến giấc mơ “voi hóa rồng” của New Dehli thành hiện thực.