Giấc mơ hạnh phúc của người tự nhận mình là "gã quái vật"

ANTĐ -  Cho đến bây giờ, tôi vẫn sợ rằng mọi thứ mình có được chỉ là một giấc mơ, sợ rằng một mai, khi thức giấc, hiện thực này sẽ tan biến, tôi sẽ chỉ còn lại một mình với hai bàn tay trắng và một thân hình "người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm"

Cho đến bây giờ, tôi vẫn sợ rằng mọi thứ mình có được chỉ là một giấc mơ, sợ rằng một mai, khi thức giấc, hiện thực này sẽ tan biến, tôi sẽ chỉ còn lại một mình với hai bàn tay trắng và một thân hình "người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm". Tôi sợ rằng nàng sẽ biến mất, đem theo cả cuộc đời tôi...

Ranh giới giữa bất hạnh và may mắn

Tôi là một người không may mắn. Tôi sinh ra đã không có một thân hình "ra hồn người" như người ta vẫn nói. Khi mang thai tôi, mẹ tôi bị một cơn bạo bệnh. Ngày ấy, y học chưa phát triển như bây giờ, nhất là ở vùng trung du nghèo khó như nơi tôi sinh ra. Bà ngoại tôi vẫn hay kể lại rằng, cái đêm định mệnh ấy, khi tôi cất tiếng khóc chào đời, bà đỡ cũng hét lên một tiếng thất thanh kinh hoàng, còn mẹ cha tôi thì khóc ngất. Họ đã thấy một hình hài không lành lặn.

Khác với người anh điển trai, tuấn tú và đứa em gái xinh đẹp, tôi có một đôi chân què quặt, một đôi tay khẳng khiu, co quắp như cành cây khô cháy và một cái cột sống vẹo vọ đến nỗi chẳng bao giờ có thể ngồi thẳng được. Bố mẹ tôi rất đau lòng, họ đã đem tôi đi chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện lớn ở dưới xuôi cho đến cả những thầy lang, thầy cúng tận trên rừng, nhưng tất cả đều vô ích. Dường như ông trời đã định số phận tôi là vậy. Lên 6 tuổi, tôi vẫn chỉ nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt của tôi đều phải có người trợ giúp. Mẹ hằng ngày vẫn chăm sóc tôi từ miếng ăn, giấc ngủ đến cả chuyện vệ sinh cá nhân.

10 tuổi, sau nhiều nỗ lực, tôi mới biết bò, vẹo vọ như một con sâu ốm yếu. Cả thế giới của tôi thu gọn trên chiếc giường một. Để cuộc đời tôi bớt đi phần nào tăm tối, bố mẹ quyết định kê chiếc giường cạnh cửa sổ nhìn ra vườn và ra con đường đất nhỏ trước nhà. Kể từ đó, ngày ngày, tôi có thể ngắm chúng bạn cắp sách đến trường, chạy nhảy, cười đùa. Tôi rất thèm được như chúng, còn chúng lại rất tò mò về tôi – kẻ không bao giờ ra khỏi nhà.

Sau buổi học, chúng lân la tới chơi, còn tôi lân la học mót. Bọn trẻ đã dạy tội những con chữ đầu tiên. Tôi học rất nhanh, nhanh đến nỗi chẳng bao lâu sau bọn trẻ dù được đi học cũng không thể đọc thông viết thạo như tôi và tôi lại trở thành "thầy giáo của chúng". Thương đứa con trai ham học, bố mẹ đã mua cho tôi một chiếc đài cát sét cũ và xin người hàng xóm - một ông giáo về hưu sở hữu một tủ sách quý đồ sộ cho tôi được mượn sách đọc.

Không có việc gì làm, tôi đọc ngấu nghiến, nghe ngấu nghiến, từ những tiểu thuyết chương hồi, đến sách khoa học... Tôi thậm chí còn tự học được cả tiếng Anh. Qua chiếc đài cát sét và những cuốn sách, cuộc sống của tôi dần mở ra. Tôi viết thư kết bạn với những người nghe đài để bàn luận về sách, về cuộc sống và đôi khi tâm sự với họ về nỗi bất hạnh của mình. Họ chia sẻ với tôi qua những trang viết, có người còn nhiệt tình đến tận nhà để gặp và động viên tôi. Đó là động lực để tôi tiếp tục học tập và giữ niềm tin rằng, mình không phải là một người thừa, một kẻ bỏ đi trong xã hội.

