Giá trị thực tiễn từ một cuốn sách

ANTĐ - Với tên gọi "Một số vấn đề lý luận và nghiệp vụ công tác tư tưởng", cuốn sách gần 300 trang do Tiến sỹ Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ biên cùng sự tham gia của các nhà báo, nhà nghiên cứu... vừa ra mắt bạn đọc. 
Giá trị thực tiễn từ một cuốn sách ảnh 1

Sách gồm 11 chương, đề cập đến một số nội dung như: vai trò của văn hóa văn nghệ, những khía cạnh tâm lý xã hội trong công tác tư tưởng; vai trò của lý luận, nghiên cứu dư luận xã hội trong công tác tư tưởng; vấn đề đấu tranh, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học, công tác lãnh đạo và quản lý báo chí, công tác tuyên truyền, cổ động… 

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và nghiệp vụ công tác tư tưởng” do Tiến sỹ Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm chủ biên. Ông cũng là tác giả của 3 chương, gồm “Sức sống của tư tưởng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đổi mới, phát triển lý luận”, “Cuộc đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học trong giai đoạn hiện nay” và “Rèn luyện kỹ năng và nghệ thuật nói để làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động”.

Bên cạnh đó, cuốn sách còn gồm các bài viết của cố nhà báo Hữu Thọ với: “Một số vấn đề về lãnh đạo và quản lý báo chí trong thời kỳ mới”; PGS.TS Hà Học Hợi và TS Hồ Văn Chiểu với “Vai trò của công tác lý luận trong công tác tư tưởng” hay “Công tác tuyên truyền và cổ động” của TS Hồ Văn Chiểu và Trần Đình Nhĩ; “Vai trò của văn hóa văn nghệ trong công tác tư tưởng” - PGS.TS Nguyễn Nghĩa Trọng…

Bên cạnh những vấn đề chung, cuốn sách đi sâu phân tích những góc cạnh cụ thể của đời sống cũng như yêu cầu đổi mới và phát triển lý luận ở nước ta hiện nay. Về điều này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị viết: “Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, mỗi người đều cảm nhận cái mới diễn ra theo cách của riêng mình. Người thì thấy sự “bung ra” mạnh mẽ của những nguồn tiềm năng trong các thành phần kinh tế. Người khác thì cho đây là thời kỳ bùng nổ sáng tạo trong các hoạt động lý luận, tư duy… Có người nhận thấy đổi mới gắn liền với thời kỳ đất nước ta mở cửa và hòa nhập, chân thành mong muốn kết bạn với các nước, khẩn trương học hỏi, tiếp nhận mọi thành tựu, tinh hoa, tiến bộ của nhân loại. Có người lại cảm nhận công cuộc đổi mới cùng muôn vàn câu hỏi và những mâu thuẫn mới đang đặt ra, đang thôi thúc sự lý giải, trả lời.

Và nhìn chung thì: “Tất cả những thành tựu bước đầu ấy đều gắn liền và đều cùng nói lên ý nghĩa quan trọng của việc đổi mới và phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội”. Ở chương X, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về vấn đề tuyên truyền, cổ động, trong đó nhấn mạnh kỹ năng và nghệ thuật nói bởi lẽ: “Nói thế nào, nói cho ai nghe cũng là chuyện phải bàn”. Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, tuy nhiên điều đó chưa bao giờ làm giảm đi vai trò của thông tin miệng, của lời nói trực tiếp giữa người và người.

Chính vì thế Bí thư Thành ủy cho rằng: “Là báo cáo viên hay người được giao nhiệm vụ thuyết trình một vấn đề nào đó, chúng ta phải huy động mọi khả năng để chuẩn bị thật tốt nội dung, tìm kiếm tư liệu, đào sâu suy nghĩ, lật đi lật lại vấn đề. Phải đặt ra tình huống người nghe sẽ vặn lại thế nào, hỏi những gì… Người nào không coi trọng trau dồi kiến thức, khi đăng đàn diễn thuyết cứ thao thao bất tuyệt, “một tấc đến giời”, chẳng chóng thì chầy sẽ thất bại… Tri thức ở đây hiểu theo nghĩa rộng là học vấn, trình độ lý luận, sự am hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là sự sâu sát thực tiễn và am hiểu về con người chứ không phải thuộc lòng sách vở”.