- Giá vàng hôm nay: Vững vàng trước bất ổn nợ công tại Mỹ
- Hội đồng Vàng thế giới: Nhu cầu vàng giảm mạnh trong quý I nhưng vẫn còn động lực tăng
- Giá vàng tuần tới: Nhiều chuyên gia dự báo sẽ giảm
Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch thị trường Mỹ ngày 10/5 (đêm qua theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay đứng ở mức 2.019,8 USD/ounce, giảm 4,4 USD trong phiên.
Đáng nói, trong phiên, kim loại quý này đã có lúc vọt tăng lên mức giá sát 2.050 USD/ounce trước khi gặp lực bán chốt lời của các nhà đầu tư.
Giá vàng giao dịch kỳ hạn tháng 6 của Mỹ cũng giảm xuống, đóng phiên ở mức 2.037,10 USD/ounce trong phiên 10/5.
Sang đến sáng nay, kim loại quý hồi phục nhẹ tại thị trường châu Á với vàng giao ngay đang giao dịch quanh mức 2.033,5 USD/ounce.
Tại Việt Nam, giá vàng cũng đồng loạt tăng nhẹ với mức tăng khoảng 50 nghìn đồng mỗi lượng đối với vàng SJC. Theo đó, thương hiệu vàng quốc gia đang giao dịch quanh mức 66,55 - 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Vàng thương hiệu của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ ở mức cao với vàng nhẫn 99,99 của SJC niêm yết mức 56,50 - 57,50 triệu đồng/lượng.
Việc giảm giá của vàng quốc tế sau khi tiệm cận mức 2.050 USD/ounce trong phiên 10/5 được cho là do báo cáo lạm phát của Mỹ được công bố đã làm lu mờ những đồn đoán về khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Như vậy, mức lãi suất cao sẽ được giữ lâu hơn, trong khi đó, vàng đang cần những tín hiệu về việc giảm lãi suất để có thể duy trì đà tăng bền vững.
Giá vàng đang gặp một chút khó khăn khi lạm phát Mỹ vẫn ở mức cao |
Bộ Lao động Mỹ ngày 10/5 cho biết giá tiêu dùng của nước này tiếp tục tăng trong tháng Tư do chi phí nhiên liệu và giá thuê nhà tăng, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng Tư, sau khi tăng 0,1% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 4,9% trong tháng Tư, giảm nhẹ so với mức tăng 5% của tháng Ba.
Theo nhận định của một số chuyên gia, vàng có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn với lạm phát cơ bản không thay đổi so với tháng trước và cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed.
Trong khi vàng được coi là một công cụ hữu hiệu để chống lạm phát, lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng vàng có thể vọt lên mức cao kỷ lục một lần nữa, giữa những lo ngại dai dẳng về kinh tế, bao gồm cả nguy cơ vỡ nợ của Mỹ.
Tổng thống Biden vào chiều thứ Ba đã gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và các nhà lãnh đạo quốc hội khác để thảo luận về trần nợ công. Không có thỏa thuận nào đạt được nhưng các nhà lập pháp và Tổng thống sẽ có cuộc gặp tiếp theo vào thứ Sáu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây cho biết chính phủ Mỹ có thể cạn tiền trước ngày 1/6 nếu trần nợ không được nâng lên. Như vậy, nếu như tháng 5 kết thúc và nếu không có thỏa thuận gia hạn nợ nào của Hoa Kỳ, thì sự lo lắng trên thị trường chung sẽ tăng lên.
Trong một tin tức khác, Trung Quốc đang mở rộng dự trữ vàng và có thể từ bỏ đồng đô la Mỹ. Dự trữ vàng của Trung Quốc tăng 8,09 tấn trong tháng 4, đưa tổng kho dự trữ vàng ở Trung Quốc đạt 2.076 tấn sau khi quốc gia này bổ sung 120 tấn trong 5 tháng tính đến tháng 3.
Từ trước đến nay, Trung Quốc là khách hàng mua trái phiếu chính của Hoa Kỳ, nhưng điều này đã giảm nhiệt rõ rệt khi Bắc Kinh hoán đổi chúng để lấy vàng.
Động thái chiến lược này được cho là sẽ hạn chế sự phụ thuộc của Trung Quốc vào đồng đô la Mỹ, khi quan hệ thương mại và chính trị với Mỹ ngày càng xấu đi.