- Thảm cảnh người tị nạn ở biên giới Mexico từ bức ảnh gây "sốc"
- Tính mạng - cái giá phải trả để xin tị nạn vào Mỹ
- Câu chuyện ám ảnh đằng sau bức ảnh chụp thi thể 2 cha con ở biên giới Mỹ - Mexico
Nguy hiểm luôn rình rập người di cư trong cuộc hành trình hiện thực hóa “giấc mơ Mỹ”
Câu chuyện của Angel Eric Brandon
Angel Eric Brandon (25 tuổi) kể rằng, anh đã cố gắng tìm cách vào Mỹ 4 lần nhưng chưa thành. 1 lần anh bị cơ quan nhập cư Mexico bắt giữ, 1 lần bị băng đảng ma túy Zetas bắt cóc và 2 lần cuối bị lực lượng tuần tra biên giới Mỹ đưa trở về quê nhà Honduras. Brandon kể lại câu chuyện về cuộc hành trình của mình một cách bình thản.
Anh đã phải sống nhiều tháng ở trong các phòng giam lạnh lẽo chờ bị trục xuất, chứng kiến những kẻ buôn người kiếm tiền bằng cách buộc các cô gái di cư bán dâm, nhìn thấy những người di cư la hét, đau đớn vì bị thương trong khi di chuyển. “Tôi đã vượt qua sông Rio Grande 2 lần.
Đó là cuộc hành trình thực sự khó khăn. Rất nhiều người không biết bơi. Những kẻ buôn người cho chúng tôi lốp xe làm phao hoặc căng dây kéo qua sông. Nếu không có tiền, người di cư phải tự đi, đánh cược mạng sống của mình trong suốt tuyến đường nguy hiểm di chuyển về phía Bắc”, Brandon nói.
Brandon cho biết, gia đình anh đã phải trả 10.000 USD/người cho mỗi cuộc hành trình mà không có gì đảm bảo. “Hiện nay, mức giá này đã lên tới 12.000 USD vì Mexico cũng thắt chặt biên giới. Vì vậy, những kẻ buôn người sẽ giúp người di cư di chuyển bằng đường sông nằm giữa biên giới Guatemala và Mexico”, Brandon nói tiếp. Brandon hiện đang làm việc sửa chữa thang máy và thang cuốn tại Tegucigalpa. Anh sẽ tiếp tục cuộc hành trình đến Mỹ cho đến khi gia đình kiếm đủ tiền để chi trả cho những đường dây buôn người di cư.
Khi được hỏi là tại sao lại chấp nhận rủi ro để được đến Mỹ như vậy, Brandon nói: “Tôi muốn một cuộc sống tốt hơn. Điều đó có nghĩa là, mức lương không chỉ đủ ăn mà còn có thể giúp bạn mua nhà, xe máy hoặc điện thoại di động. Một nơi mà bạn không phải mang thuốc giảm đau, bông băng đến phòng phẫu thuật. Và một thứ khác mà tiền không thể mua được đó là đoàn tụ gia đình. Mẹ và hai người anh em của tôi đã ở Mỹ nhiều năm. Tôi nhớ họ vô cùng”.
Khát vọng của nhiều thanh thiếu niên Honduras
Liliana Flores - người phụ trách chương trình dạy các kỹ năng kinh doanh cho thanh thiếu niên nghèo ở Honduras cho biết, trong thời gian qua, chương trình đã cung cấp một số gói tín dụng giúp đỡ thanh niên khởi nghiệp. Khoảng 450.000 thanh niên Honduras đã tham gia chương trình này. “Những con số đó cũng chỉ như giọt nước trong đại dương. Giấc mơ Mỹ vẫn là khát vọng của nhiều thanh thiếu niên Honduras”, Liliana Flores nói.
Honduras là quốc gia có dân số trẻ với 43% dân số dưới 19 tuổi. Mỗi năm, hàng trăm nghìn người trong số họ tham gia vào thị trường việc làm với mức lương thấp trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ hoặc sản xuất. Nhiều lĩnh vực như xây dựng hoặc năng lượng được kiểm soát bởi một số ít các công ty thuộc sở hữu của vài nhóm cá nhân. Họ sống nhờ các hợp đồng của Chính phủ và tình trạng tham nhũng diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, nông nghiệp địa phương không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp được Mỹ hỗ trợ thông qua một hiệp định thương mại tự do, miễn thuế nhập khẩu.
Những người giàu có sống nhờ vào sự bảo trợ của Nhà nước trong khi người nghèo sống bằng tiền do người thân lao động ở nước ngoài gửi về. Người Honduras làm việc ở nước ngoài kiếm được hơn 4 tỷ USD/năm. Số tiền này “chảy” vào ngân hàng, trung tâm mua sắm, chứ không được đầu tư vào giáo dục hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhiều chuyên gia gọi đây là mô hình kinh doanh “xuất khẩu người nghèo”.