Giá thực phẩm tươi sống “lao dốc”: Mừng ít lo nhiều

ANTĐ - Giá thịt lợn, gia cầm đang “xuống dốc không phanh” so với thời sốt cao ngất ngưởng. Không cân đối được cung cầu để điều chỉnh nhập khẩu, nông dân điêu đứng, các bộ, ngành lại đổ lỗi cho nhau.

Thịt lợn mất giá, người chăn nuôi lao đao


Gà, lợn trượt giá

Từ tháng 6 đến tháng 8, giá thịt lợn cứ leo thang thẳng đứng, các bộ, ngành ráo riết vào cuộc. Bộ này thì chỉ đạo phát triển, mở rộng, khoanh nợ cho các hộ chăn nuôi để tái đàn, tăng cung. Bộ kia thì tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt. Song, nhìn vào bức tranh giá cả và chăn nuôi hiện nay, thì hình như, giảm hơi quá đà.

Thời điểm này, đi đến bất kỳ khu vực chăn nuôi nào như các huyện ngoại thành Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên…  đều được nghe đề tài quen thuộc là giá lợn, gà sụt giảm không ngừng. Theo tính toán, hiện giá lợn và gia cầm đã giảm bình quân tới 25.000 đồng/kg so với đầu tháng 8.

Trước đó, gà ta ngon giá tới 110.000-120.000 đồng/kg thì hiện chỉ bán được 90.000 đồng/kg. Gà công nghiệp thì chỉ còn 24.000 đồng/kg. Theo tính toán, giá thành của một kilôgam gà công nghiệp vào khoảng 34.000 đồng thì bán 24.000 đồng sẽ lỗ 10.000 đồng/kg. Anh Lường, chủ trang trại gà ở xã Ngọc Hòa, Chương Mỹ cho biết,  hiện nay trong trại của anh còn hơn 6.000 con gà công nghiệp chưa bán được mà không dám đầu tư thêm tiền thức ăn chăn nuôi vì sợ giá còn xuống nữa.

Giá thịt lợn còn thê thảm hơn. Nếu như thời điểm tháng 6 đến tháng 8, giá lợn hơi ở Hà Nội lên tới 70.000-72.000 đồng/kg, hiện xuống chỉ còn 52.000-54.000 đồng/kg, bán lẻ trong dân là 50.000 đồng/kg. Một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn lao dốc quá đà là do được khuyến khích mở rộng chăn nuôi, nông dân đã quay ra tái đàn, phát triển. Trong khi đó, khu vực miền Nam đang lũ lụt lịch sử kéo dài cả nửa tháng nay, bà con phải bán chạy lợn.

Tại anh hay tại ả?

Thêm vào đó, theo Cục Chăn nuôi, trong các tháng đầu năm lượng thịt nhập khẩu chỉ ở mức 3.000-4.000 tấn/tháng thì trong tháng 7, lượng thịt được nhập về là hơn 14.000 tấn và tháng 8 nhập thêm 12.000 tấn. Tổng cộng 9 tháng qua đã nhập 74.000 tấn. Dự kiến cả năm 2011 có thể nhập tới 100.000 tấn. Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng, trong thời gian qua, có vẻ như các cơ quan quản lý việc cho phép nhập khẩu thịt đã quá dễ dãi, thậm chí quá tay trong việc cho phép nhập khẩu, dẫn tới mức “thịt ngoại”, mà đặc biệt là thịt gia cầm tràn lan trên thị trường. Do đó, người chăn nuôi trong nước phải gánh chịu những hệ lụy.

Trong khi đó, ngay ở thời điểm giá thịt leo thang căng thẳng, Bộ Công Thương có đề xuất giảm thuế và cho nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt để “hạ sốt” thì Cục Chăn nuôi vẫn tính toán rằng từ khoảng tháng 7-2011 trở đi giá thịt sẽ giảm, không cần nhập khẩu quá nhiều.

Tuy nhiên, Cục Thú y (đơn vị phụ trách kiểm soát nhập khẩu thịt) lại cho rằng, việc nhập khẩu thịt ngoại không phải là nguyên nhân làm giá giảm. Ông Phạm Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI cho rằng, 9 tháng đầu năm, mặc dù khu vực cửa khẩu phía Nam nhập tới 4.200 tấn thịt lợn, tương đương 42.000 con lợn (khoảng 1 tạ/con) nhưng gần như 100% thịt nhập về được bán thẳng cho các bếp ăn tập thể, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến xúc xích, chả giò… chứ không bán ra thị trường nên không thể nói thịt lợn nhập khẩu gây điêu đứng cho thịt lợn trong nước.

Vẫn biết, giá thực phẩm giảm sẽ giúp cho bình ổn giá có hiệu quả. Song, với tình trạng giá cả thực phẩm lên rồi xuống quá “sốc” như hiện nay, sẽ khiến nông dân bán tháo sản phẩm, bỏ đàn và đến Tết Nguyên đán lại xảy ra tình trạng căng thẳng về giá. Đáng quan tâm, giá thịt lợn tại các trang trại giảm thê thảm song giá bán lẻ tại các chợ dân sinh vẫn đứng nguyên. Khâu trung gian đang “ăn lời” quá lớn, trong khi cả người tiêu dùng và nông dân cùng bị thua thiệt.