Giá vàng quay đầu giảm từ mức “đỉnh” 2 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Giá vàng thế giới giảm khi lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao, đã kéo giá vàng trong nước lùi xuống từ mức cao nhất trong vòng 2 năm được thiết lập hôm qua.

Sau phiên tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng 2 năm vào hôm qua, giá vàng SJC trong nước sáng nay lại quay đầu giảm nhẹ. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá thương hiệu vàng này vào đầu giờ sáng tại 69,40 – 70,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 150 nghìn đồng mỗi lượng so với chốt phiên hôm qua.

Tuy nhiên, so với đầu giờ sáng qua thì doanh nghiệp này đang niêm yết mức giá tương đương.

Tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cũng điều chỉnh giảm giá vàng miếng thêm khoảng 100 - 150 nghìn đồng mỗi lượng.

Theo đó, Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 69,35 – 70,20 triệu đồng/lượng, giảm 100 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua nhưng vẫn cao hơn 200 nghìn đồng so với đầu giờ sáng qua;

Phú Quý SJC sáng nay niêm yết 69,50 – 70,20 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu 69,68 – 70,33 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC giảm từ mức cao nhất trong vòng 2 năm

Giá vàng SJC giảm từ mức cao nhất trong vòng 2 năm

Giá vàng nhẫn, vàng các thương hiệu khác hôm nay tương đối đứng giá so với phiên hôm qua. Nhẫn tròn Vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 56,732-57,62 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Vàng PNJ 56,60 – 57,60 triệu đồng/lượng; nhẫn SJC cũng niêm yết mức 56,50 – 57,50 triệu đồng/lượng…

Giá vàng trong nước quay đầu giảm trong bối cảnh vàng thế giới cũng đang chịu áp lực của đồng USD tăng giá. Trong phiên giao dịch 12/10 tại thị trường Mỹ (đêm qua, giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đã giảm 5,5 USD mỗi ounce, chốt phiên tại 1.868,5 USD/ounce.

Giá vàng quay đầu giảm sau dữ liệu lạm phát cao hơn dự đoán vừa được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố cùng ngày. Theo đó, CPI trong tháng 9 của Mỹ đã tăng 3,7% so với cùng kỳ, cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó 0,1%. Đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp của CPI Mỹ, sau hơn một năm giảm sâu.

Giá tiêu dùng tháng 9 của Mỹ tăng trong bối cảnh chi phí thuê nhà và giá xăng cao nhất trong năm, gây thêm áp lực cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (sau khi trừ khí đốt và thực phẩm ra khỏi rổ tính hàng hóa) tăng chậm lại, mức 4,1% so với cùng kỳ 2022.

Báo cáo hôm nay làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp FOMC tháng 12. Theo công cụ FedWatch của CME, có 31,4% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất chuẩn thêm 0,25% và xác suất 3% rằng họ sẽ tăng lãi suất thêm 0,5% tại cuộc họp FOMC cuối cùng trong năm. Trong khi xác suất tăng lãi suất trong tháng 11 đã tăng từ 9,1% hôm qua lên 11,8% hôm nay.

Dù xác suất đã tăng, nhưng tỷ lệ vẫn là tương đối thấp. Do đó, báo cáo này có tác động vừa phải, khiến đồng đô la và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều tăng cao hơn. USD-Index hiện đang đứng ở mức cao, quanh 106,45 điểm và sức mạnh của đồng bạc xanh hoàn toàn là “thủ phạm” dẫn đến sự sụt giảm của giá vàng.

Căng thẳng địa chính trị cao hiện nay với cuộc chiến leo thang giữa Israel và nhóm phiến quân Hồi giáo Hamas cũng như cuộc xâm lược và chiến tranh của Nga với Ukraine đã hỗ trợ rất nhiều cho chức năng trú ẩn an toàn vốn có của vàng. Vàng tiếp tục là tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính.