Giá trị một bàn thắng

ANTĐ - Thống kê cho thấy V-League 2014 sau 23 vòng đấu có tới 15 trận đấu kết thúc với trên 7 bàn thắng được ghi, cao gần gấp 3 lần con số mùa trước. Nếu dựa vào số bàn thắng tăng vọt để đánh giá mức hấp dẫn của giải đấu, V-League hẳn là hấp dẫn nhất hành tinh. 

Nhưng người hâm mộ chẳng tự hào nổi, nhất là sau khi 2 vụ tiêu cực dàn xếp tỷ số ở V.Ninh Bình và Đồng Nai bị phanh phui. Hai vụ việc đều chung một kịch bản: Nhóm cầu thủ trong đội hùa nhau cùng làm độ, tạo ra các bàn thắng ở phút cuối để trận đấu “nổ tài”. Những bàn thắng “bẩn” mang về cho các cầu thủ số tiền hàng trăm triệu đồng, nhưng cùng với đó là án tù từ 2-10 năm cho tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc” đang treo lơ lửng.

Khi các vụ tiêu cực bị phơi bày, người ta bắt đầu đặt dấu hỏi quanh những bàn thắng “bất thường” của các cầu thủ tham gia làm độ. Đáng kể nhất là bàn phản lưới nhà từng chấn động giải U21 quốc tế năm 2010: Phút 38, trận U19 Việt Nam gặp U21 Singapore, trung vệ Phan Lưu Thế Sơn bất ngờ xoay người đá thẳng bóng về lưới nhà từ cự ly khoảng 40m. Nghi án bán độ này sau đó dần trôi vào quên lãng bởi không có chứng cứ. Nhưng ngay sau khi Thế Sơn bị bắt vì tham gia làm độ cùng 5 cầu thủ Đồng Nai, vụ bàn thắng lạ 4 năm trước lại được xới lên. Người ta nghi ngờ đó là một trong số những bàn thắng “bẩn” mà Thế Sơn tạo nên với mục đích đen tối.

Giữa bối cảnh V-League bị bủa vây bởi bóng đen tiêu cực và những bàn thắng “bẩn” thì bàn sút phạt thành bàn từ cự ly gần 30m của Vũ Phong vào lưới Hà Nội T&T chiều 3-8 như một tia sáng hiếm hoi. Bàn thắng của Vũ Phong đã giúp SHB Đà Nẵng thắng ngược Hà Nội T&T 2-1 và an bài cuộc đua vô địch mùa giải khi gián tiếp giúp Bình Dương đăng quang. Một bàn thắng xóa đi nghi ngờ về kịch bản “nhường điểm” giữa hai đội bóng cùng chung một chủ. Một bàn thắng làm lu mờ đi những bàn thắng “bẩn” mà người ta đã phải xem, phải nhắc quá nhiều trong thời gian qua. Và quan trọng hơn, bàn thắng đó giúp người hâm mộ có thêm niềm tin vào V-League, rằng bóng đá trung thực, bóng đá fair-play chưa chết!