Giá vàng biến động không ngừng, có nên đầu tư "lướt sóng" kiếm lời?

ANTD.VN - Giá vàng đang có những phiên biến động với biện độ cực lớn, nhiều người đang nghĩ đến việc "lướt sóng" để kiếm lời. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng việc đầu tư như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Sau phiên tăng kỷ lục ngày hôm qua với mức tăng cao nhất lên đến 3 triệu đồng mỗi lượng thì sang phiên hôm nay giá vàng lại giảm, đánh mất gần như toàn bộ thành quả của phiên tăng trước đó.

Trong phiên giao dịch ngày 25/2, giá vàng về cuối phiên được các doanh nghiệp điều chỉnh vài chục phút một lần. Tính chung trong ngày, giá vàng miếng SJC đã được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC điều chỉnh giảm 1,4 triệu đồng mỗi lượng ở chiều mua vào, giảm 1,7 triệu đồng mỗi lượng ở chiều bán ra, đang giao dịch tại: 46,40 – 47,30 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 46,40 – 47,32 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Tại các đơn vị kinh doanh vàng khác, giá vàng thậm chí còn điều chỉnh mạnh hơn, mức giảm ở chiều bán ra cao nhất lên đến gần 2,5 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng SJC tại một số doanh nghiệp như sau: DOJI 46,00 – 47,00 triệu đồng/lượng; Phú Quý 45,90 – 46,80 triệu đồng/lượng; Bảo Tín Minh Châu 46,00 – 46,80 triệu đồng/lượng…

Giá vàng đang có những phiên biến động rất mạnh

Nhìn nhận về thị trường vàng, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng dù giảm mạnh sau phiên tăng hôm qua nhưng về dài hạn, triển vọng của giá vàng vẫn rất tích cực khi dòng tiền đổ vào vàng ngày càng nhiều. Bằng chứng là các ngân hàng trung ương, quỹ đầu tư, định chế tài chính, ngân hàng thương mại trên thế giới đều có xu hướng mua vàng.

“Theo tôi, có dịch bệnh hay không thì vàng vẫn tăng, dịch bệnh chỉ giúp đẩy nhanh quá trình tăng của giá vàng mà thôi” – vị chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Phan Dũng Khánh, đầu tư vàng chỉ dành cho các nhà đầu tư dài hạn, còn ngắn hạn “ôm vàng là rất nguy hiểm”. Minh chứng cho điều này, ông Khánh cho biết, đơn cử như trong phiên 24/2 giá vàng tăng rất mạnh nhưng hôm nay lại xuống gần tương đương như vậy. Cộng với chênh lệch mua vào – bán ra, nhà đầu tư đã lỗ rất lớn.

Với thị trường trong nước, kể từ khi thống nhất một thương hiệu vàng quốc gia là SJC thì chênh lệch mua – bán vàng SJC bình thường chỉ 200 nghìn đồng/lượng, cao nhất chỉ 500 – 700 nghìn đồng mỗi lượng, nhưng hôm qua lần đầu tiên chênh lệch bị đẩy lên đến trên 1,5 triệu. Chênh lệch vàng trong nước và thế giới cũng rất cao.

“Điều này cho thấy những nhà đầu tư ngắn hạn rủi ro rất cao. Nếu thị trường biến động, doanh nghiệp rất dễ đẩy khoảng cách này lên cao, người mua sẽ hứng đủ” – vị chuyên gia nhận định.

Về thời điểm đầu tư vàng thích hợp, ông Phan Dũng Khánh cho rằng  người mua vàng nên canh thời điểm giá vàng điều chỉnh để mua, không nên mua lúc giá đang quá cao.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết,  mặc dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng giao dịch ngoài thị trường vẫn khá trầm lắng, người dân không quá mặn mà với vàng.

Theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng, trong tuần từ 17-22/02/2020, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường có xu hướng giảm. Ghi nhận mua bán ngoài thị trường chỉ ở mức thấp và nhỏ lẻ.

Còn trong phiên 24/2 là phiên giá vàng tăng đột biến thì báo cáo cuối ngày của các đơn vị kinh doanh vàng cho thấy lượng giao dịch so với ngày bình thường chỉ tăng khoảng 2%. Lượng mua vào và bán ra tương đương nhau.

Giá vàng trong nước bám sát và nhiều thời điểm thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.

Về chênh lệch mua vào – bán ra được các đơn vị điều chỉnh giãn rộng từ 1 đến 2 triệu đồng mỗi lượng trong những phiên gần đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng điều này là theo quan hệ thị trường. “Tỷ giá thì NHNN điều hành trong thị trường niêm yết của ngân hàng, nhưng còn thị trường tự do thì diễn biến theo cung cầu. Giá vàng cũng vậy” – ông Nguyễn Hoàng Minh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Minh, với việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong thời gian qua, thị trường vàng đã ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát. “Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết” – ông Minh cho hay.