- Giá vàng hôm nay: Thế giới tăng, trong nước quay đầu giảm
- Giá vàng tuần tới: Chuyên gia dự báo tiếp tục tăng
- Giá vàng lại tăng mạnh
Mở cửa phiên giao dịch, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng ở mức 74,00 – 76,52 triệu đồng/lượng, không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự, Tập đoàn DOJI cũng giữ nguyên giá mua – bán vàng SJC tương đương cuối phiên trước, ở mức 73,95 – 76,45 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, PNJ điều chỉnh tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào - bán ra, niêm yết sáng nay tại 74,50 – 76,70 triệu đồng/lượng.
Hệ thống Phú Quý niêm yết giá mua – bán tại 74,05 – 76,50 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu 74,1 – 76,45 triệu đồng/lượng…, đều không đổi so với cuối phiên hôm qua.
Trong khi đó, vàng phi SJC lại đang tiếp tục xu hướng tăng với mức tăng khoảng 100 - 150 nghìn đồng mỗi lượng.
Cụ thể, nhẫn SJC 99,99 niêm yết mức 63,05 – 64,15 triệu đồng/lượng; Vàng PNJ cũng niêm yết tại 63.05 – 6,15 triệu đồng/lượng; Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu 63,88 – 64,98 triệu đồng/lượng…
Giá vàng đang "hụt hơi" |
Trên thế giới, chốt phiên giao dịch 15/1, vàng giao ngay đã tăng gần 6 USD mỗi ounce (0,28%), chốt phiên sát 2.055 USD/ounce. Tuy nhiên, đến sáng nay tại thị trường châu Á, kim loại quý lại quay đầu giảm và hiện đang giao dịch quanh 2.050 USD/ounce.
Theo đánh giá, vàng vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ nhu cầu trú ẩn an toàn khi xung đột Trung Đông leo thang. Cùng với đó, kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 3 tới cũng gia tăng, qua đó khiến USD và lợi suất trái phiếu đi xuống, như một đòn bẩy nhẹ nhàng cho giá vàng.
Tuy nhiên, lực cản của giá vàng lại đang là sự khác biệt ngày càng tăng trong chính sách tiền tệ giữa Mỹ và châu Âu.
Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ra tín hiệu về ba đợt cắt giảm lãi suất tiềm năng trong năm nay; trong khi đó, các thành viên ủy ban của Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang bác bỏ ý tưởng nới lỏng vào năm 2024.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm thứ Hai, ông Robert Holzmann, Thống đốc ngân hàng trung ương Áo, nói rằng bất kỳ ai cũng đang tìm kiếm một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 4 “ sẽ vô cùng thất vọng”.
Bình luận của Holzmann được đưa ra trong bối cảnh lạm phát ở châu Âu vẫn cao do giá năng lượng tăng. Tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng khu vực đồng euro tăng 2,9% so với mức tăng 2,4% của tháng liền trước đó và cao hơn mục tiêu 2% của ECB.
Ông Holzmann nói với CNBC bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ: “Trừ khi chúng tôi thấy mức giảm rõ ràng xuống còn 2%, chúng tôi sẽ không thể đưa ra bất kỳ thông báo nào về việc cắt giảm”.
Mặc dù Holzmann được coi là một trong những thành viên “diều hâu” hơn của ECB, nhưng nhận xét của ông lại phù hợp với nhận xét của Chủ tịch ECB Christine Lagarde.
Sau thông báo chính sách tiền tệ tháng 12 của ECB, bà Lagarde cho biết ngân hàng trung ương nên “tuyệt đối không hạ thấp cảnh giác”. Bà cũng nhấn mạnh rằng ECB hoàn toàn không thảo luận về việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp.
Theo một số nhà phân tích, thoạt đầu, sự chia rẽ giữa Cục Dự trữ Liên bang và ECB sẽ có tác dụng tích cực đối với vàng vì nó sẽ hỗ trợ đồng euro mạnh hơn so với đồng đô la Mỹ.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng khó có khả năng ECB có thể duy trì lập trường diều hâu của mình và họ dường như đang chờ đợi đến phút cuối cùng để cắt giảm lãi suất. Theo nhiều nhận định, các ngân hàng trung ương sẽ không khẳng định sự chuyển hướng cho đến khi họ hoàn toàn tin tưởng rằng đã kiểm soát được lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, những phát biểu của họ và kỳ vọng của thị trường đang có sự khác biệt lớn. Các nhà phân tích không tin rằng cả Fed lẫn ECB đều muốn giữ lãi suất cao quá lâu, bởi điều này sẽ khiến họ phải giảm với tốc độ rất lớn vào cuối năm.
Với quan điểm này, nhiều chuyên gia lại cho rằng vàng đang gặp khó khăn, nhất là nó đang có vẻ “cạn kiệt năng lượng” sau đợt tăng mạnh mẽ cuối năm ngoái.