Giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện giảm, người bệnh vẫn lo

ANTĐ - Gần 1 năm sau khi áp dụng phương thức đấu thầu thuốc theo các quy định mới, giá thuốc vào các BV đã giảm khoảng 30%, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Song liệu giá thuốc rẻ hơn có đi kèm với chất lượng hay không vẫn là điều mà người bệnh hết sức lo lắng.
Giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện giảm, người bệnh vẫn lo ảnh 1
Giá thuốc hạ, người bệnh được hưởng lợi nhiều song vẫn băn khoăn về chất lượng
(Ảnh minh họa)


Hiệu quả lớn về kinh tế

Thống kê sơ bộ của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, đến nay đã có gần 30 tỉnh/thành tổ chức đấu thầu mua thuốc vào BV theo hướng dẫn mới tại Thông tư tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC về đấu thầu thuốc BV và Thông tư 11/2012/TT- BYT hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu. Qua báo cáo nhanh của một số Sở Y tế, việc áp dụng đấu thầu mua thuốc theo các quy định mới của Thông tư 01 và Thông tư 11 đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Chẳng hạn, Sở Y tế Quảng Ngãi tiết kiệm được 28 tỷ đồng, Sở Y tế Quảng Ninh tiết kiệm được 40 tỷ đồng, Sở Y tế Hà Tĩnh tiết kiệm được 32 tỷ đồng, Sở Y tế Hậu Giang tiết kiệm được khoảng 57 tỷ đồng…

Phân tích kết quả trúng thầu của 7 Sở Y tế theo quy định mới báo cáo về Bộ Y tế cho thấy, trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng thuốc có tỷ trọng sử dụng cao tại các BV đã giảm được 115,49 tỷ đồng so với năm 2012. So sánh giá của các mặt hàng thuốc cụ thể và nhà sản xuất, cùng tên thương mại trúng thầu năm 2012 (thời điểm vẫn áp dụng quy định cũ về đấu thầu thuốc) và năm 2013 (khi đã áp dụng quy định mới) tại các BV, hầu hết các mặt hàng năm 2013 đều có giá giảm hơn so với năm 2012. Nhiều mặt hàng có giá giảm mạnh như Fascort giảm 42,86%, Quincef giảm giá 34,64%, Teonam giảm 10,6%, Getzlox giảm 6,88%...

Dược sĩ Vũ Tuấn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, năm 2013, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh không chỉ tiết kiệm được 40 tỷ đồng do giá thuốc trúng thầu vào các BV giảm mà việc thực hiện Thông tư 01 và 11 còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh bình đẳng, công bằng với thuốc ngoại nhập. Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã định hướng cho các BV trực thuộc khi đấu thầu thuốc phải xem xét, nâng tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước. Kết quả trong nửa đầu năm 2013, thuốc sản xuất trong nước trúng thầu vào các BV tại Quảng Ninh đã tăng từ 46% lên 52,4%...

Lo ngay ngáy chất lượng

Tại Hội thảo Góp ý sửa đổi Luật Dược và xây dựng chính sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh dược do Bộ Y tế tổ chức ngày 15-6, PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, thực hiện đấu thầu thuốc theo hướng dẫn mới có thể làm giảm chi phí điều trị, giảm giá thuốc lưu hành trong BV. Tuy nhiên, thuốc lưu hành trong BV chỉ là một bộ phận của thuốc hiện lưu hành trên thị trường. Nói cách khác, để giá thuốc không bị đội lên vô tội vạ cần siết chặt quản lý về giá thuốc trên thị trường dược phẩm. Mặt khác, giá thuốc mà bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 1 năm khoảng 30.000 tỷ đồng, do đó quản lý giá thuốc của thuốc do BHYT chi trả là một mảng việc rất lớn. 

PGS.TS Lê Văn Truyền nhấn mạnh, giá thuốc giảm rất đáng mừng song điều quan trọng nhất là điều này có song hành với chất lượng, hay khi giá giảm thì chất lượng thuốc cũng giảm theo. Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích, có 2 yếu tố dẫn đến việc giá thuốc trúng thầu vào các BV giảm. Thứ nhất là hướng dẫn đấu thầu thuốc theo quy định mới đã chú trọng tới việc chọn những mặt hàng thuốc mà trong nước có thể sản xuất được với hiệu quả không kém nước ngoài nhưng giá rẻ hơn nhiều; thứ 2 là các BV có cơ chế đấu thầu để sàng lọc các nhà sản xuất. “Chẳng hạn, ở tỉnh Quảng Ninh, trước đây đa số thuốc ngoại nhập trúng thầu vào các BV có nguồn gốc từ Ấn Độ, Hàn Quốc, giờ chuyển sang thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc, Malaysia… đương nhiên giá thuốc rẻ hơn. Chỉ sợ nhất là vấn đề chất lượng?” – PGS.TS Lê Văn Truyền chia sẻ.

Quy định của hai Thông tư nói trên, lấy tiêu chí “giá trúng thầu rẻ nhất” (tức cùng một chủng loại, thuốc nào có giá rẻ nhất sẽ trúng thầu), đã không quản chặt được vấn đề chất lượng.  Theo PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, để lọt vào tiêu chuẩn thầu “giá thấp”, một số công ty dược phải tiết giảm chi phí, nhập nguyên liệu giá rẻ và không chú trọng đầu tư công nghệ, bởi đa số các công ty dược đều xác định kênh phân phối lớn nhất là qua các BV. Đại diện một số doanh nghiệp dược trong nước cũng bày tỏ lo ngại, nếu không có biện pháp khắc phục hay quản lý tốt hơn, tình trạng này kéo dài sẽ khiến các công ty dược không chú trọng đầu tư chiều sâu mà chỉ sản xuất ra những sản phẩm tiêu thụ được, giá rẻ để dễ thâm nhập BV.

Lấy ý kiến sửa đổi Luật Dược

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, qua 8 năm triển khai thực hiện, Luật Dược đã phát huy được tác động lớn với công tác quản lý nhà nước và sự phát triển của ngành dược trong nước. Tuy nhiên hiện nay, nhất là từ sau năm 2007 khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã xuất hiện những bất cập về quy định hiện hành đòi hỏi Luật Dược phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Việc sửa đổi Luật Dược phải đảm bảo điều kiện vừa tuân thủ những cam kết quốc tế nhưng lại tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất, để người dân được dùng thuốc giá rẻ hơn những loại thuốc ngoại độc quyền giá cao. Cùng đó, phải đảm bảo chất lượng thuốc ngày càng nâng cao, thuốc giả, kém chất lượng giảm, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người bệnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp về sửa đổi Luật Dược trong vòng 10 ngày tới, từ đó xây dựng dự thảo Luật Dược bổ sung, sửa đổi và trình Chính phủ vào tháng 9-2013.