Giá xăng giảm mạnh nhất kể từ đầu năm

ANTĐ - Ngày 3-9, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2015 tới nay (1.198 đồng/lít xăng). Như vậy, sau 7 lần giảm, giá xăng RON 92 lại về mốc hơn 17.000 đồng/lít. 
Giá xăng giảm mạnh nhất kể từ đầu năm ảnh 1

Giá xăng giảm sâu, người dân phấn khởi

Giảm nhiều hơn tăng

Do giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới bình quân 15 ngày qua tiếp tục giảm mạnh nên chiều 3-9, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm giá bán lẻ. Theo đó, xăng RON 92 và xăng E5 đồng loạt giảm 1.198 đồng/lít. Dầu diezel chỉ giảm 111 đồng/lít, dầu hỏa giảm 123 đồng/lít. Riêng dầu madut giảm 785 đồng/kg, xuống còn 9.351 đồng/kg. 

Đối với mặt hàng xăng, đây là đợt giảm giá mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Sau 7 lần điều chỉnh giảm, giá xăng đã giảm tổng cộng 5.586 đồng/lít. Trong khi đó, sau 4 lần mặt hàng xăng tăng giá mạnh, tổng cộng mức tăng giá từ đầu năm đến nay là 5.040 đồng/lít. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, giá xăng trong nước đã giảm nhiều hơn tăng. Giá bán lẻ mặt hàng xăng RON 92 (có lượng tiêu thụ lớn nhất đến thời điểm hiện tại) đã về mức 17.330 đồng/lít.

Bình luận về đợt giảm giá này, một chuyên gia kinh tế cho hay: “Điểm đáng chú ý nhất của đợt điều hành giá này là việc trích lập quỹ bình ổn giá giữ ổn định ở mức 300 đồng/lít xăng dầu thay vì có phương án điều hành khác. Nhờ đó, giá xăng dầu đã giảm tương ứng với mức chênh lệch giữa giá bán lẻ kỳ trước và giá cơ sở nên người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn. Thế nên, người dân đã giảm bớt định kiến “xăng giảm nhỏ giọt”. 

Mua xăng tại cây xăng số 1 Láng Hạ chiều qua (3-9), chị Trần Thanh Hải (Đê La Thành - Hà Nội) chia sẻ: “Theo thói quen, tôi thường đổ đầy bình xe Honda Lead, những lần đổ xăng gần đây hết 75.000 đồng/lần, vậy mà hôm nay đổ đầy bình cũng chỉ 65.000 đồng. Hỏi ra mới biết giá xăng vừa giảm mạnh, tôi thấy mừng quá”. 

Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thùy Chi (Nguyên Hồng, Đống Đa, Hà Nội) nói: “Xăng dầu giảm giá rồi, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng phải giảm giá chứ. Hiện nay, trong khi các siêu thị lớn khuyến mãi liên tiếp thì giá hàng hóa tại các chợ vẫn đứng yên. Chi tiêu cho gia đình không giảm được nhiều”.

Mới đây, theo Globalpetrolprices, sự khác biệt trong giá xăng dầu tại các quốc gia trên thế giới là do thuế, các khoản trợ giá và nguồn cung. Giá xăng tại các nước phát triển thường cao hơn các nước nghèo. Nhưng sau nhiều lần điều chỉnh giảm giá trong các tháng qua, đến cuối tháng 8-2015, giá xăng tại Việt Nam đã thấp hơn so với mức trung bình của thế giới. 

Xăng dầu đã cạnh tranh hơn?

Có ý kiến cho rằng, gần đây, thị trường xăng dầu đã bắt đầu có cạnh tranh. Bằng chứng là việc một số doanh nghiệp giảm giá mạnh hơn mức tối thiểu Bộ Công Thương công bố. Chẳng hạn, trong đợt điều hành ngày   3-9, Bộ Công Thương quyết định giảm giá xăng tối thiểu 1.198 đồng/lít, nhưng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro)… đã giảm thêm 8 đồng/lít, xuống còn 17.330 đồng/lít. Không những thế, trong những đợt giảm giá trước, có doanh nghiệp còn giảm trước thời điểm quy định đến 30 phút.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, “việc giảm giá chưa thực sự cạnh tranh bởi mức chênh lệch không đáng kể”. Thậm chí, các doanh nghiệp đầu mối nhỏ vẫn “nhìn ngó” Petrolimex để giảm giá. 

 “Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay, có 22 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, tăng thêm 3 đầu mối so với trước đây. Càng thêm nhiều doanh nghiệp thì thị trường sẽ thêm cơ hội cạnh tranh. Tất nhiên, các doanh nghiệp mới sẽ kém cạnh tranh hơn và có thể bị rút giấy phép kinh doanh nếu không thực hiện đúng quy định. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường”- vị chuyên gia cho hay.

Petrolimex cho biết, đến trước thời điểm giảm giá xăng (15h ngày 3-9), ước tính, quỹ bình ổn của doanh nghiệp này là 1.620 tỷ đồng. Trong khi đó, vào kỳ điều hành xăng dầu liền trước (ngày 19-8), tồn dư của quỹ này là 1.530 tỷ đồng.