Giá xăng dầu “đổ lửa” lên vận tải

ANTĐ - Trong  bối cảnh ngành vận tải gặp khó khăn, cước vận tải đã tăng từ 2-3 lần khi Bộ GTVT thực hiện siết trọng tải xe, thêm vào đó, 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã cận kề thì xăng dầu lại điều chỉnh tăng giá. Động thái này chẳng khác nào “thêm dầu vào lửa”. 

Áp lực tăng cước đang đè nặng lên doanh nghiệp vận tải

Áp lực tăng cước

Từ 12h trưa 22-4, xăng dầu đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá. Trong đó, xăng là mặt hàng tăng cao nhất với 210 đồng/lít cho cả RON 95 và RON 92, lần lượt là 25.400 đồng và 24.900 đồng. Với dầu diesel mức tăng là 170 đồng, với dầu hỏa, mức tăng ít hơn (130 đồng), từ 22.350 lên 22.480 đồng/lít. Lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 19-3), mức điều chỉnh của xăng là 180 đồng/lít, dầu diesel tăng 70 đồng. Việc điều chỉnh giá xăng trong bối cảnh hiện nay khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng như vận tải hành khách chịu thêm áp lực tăng cước.

Một tháng nay, Bộ GTVT cùng Bộ Công an và các địa phương ráo riết vào cuộc, siết lại trọng tải xe đã khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa kêu trời vì giá cước tăng. Theo nhận định từ Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, giá cước vận tải đã tăng từ 2-2,5 lần so với trước. Đại diện một doanh nghiệp thép tại Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi thực hiện việc siết trọng tải xe, mỗi 1kg thép phải chịu thêm 1.500 đồng cước vận chuyển.

Tương tự, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí cho biết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của đơn vị này vào khoảng 1,3 triệu tấn/năm, trong đó, khoảng 500.000 tấn vận chuyển bằng đường bộ. Đơn vị này đã phải làm việc với doanh nghiệp vận tải, đàm phán tìm ra hướng giải quyết chung, mỗi bên sẽ gánh một ít trong việc tăng giá cước.

Câu chuyện về “cân xe” còn chưa hết “nóng” thì động thái tăng giá xăng dầu càng làm khó cho ngành vận tải. Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng phản ánh, từ khi thực hiện cân xe siết tải trọng, cước vận tải hàng hóa đã tăng đáng kể. Cụ thể như, vận chuyển hàng bằng container từ Hải Phòng- Hà Nội tăng từ 500.000-700.000 đồng/chuyến so với trước kia, còn vận chuyển hàng rời thì cước tăng gấp đôi. Theo tính toán, trong chi phí đầu vào, dầu chiếm khoảng 30-35% giá thành cước vận tải, việc điều chỉnh tăng giá dầu từ 130-170 đồng/lít vừa qua tuy không tác động lớn đến cấu thành giá cước nhưng cũng khiến các doanh nghiệp vận tải bức xúc. “Với mức tăng nhẹ này, vào thời điểm khác các doanh nghiệp vận tải cũng vui vẻ chấp nhận, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì dường như không có tinh thần chia sẻ”, ông Lê Văn Tiến bày tỏ.

Vận tải khách lo ngại “tăng vé mồm”

Vận tải hành khách đến thời điểm này cũng bắt đầu “sốt” vì lượng khách đi lại được dự báo tăng khá mạnh.  Một số hãng xe uy tín như Phương Trang, Mai Linh, Văn Minh trong những ngày cao điểm đã “cháy” vé. Bến xe miền Đông và miền Tây đã có thông báo điều chỉnh giá vé từ 30-40% để bù đắp chiều xe chạy không.

Tại Hà Nội, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá cước đi lại dịp 30-4, tuy vậy, việc tăng giá xăng dầu áp sát kỳ nghỉ khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp. Một chuyên gia trong ngành vận tải nhận định, động thái tăng giá xăng dầu sát kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 chẳng khác nào “đánh úp” doanh nghiệp vận tải khách. 

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp bến xe phía Nam (Giáp Bát) cho biết, ngay từ đầu tháng 4, đơn vị này đã có kế hoạch về việc tăng cường xe cũng như thông báo đăng ký tăng giá cước trong dịp nghỉ lễ sắp tới. Hạn chót để các doanh nghiệp đăng ký tăng giá là ngày 25-4. “Nếu muốn tăng giá cước, các doanh nghiệp vận tải phải cần thời gian khoảng 10 ngày để hoàn tất thủ tục, in ấn vé, ra thông báo. Tuy nhiên, xăng dầu tăng giá vào ngày 22-4 vừa qua khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay”. Mặc dù đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp vận tải khách nào đăng ký tăng giá cước trong đợt nghỉ lễ sắp tới, nhưng ông Nguyễn Tất Thành không khỏi lo lắng, trước sức ép tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ xuất hiện tình trạng “tăng vé mồm”. “Các doanh nghiệp vận tải không kịp đăng ký tăng giá cước vì hạn chót là ngày 25-4. Song, tôi lo ngại, một số chủ xe, lái xe sẽ tăng giá ngoài bến đối với những hành khách bắt xe dọc đường”, lãnh đạo bến xe phía Nam bày tỏ.