Giá vàng áp sát mốc 49 triệu đồng/lượng, liệu có kéo dài đà tăng?

ANTD.VN - Sau nhiều phiên giằng co, giá vàng đã bật tăng mạnh kể từ cuối tuần trước và tiếp tục kéo dài đà tăng đến tuần này. Nhiều chuyên gia kỳ vọng đà tăng sẽ tiếp tục trong những phiên tới.

Giá vàng trong nước bắt đầu đà tăng vào phiên giao dịch cuối tuần trước với mức tăng 120 – 150 nghìn đồng/lượng trong phiên.

Sang đến phiên đầu tuần, đà tăng tiếp tục được duy trì. Vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC được điều chỉnh tăng thêm 80 nghìn đồng mỗi lượng, lên mức 48,58 – 48,93 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 48,58 – 48,95 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Trên thị trường, mức tăng dao động từ 100 – 150 nghìn đồng/lượng. Cụ thể, Vàng SJC tại PNJ giao dịch tại 48,63 – 48,88 triệu đồng/lượng, tăng 130 nghìn đồng mỗi lượng. Phú Quý SJC tăng 100 nghìn đồng mỗi lượng, lên 48,65 – 48,85 triệu đồng/lượng. Âu Vàng Phúc Long/SJC của DOJI tăng 150 nghìn đồng/lượng chiều mua, tăng 120 nghìn đồng/lượng chiều bán, lên 48,70 – 48,87 triệu đồng/lượng.

Giá vàng bứt phá sau nhiều phiên giằng co

Giá vàng trong nước nhận được trợ lực từ vàng thế giới khi phiên giao dịch cuối tuần trước, kim loại quý này đã đạt mức tăng ấn tượng gần 21 USD trong phiên. Sang đến sáng nay, vàng trên thị trường châu Á tiếp tục tăng thêm 8,8 USD và đang giao dịch quanh mức cao 1.752,6 USD/ounce.

Có thể thấy, các nhà phân tích đã trông chờ rất lâu để được thấy vàng có thể phá vỡ mức 1.750 USD/ounce, đây là ngưỡng kháng cự mạnh mẽ đối với xu hướng tăng. Họ kỳ vọng rằng khi vàng phá vỡ ngưỡng kháng cự này thì sẽ có thể bật cao hơn khi những căng thẳng kinh tế do hậu quả của Covid-19 vẫn tiếp tục song hành với căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Cùng với đó, những bình luận bi quan từ quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng vào thứ Sáu, khi Chủ tịch Ngân hàng dự trữ Liên bang Boston ông Eric Rosengren nói rằng một làn sóng coronavirus thứ hai có thể kéo dài sự gián đoạn kinh tế và phá vỡ xu hướng phục hồi kinh tế.

Các nhà lãnh đạo EU cũng làm thị trường thất vọng vào thứ Sáu, khi họ nói rằng mặc dù cần có hành động khẩn cấp để giúp châu Âu phục hồi sau khi phải đóng cửa vì coronavirus, nhưng họ vẫn chưa sẵn sàng cho một kế hoạch kích thích lớn đã được tranh luận trong nhiều tuần trước đó.

Các thị trường chứng khoán hiện cũng đang bị kẹt giữa các câu chuyện mang tính đối lập, từ rủi ro của làn sóng thứ hai của Covid-19 đến sự lạc quan xung quanh khả năng phục hồi sau đại dịch do các gói kích thích; và sự căng thẳng của Hoa Kỳ - Trung Quốc.