Thời gian thấm thoát trôi đi. 23 tuổi, tôi mở được một cửa hàng cho thuê sách, truyện để kiếm tiền phụ giúp gia đình, thoát khỏi cảnh "ăn bám". Cửa hàng của tôi rất đông khách và không lâu sau nó đã phát triển lên thành một hiệu sách, và đó cũng là nơi đầu tiên tôi gặp nàng - giấc mơ tuyệt vời của đời tôi. Nàng kém tôi 4 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất trường cao đẳng trên thị xã. Quê nàng ở mãi trên miền ngược, ở cái huyện xa xôi, heo hút và nghèo đói nhất của một tỉnh biên giới. Nàng là chị của một đàn em nheo nhóc. Bố mẹ nàng đều là giáo viên dưới xuôi tình nguyện "cõng chữ lên non". Họ quyết tâm đầu tư cho cô con gái lớn xuống xuôi trọ học với hi vọng mai này, nàng sẽ tiếp bước họ, trở thành một người thầy cao quý.

 Ảnh minh họa

Nàng trọ học ngay cạnh nhà tôi và vẫn thường ghé qua hiệu sách. Tôi và nàng trở thành bạn rồi yêu nhau lúc nào không hay. Những lần hen hò của chúng tôi là những buổi nàng đẩy xe lăn cho tôi đi dạo quanh sân vân động của xã. Chỉ vậy thôi mà tình yêu dần sau đậm, tha thiết. Rồi lại có lần, nàng đích thân... tắm cho tôi. Trong cuộc đời mình, tính cho đến lúc ấy, mẹ là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất tắm cho tôi. Vậy mà nàng dám lột tôi ra như lột quần áo của một đứa trẻ, "quăng" tôi vào chiếc chậu tắm một cách đầy quyết đoán và chẳng chút ngại ngần. Còn tôi thì lóng ngóng, ngượng đỏ mặt, và chỉ biết nói đùa chữa ngượng: "Em làm thế này thì em phải chịu trách nhiệm về đời anh đấy nhé!", không ngờ, nàng quả quyết: "Em sẽ lo cho anh", và nàng đã nói thật.

Khác với những người bạn gái trước của tôi, nàng không ngần ngại cùng tôi chụp ảnh. Nàng cười rất tươi, gương mặt sáng bừng hạnh phúc. Nàng gửi những bức ảnh đó về nhà khoe với bố mẹ, rất dõng dạc rằng: "Đây là người yêu con". Và tất nhiên, bố mẹ nàng không thể chịu được cú sốc ấy. Họ tức tốc lặn lội xuống tận nơi nàng trọ học, ra sức ngăn cản. Tôi không trách họ, bởi biết rằng đó là phản ứng hết sức bình thường của bất cứ ông bố, bà mẹ nào rơi vào hoàn cảnh ấy. Họ chẳng nhìn thấy một tương lai nào cho đứa con gái yêu quý, ngoài một sự bất hạnh đeo đẳng nếu nàng yêu một kẻ tật nguyền như tôi. Nhưng đó không phải là quyết định bồng bột, thiếu suy nghĩ của nàng, dường như nàng đã nghĩ rất nhiều, đã dằn vặt, đau khổ rất nhiều. Bởi vậy nàng khóc, nhưng vẫn kiên quyết không từ bỏ tôi, dù bố nàng, một người đàn ông nóng tính, tuyên bố sẽ từ mặt nàng.

Đấu tranh hay buông xuôi?

Trước sự ngăn cản gay gắt từ phía gia đình nàng, tôi rất tuyệt vọng. Tôi không dám đòi hỏi gì ở nàng, càng không dám giữ nàng lại bên mình vì biết rằng sẽ chỉ làm khổ nàng mà thôi. Mọi quyết định là ở nàng. Nhưng đêm đêm, tôi vẫn trằn trọc, nớp nớp lo sợ nàng sẽ thay đổi, sẽ bỏ lại tôi. Trong những ngày khó khăn ấy, tôi rủ nàng đi Hà Nội - nơi mà nàng chỉ nghe nói tới chứ chưa từng đặt chân đến bao giờ. Nàng vui như một đứa trẻ. Tôi đưa nàng đi chơi, đi ăn những món ngon nhất, ở những nơi đẹp nhất và nghĩ rằng đó sẽ là lần cuối cùng chúng tôi ở bên nhau. Ngồi trước Hồ Gươm trong một chiều thu Hà Nội đẹp như thơ, tôi đã nghĩ đến cái chết. Nhưng nàng đã ôm tôi vào lòng bằng vòng tay mạnh mẽ và nói đầy chắc chắn: "Đừng lo gì cả, vì em đã nói sẽ lo cho anh".

