Giá vàng rơi tự do

ANTĐ - Giá vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh tới hơn 100 USD/ounce trong phiên giao dịch đêm 24-8, giá vàng trong nước ngày hôm qua cũng rơi tự do với mức giảm 2,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 2,85 triệu đồng/lượng chiều mua vào.

Giá vàng giảm mạnh có phải là cơ hội?

Ngay khi mở cửa, vàng miếng SBJ của Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Sacombank được niêm yết ở mức 45,61 triệu đồng/lượng (mua vào) và 45,89 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm gần 2 triệu đồng/lượng so với mức giá chốt phiên ngày hôm trước. Giá vàng SJC bán ra của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn là 45,3 triệu đồng/lượng, giá mua vào là 45 triệu đồng/lượng, giảm hơn 2 triệu đồng mỗi lượng so với ngày hôm trước. Sau đó giá vàng có sự hồi phục vào buổi trưa, nhưng kết thúc phiên giao dịch giá vàng vẫn tuột khỏi mốc 45 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng ngày 23-8 đã để mất 4% và tiếp tục đà sụt giảm trong phiên hôm qua do nhà đầu tư tăng cường chốt lời sau khi giá vàng đã tăng gần 25% trong năm và leo lên mức cao kỷ lục trên 1.911 USD/ounce. Trong hai phiên giao dịch vừa qua, giá vàng giao ngay giảm gần 150 USD/ounce. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự điều chỉnh này là hợp lý vì giá vàng đã tăng quá nhanh và mạnh trong thời gian qua. Thậm chí, có chuyên gia dự báo, giá vàng còn giảm thêm 100-200 USD/ounce trong ngắn hạn. Tính đến cuối giờ chiều, giá vàng trên thị trường thế giới được giao dịch quanh mức 1.710 USD/ounce, giảm sâu so với mức kỷ lục thiết lập hồi đầu tuần. Mặc dù vậy, triển vọng đối với giá vàng trong trung và dài hạn vẫn được giới đầu tư đánh giá là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn ở các mảng nợ công và tăng trưởng. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Mỹ sẽ còn có tác dụng hỗ trợ cho giá kim loại quý này.

Cuối giờ chiều, vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm về mức 44,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,82 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tiếp khoảng 600.000 đồng/lượng so với buổi sáng. Có thể thấy, trong những ngày qua khi giá vàng biến động mạnh, chênh lệch giữa giá mua và giá bán được đẩy lên mức 800.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng, tuy nhiên mức giá này đã được thu hẹp.

Giá vàng giảm mạnh khiến nhiều người hoang mang, những người trót mua vàng giá cao lo sợ giá vàng tiếp tục giảm đành “rứt ruột” cắt lỗ chấp nhận thua thiệt. Nhưng trong khi đó, nhiều người lại tỏ ra hào hứng cho rằng đây là cơ hội để mua vào khi chỉ trong vòng 2 ngày giá vàng đã giảm tới hơn 4 triệu đồng mỗi lượng. 

Ngân hàng tiếp tục bán USD kịch trần

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng hôm qua 25-8 được giữ nguyên ở mức 20.628 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại hầu như không điều chỉnh tỷ giá so với ngày hôm trước. Giá mua vào khoảng 20.790 - 20.830 đồng/USD, giá bán ra ở mức kịch trần 20.834 đồng/USD. Chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra khoảng 4-44 đồng.

Mức giá niêm yết tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là 20.830 đồng/USD (mua vào) và 20.834 đồng/USD (bán ra). Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mức giá mua vào là 20.810 đồng/USD và bán ra là 20.834 đồng/USD… Trên thị trường tự do, giá USD chiều mua vào được giữ nguyên ở mức 21.000 đồng/USD và giá bán ra tăng nhẹ 10 đồng lên mức 21.030 đồng/USD so với ngày hôm trước.
Nhập hơn 88,5 triệu USD kim loại, đá quý trong nửa đầu tháng 8

So với nửa cuối tháng 7-2011, một số nhóm hàng có mức tăng kim ngạch nhiều nhất trong nửa đầu tháng 8 này là: xăng dầu các loại tăng 88,4 triệu USD; đá quý, kim loại quý và sản phẩm: tăng 88,5 triệu USD; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng: tăng 62,1 triệu USD; linh kiện và phụ tùng ô tô: 36,7 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: tăng 35,3 triệu USD;… Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 8 đạt 4,27 tỷ USD, tăng gần 36% so với 3,15 tỷ USD cùng kỳ năm 2010. Cộng dồn từ đầu năm, giá trị nhập khẩu đạt 62,21 tỷ USD, tăng gần 27% so với 49,19 tỷ USD cùng kỳ.