Giá xăng lên mức 23.400 đồng/lít: Tăng nhanh, giảm chậm!

ANTĐ - Sau đợt tăng giá khá mạnh ngày 7-3, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã có quyết định cho các đại lý kinh doanh xăng dầu tiếp tục tăng giá bán lẻ thêm 900 đồng/lít đối với mặt hàng xăng và 400 - 600 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu kể từ 20h ngày 20-4.

Doanh nghiệp “than” lỗ

Nhân viên cửa hàng thay giá mới

Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết quả kiểm tra, rà soát việc đăng ký giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước kể từ 20h ngày 20-4-2012. Mức điều chỉnh tăng thêm đối với xăng: 900 đồng/lít (tăng 3,93%); diezel: 500 đồng/lít (tăng 2,34%); dầu hỏa: 600 đồng/lít (tăng 2,88%); dầu mazut: 400 đồng/kg (tăng 2,13%).

Trước khi có quyết định chính thức cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu điều chỉnh giá bán, Bộ Tài chính đã nhận được văn bản đề nghị từ phía các doanh nghiệp. Lý do xin tăng giá được đưa ra là do chênh lệch khá nhiều giữa giá cơ sở và giá bán khiến doanh nghiệp bị lỗ. 

Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính xác nhận, 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đề nghị Bộ có biện pháp tháo gỡ khó khăn vì chênh lệch giá bán lẻ và giá cơ sở. Các doanh nghiệp khẳng định, do giá cơ sở (giá tính bình quân 30 ngày) cao hơn giá bán lẻ nên doanh nghiệp đang bị lỗ. Cụ thể, từ đầu tháng 4 tới nay, sau khi trích Quỹ bình ổn 300 đồng/lít thì doanh nghiệp lỗ khoảng 600 - 700 đồng/lít đối với xăng A92 và 300 đồng/lít đối với dầu DO. 

Đi kèm với quyết định điều chỉnh giá bán lẻ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi tới các cơ quan báo chí thông báo về việc điều hành giá xăng dầu. Theo lý giải từ phía Bộ Tài chính, kể từ sau ngày điều chỉnh gần đây nhất (7-3-2012), giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo xu hướng tăng và dao động ở mức cao, tiếp tục tạo ra chênh lệch giữa giá cơ sở cao hơn giá bán trong nước hiện hành đã làm cho việc kinh doanh mặt hàng này gặp nhiều khó khăn. 

Trong bối cảnh đó, các giải pháp về tài chính như thuế nhập khẩu đã lùi về mức 0% với tất cả các chủng loại xăng dầu trong một thời gian dài để bình ổn giá, Quỹ Bình ổn giá đã hết, thì việc bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá bán trong nước là cần thiết. Mục đích nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Đồng thời giảm thiểu tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do chênh lệch giữa giá trong nước hiện nay với các nước lân cận như Trung Quốc, Lào, Campuchia... khoảng từ 3.662 đồng/lít đến 7.878 đồng/lít tuỳ theo từng mặt hàng và từng nước . 

Việc tiếp tục điều chỉnh giá xăng, dầu là để làm cho giá mặt hàng này phản ánh được sự biến động của giá thị trường thế giới, phản ánh đúng giá hàng hoá, dịch vụ khi sản xuất, kinh doanh có sử dụng xăng dầu theo các nguyên tắc tính toán đã được quy định tại Nghị định số 84/CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. 

Lạm phát vẫn rình rập

Sau Tết Nguyên đán, người tiêu dùng trong nước liên tiếp đón nhận thông tin tăng giá của nhiều mặt hàng. “Phát súng tiên phong” thuộc về giá gas khi tăng hơn 50.000 đồng mỗi bình 12kg và đưa giá bán đến người tiêu dùng lên 477.000 đồng/bình. Không ít người sử dụng gas còn bị choáng váng do có đại lý tự nâng giá bán lên hơn 500.000 đồng mỗi bình. “Định lý” tăng nhanh giảm chậm một lần nữa được chứng minh bởi  mặt hàng này. Trước áp lực mạnh mẽ từ phía dư luận, giá gas đã điều chỉnh giảm nhưng mức giảm chỉ rất khiêm tốn: 16.000 đồng/bình. Kể từ đầu năm thì giá gas đã được điều chỉnh tới 6 lần, trong đó có 4 lần tăng giá và 2 lần giảm.

Ngay sau đó, giá xăng cũng bất ngờ tăng 2.100 đồng lít, dầu diezel tăng 1.000 đồng/lít, mức tăng lên tới 10% khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Theo các chuyên gia, các mặt hàng nhiên liệu tăng giá sẽ có tác động mạnh tới chỉ số lạm phát, đặc biệt là khi mặt hàng xăng dầu tăng giá sẽ tác động mạnh tới tâm lý khiến nhiều mặt hàng “té nước theo mưa”. Với việc tiếp tục tăng giá bán lẻ xăng dầu thì việc giữ vững mục tiêu lạm phát 1 con số sẽ trở nên khó khăn hơn. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, các cơ quan quản lý đã đưa ra định hướng đưa giá các mặt hàng thiết yếu điều chỉnh theo giá thị trường. Do đó, việc điều chỉnh giá sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, cũng cần có sự giám sát chặt chẽ để khi có điều kiện giảm giá thì các mặt hàng cũng phải nhanh chóng điều chỉnh tránh thua thiệt cho người tiêu dùng và làm lợi cho doanh nghiệp. Nếu nhìn nhận trong cả một quá trình thì có thể thấy, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong những năm qua có diễn biến khá phức tạp, có tăng có giảm, trong khi giá xăng dầu trong nước rất hiếm khi điều chỉnh theo chiều đi xuống.

Cùng với sự điều chỉnh giá của một số mặt hàng, việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng khiến các chuyên gia thêm lo lắng về việc giữ lạm phát ở mức 1 con số.