Chúng tôi trở về và nàng dọn đến sống cùng tôi. Nhiều đêm, tôi biết nàng vẫn khóc vì nhớ nhà, nhớ đám em nheo nhóc mà đến chiếc bánh mì cũng là một niềm mơ ước của chúng. Chuyện tình của chúng tôi vấp phải nhiều sự đàm tiếu. Người ta xì xào rằng, chúng tôi chỉ đang lợi dụng nhau. Nàng thì ham cái sự giàu có của gia đình tôi, còn tôi chỉ cốt lừa nàng cho có người phục vụ lúc cha mẹ về già. Họ nhìn nàng với ánh mắt ác cảm đến nỗi nàng không thể tiếp tục đi học, dù vậy, nàng vẫn kiên quyết không rời xa tôi. Với tôi, nàng là người yêu, người vợ và cũng là người mẹ thứ hai. Nàng chăm sóc tôi chẳng khác gì mẹ, với một tình yêu thương vô bờ bến. Tôi biết, để có thể sống với tôi, nàng đã phải hi sinh quá nhiều.

Hiểu nỗi khổ tâm của nàng, tôi đã cố gắng viết một bức thư để tỏ bày nỗi lòng với bố mẹ vợ. Nhưng chưa lần nào tôi chắp bút thành công, bởi cảm xúc mãnh liệt trào ra nhanh hơn con chữ. Tôi quằn quại với những suy nghĩ của mình và rồi hết tờ giấy này tới tờ giấy khác bị vò xé, hệt như cõi lòng của tôi. Cuối cùng, tôi quyết định tổ chức một "đoàn nhà trai" gồm những người bạn thân thích, họ hàng lên tận nơi xa xôi quê nàng để thuyết phục bố mẹ nàng đồng ý. Tôi đã đi hơn 500 cây số để đến tận nhà nàng, đã khóc lóc, đã van xin, nhưng bố nàng vẫn không hề lay chuyển. Mẹ nàng thì chỉ khóc ròng, bà thương tôi, thương con bà và thương cho cả những éo le mà ông trời đã run rủi. Tôi trở về, thất bại và đau khổ, nhưng lại một lần nữa nàng vực tôi dậy bằng tình yêu thương.

Ngày biết nàng đang mang trong bụng giọt máu của mình, tôi vui sướng biết chừng nào. Nhưng lại một lần nữa dư luận không để cho chúng tôi được bình yên. Họ nói rằng, chắc gì đứa trẻ ấy đã là của tôi và tôi chỉ là người bị lợi dụng để "đổ vỏ" cho kẻ khác. Nhưng bất chấp tất cả, chúng tôi vẫn kiên cường bên nhau. Tôi hết sức bù đắp cho nàng và mong chờ đến ngày được làm bố, nhưng cũng không khỏi lo sợ đứa con sinh ra sẽ mang trong mình bệnh tật của tôi, sẽ phải chịu một cuộc đời bi kịch với thân hình dị dạng. Nhưng may mắn thay, nàng đã sinh hạ một bé gái xinh xắn, khỏe mạnh. Lần đầu tiên được nhìn mặt con mình, tôi chỉ biết lặng người đi, những giọt nước mắt cứ thế tuôn ra, mặn mòi hạnh phúc.

Cho đến giờ, tôi vẫn sợ rằng, tất cả hạnh phúc này chỉ là một giấc mơ và khi tôi tỉnh thức, nàng sẽ tan biến, mang theo tất cả cuộc sống của tôi. Tôi vừa muốn giữ chặt nàng cho riêng mình, vừa muốn giải thoát nàng khỏi đau khổ. Không một giây phút nào tôi không bị hai suy nghĩ trái ngược ấy giằng xé. Nàng luôn nói rằng ở bên tôi, nàng thấy hạnh phúc, nhưng tôi biết nàng vẫn tha thiết, cháy bỏng nhớ quê hương, nhớ mẹ cha, nhớ gia đình của nàng. Đôi lúc, tôi vẫn trộm nghĩ mình là gã quái vật Frankenstein, chỉ ao ước được yêu thương, nhưng liệu giấc mơ hạnh phúc của tôi có thành sự thật? Giữa bộn bề mâu thuẫn, bộn bề xúc cảm, tôi chỉ biết viết những dòng tâm sự này, mong nỗi lòng sẽ phần nào diệu vợi, tôi thật sự không biết phải làm gì...