Giấc mơ đổi ngôi

ANTĐ - Trước triển vọng kinh tế có phần sáng sủa, Bộ trưởng Tài chính Anh G. Osborne vẫn khẳng định nước này sẽ tiếp tục thi hành chính sách kinh tế “thắt lưng buộc bụng” trong năm 2014.

Kinh tế Anh đang phục hồi thuận lợi

Phát biểu khi thăm một nhà máy ở Birmingham về chính sách tài chính công trong những năm sắp tới, Bộ trưởng G. Osborne cho biết nguyên tắc chi tiêu tiết kiệm vẫn sẽ được nước Anh duy trì trong năm 2014 để đạt mục tiêu cắt giảm 25 tỷ bảng cho bình ổn ngân sách; sẽ thông qua cắt giảm các chương trình xã hội, cụ thể là giảm 12 tỷ bảng hỗ trợ tiền nhà và trợ cấp con nhỏ từ nay cho đến cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5-2014. 

Các số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố cuối năm ngoái cho thấy nền kinh tế Anh hiện có mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nước phát triển. Năm 2013, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh tăng trưởng ở mức 1,4% và dự báo sẽ vượt lên mức 2,4% trong năm nay. Đây là tín hiệu lạc quan trong bối cảnh triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới và Khu vực  đồng tiền chung châu Âu  (Eurozone) vẫn còn khá mong manh.

Tuy nhiên nước Anh vẫn tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” bởi mục tiêu của London không chỉ thoát khỏi giai đoạn trì trệ hiện nay mà còn vươn lên thành cường quốc kinh tế số 1 ở châu Âu. Một nghiên cứu công bố ngày             26-12-2013 dự báo Anh có thể sẽ vượt qua Đức và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào năm 2030. Theo nghiên cứu này, Đức sẽ mất vị trí nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào tay Anh vào năm 2030. Còn với Pháp, sẽ bị nước Anh vượt qua vào năm 2018.

Nhờ những điều chỉnh về chính sách, nhờ tốc độ tăng dân số nhanh hơn và ít phụ thuộc hơn vào các nền kinh tế châu Âu khác đang gặp khó khăn, kinh tế Anh phục hồi khá thuận lợi. Để tạo thêm những cú bật cho nền kinh tế, Anh dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu công thêm 11,5 tỷ bảng (khoảng 18,5 tỷ USD) trong năm tài khóa 2013-2014. Riêng ngân sách dành cho các bộ ngành sẽ bị cắt giảm thêm 2,5 tỷ bảng (hơn 4 tỷ USD) để có tiền đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, từ đó khôi phục tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Thông báo của Bộ Tài chính Anh cho biết, trừ các bộ, ngành thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và viện trợ quốc tế, còn lại đều thuộc diện cắt giảm thêm ngân sách hàng năm. Đối với Bộ Quốc phòng, ngân sách để mua thiết bị quân sự sẽ tăng 1%, còn các khoản chi tiêu khác sẽ bị cắt giảm 5%. Viện trợ quốc tế vẫn được giữ nguyên ở mức 0,7% tổng thu nhập quốc gia (GNI) như đã cam kết, tuy nhiên phần ngân sách còn lại, chủ yếu được sử dụng cho công tác quản lý, vẫn sẽ nằm trong diện bị cắt giảm.

Cuối năm ngoái, Nữ hoàng Elizabeth II còn ký ban hành luật cải cách ngành ngân hàng của Anh. Theo đạo luật trên, hệ thống ngân hàng Anh sẽ được cải cách về 4 lĩnh vực chủ yếu là vai trò giám sát, cơ cấu, văn hóa và khả năng cạnh tranh. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ trở về vị trí trung tâm của vai trò giám sát với những quyền hạn mới nhằm xác định và giải quyết kịp thời mọi nguy cơ đe dọa đến hệ thống. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp hệ thống ngân hàng Anh hoạt động hiệu quả và an toàn hơn, từ đó hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Với hàng loạt các biện pháp trên, London hy vọng sẽ có cuộc đổi ngôi trên bản đồ kinh tế thế giới với phần thắng thuộc về nước Anh.